Cây sim rừng hay còn gọi là hồng sim, đào kim nương, dương lê… từng là loài cây mọc hoang ở các khu vực đồi núi nước ta. Ngày nay, cây sim được nhiều người nông dân đem về nhà trồng sau khi họ nhìn thấy được tiềm năng kinh tế mà giống cây này mang lại.
Cây sim có chiều cao trung bình từ 1-1.5m, lá cây mọc đối xứng và có hình trứng thon dài. Hoa có màu tím, thường mọc riêng lẻ hoặc chùm 2-3 hoa ở kẻ lá. Quả sim có màu tím sẫm, thuộc họ quả mọng nên ăn được, có vị ngọt, hạt có hình móng ngựa. Giống cây này sở hữu đặc tính dễ thích nghi, không kén đất và chịu hạn tốt, sim thường mọc dại trên các vùng đất cằn cỗi mà ít loại cây trồng nào có thể phát triển.
Trước đây, cây sim rừng thường mọc dại, xuất hiện nhiều tại các cánh rừng khu vực trung du miền núi phía Bắc, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Ngãi hay ở các vùng đảo như Lý Sơn, Phú Quốc, Côn Đảo. Theo thời gian, người dân khai hoang đất để làm nông nên diện tích trồng bị thu hẹp nhiều.
Qua nhiều nghiên cứu chứng minh được cây sim có nhiều giá trị về dinh dưỡng. Tất cả các bộ phận của cây đều có thể sử dụng để làm dược liệu. Trong trái sim chứa nhiều vitamin tốt cho sức khoẻ còn người, giúp tăng cao sức đề kháng, chống oxy hoá, cải thiện chức năng sinh lý của nam giới... Vì thế, sim trở thành loại trái được nhiều người tìm kiếm, săn lùng.
Từng là chủ của vườn keo lá tràm có diện tích lớn nhưng anh Phạm Công Định (ngụ xã Cẩm Mỹ, tỉnh Hà Tĩnh) có quyết định táo bạo khi phá bỏ toàn bộ vườn cây lấy gỗ chục năm tuổi để trồng cây sim dại.
Được biết, sau khi tham khảo, tìm hiểu nhiều mô hình trồng cây sim rừng từ báo đài, mạng xã hội, anh Định quyết định tìm đến vườn sim lớn trong tỉnh để tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Thời gian đầu, anh chỉ dùng 2 hecta đất vườn để thử canh tác cây sim. Cuối cùng, anh thu được 1 tấn sim/năm. Đến các năm về sau, khi vườn cây đã sinh trưởng ổn định, trung bình mỗi năm anh thu được 3 tấn trái sim tươi.
Những năm về trước, quả sim rừng không được biết đến nhiều. Phần lớn mọi người đều cho rằng đây là loài quả dại không có giá trị kinh tế. Nhưng có những người nghĩ khác, họ đem loài cây dại này về trồng với quy mô lớn để làm giàu.
Chia sẻ về giống cây “lộc rừng”, anh Định cho biết loài cây này dễ trồng nhưng phải chăm bón phân để trái ra đều, sản lượng tốt: “Sim vốn là loài cây dại đã từng có ở địa phương nên khi được trồng trên đất đồi rất phù hợp, phát triển nhanh. Đặc biệt, loài cây này rất ưa sáng, chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt, có thể sinh trưởng, phát triển ngay cả trên đất cằn cỗi. Sau khi trồng, gia đình tôi chủ yếu tập trung làm cỏ, bón phân, nên cây sinh trưởng nhanh và cho thu quả. Hằng năm, sim ra hoa vào khoảng tháng 4-5 và chín vào khoảng tháng 7 là có thể thu hoạch”.
Sim chín sau khi thu hoạch, anh Định bán cho các nhà máy sản xuất rượu sim trên địa bàn Hà Tĩnh. Không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh, anh Định cũng đóng sim vào thùng gửi cho khách hàng ngoại tỉnh như: Nghệ An, Hải Phòng... Đặc biệt, sim còn được anh Định sấy khô rồi đóng gói hút chân không để gửi cho khách hàng ở nước ngoài.
Tương tự anh Định, anh Nông Chí Khiêm (ngụ huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) từng cùng gia đình vào rừng thu hoạch sim để kiếm thêm thu nhập. Đến năm 2016, anh bắt đầu đào sim về trồng, chỉ trong vài tháng, diện tích đất hàng trăm hecta của gia đình anh Khiêm đã phủ kín sắc tím của cây sim.
Sau hơn 1 năm trồng và chăm sóc, vợ chồng anh Khiêm đã thu hoạch được những quả sim đầu tiên. Theo người nông dân này chia sẻ, mỗi hecta đất sẽ trồng được khoảng 1600 cây sim, mỗi cây cho thu hoạch ổn định từ 5-7kg quả, giá bán khoảng 35.000 đồng/kg.
Khởi nghiệp với cây sim, sau khoảng 3 năm trồng thử loại cây này, khu vườn nhà anh đã cho sản lượng ổn định, ước tính thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm nhờ bán sim tươi, sim khô, cung cấp nguyên liệu để làm rượu và bán sang thị trường quốc tế.
Ngoài ra, anh còn thu mua hoa sim của bà con địa phương, tiến hành sấy khô, cung cấp cho đối tác Nhật Bản mỗi năm từ 3-5 tạ với giá 1,6 triệu đồng/kg. Mỗi năm, gia đình anh thu hoạch khoảng 200 tấn sim, ước tính thu nhập khoảng 1,5-2 tỷ đồng.
Nếu như trước đây, sim chỉ là loại quả “ăn chơi” của dân quê nhưng nay nó đã trở thành mặt hàng, được thương lái thu mua với giá cao. Hiện nay, ngoài thu mua trực tiếp, sim rừng bán trên các sàn thương mại điện tử với giá dao động từ 50.000-70.000 đồng/kg và loại sim sấy khô có mức giá khoảng 100.000 đồng/ký. Nhiều nông dân còn tận dụng sim để ngâm rượu, trở thành món đặc sản mà nhiều người yêu thích. Đặc biệt, ở đảo Phú Quốc, loại rượu lên men từ trái sim đã tạo thành thức uống đặc trưng mà du khách đến đây không thể bỏ qua.
Không chỉ thế, một số nhà vườn còn biến vườn sim của mình trở thành khu du lịch, cho du khách tham quan, tận tay hái sim, thưởng thức các món ngon liên quan đến loại trái này. Từ đó, người nông dân đã “đổi đời”, có nguồn thu nhập ổn định, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho dân địa phương.
TẤN PHƯỚC