Từ bà nội trợ 9 con, người phụ nữ trở thành tỷ phú sở hữu khối tài sản kếch xù

Google News

Sinh ra ở chốn làng quê, từ một bà nội trợ trở thành người phụ nữ giàu có bậc nhất với khối tài sản đồ sộ trị giá hàng chục tỷ USD, chuyện cuộc đời bà Savitri được coi là một điều thần kỳ.

Savitri Devi Jindal, hay còn gọi là Savitri Jindal, là người phụ nữ giàu nhất Ấn Độ. Bà là Chủ tịch danh dự của Tập đoàn OP Jindal, một trong những tập đoàn lớn nhất Ấn Độ, kiểm soát các công ty như Jindal Steel & Power, JSW Energy, Jindal Saw, Jindal Inox, JSW Holdings và JSW Steel, trực thuộc OP Jindal Group.

Dù đã ở tuổi 84 nhưng Savitri Jindal vẫn tham gia điều hành tập đoàn cùng các con. Ngoài việc là một trong những nữ doanh nhân thành đạt nhất đất nước, bà còn thích sống một cuộc sống bình dị. Người ta hiếm khi bắt gặp nữ doanh nhân này tại các sự kiện hay bữa tiệc vì bà là người kín tiếng, thường giữ khoảng cách với sự chú ý của giới truyền thông.

Điều khiến hành trình khởi nghiệp của Savitri Jindal truyền cảm hứng hơn chính là việc bà không có nền tảng giáo dục vững chắc. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những điều này, bà vẫn đang lãnh đạo tập đoàn trị giá hàng tỷ đô la, thực sự là nguồn cảm hứng cho rất nhiều doanh nhân mới chớm nở trên toàn cầu.

Người phụ nữ giàu nhất Ấn Độ, giá trị tài sản ròng lên tới hàng chục tỷ USD

Theo một báo cáo trên The Economic Times, bà Savitri Jindal là người phụ nữ giàu nhất và là người giàu thứ năm ở Ấn Độ. Báo cáo cho biết giá trị tài sản ròng của Savitri Jindal trong năm 2023 vừa qua đã tăng thêm 9,6 tỷ USD.

Nữ doanh nhân này có tài sản ròng ước tính khoảng 25 tỷ USD. Không phải quá khi nói rằng 2023 là năm của người phụ nữ giàu nhất Ấn Độ khi Savitri Jindal đã phá nhiều kỷ lục và vượt xa những “cá mập lớn” như Ambani và Adani. Trong bảng xếp hạng Tỷ phú thế giới, Savitri hiện đứng ở vị trí thứ 61 với tài sản ròng trị giá 25 tỷ USD.

Sinh ra từ làng, lớn lên dưới định kiến xã hội

Ngày 20 tháng 3 năm 1950, tại thị trấn công nghiệp Tinsukia của bang Assam, Ấn Độ, một cặp vợ chồng đã đón bé gái chào đời và đặt tên là Savitri Devi. Thời bấy giờ, cũng như nhiều bé gái khác cùng trang lứa, công việc hàng ngày của Savitri là giặt giũ, nấu nướng và phụ giúp gia đình. Cánh cổng trường học luôn là điều gì đó quá xa vời với những bé gái như bà.

Năm 1970, khi ở độ tuổi 20, Savitri kết hôn với ông Om Prakash Jindal. Sau khi kết hôn, cặp đôi có 9 người con, trong đó có 4 con trai Prithviraj Jindal, Sajjan Jindal, Ratan Jindal và Naveen Jindal cùng 5 cô con gái.

Suốt hàng chục năm trời đó, bà Savitri đã làm rất tốt trọng trách của một người mẹ. Về cơ bản, bà không quan tâm đến việc làm ăn của chồng, một phần vì biết bản thân không được học nhiều, phần còn lại vì việc nhà đã rất bận bịu. 36 năm cứ thế trôi qua, người phụ nữ vẫn sống quanh quẩn trong đại gia đình và những mối quan hệ ruột thịt của mình. Biến cố trong đời ập đến khi người chồng của bà không may qua đời trong một vụ tai nạn trực thăng thảm khốc

Biến cố ập đến, bỗng sở hữu cả sự nghiệp lớn của chồng trong tay

Ông Om Prakash Jindal sinh năm 1930 tại Hissar và bắt đầu lập nghiệp năm 1952. Lớn lên tại một vùng quê, bản thân không được đào tạo chính quy về kỹ thuật nhưng người đàn ông này lại có niềm say mê đối với máy móc và công nghệ.

Người ta nói rằng, ông là một trong những kỹ sư không qua đào tạo vĩ đại nhất ở Ấn Độ. Từ một xưởng sản xuất xô chậu nhựa đến nhà máy thép... cứ thế ông xây dựng nên đế chế công nghiệp thép khổng lồ của mình chỉ trong vài năm. Om Prakash Jindal cũng từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Quyền lực của Chính phủ Haryana vào năm 2005. Tuy nhiên, thật không may, vào ngày 31 tháng 3 năm 2005, ông qua đời trong một vụ tai nạn trực thăng.

Ở tuổi 55, người phụ nữ vốn chỉ đảm đương việc nội trợ như Savitri Jindal bỗng phải nhận trách nhiệm thay chồng mình. Thay vì ngày ngày xuất hiện trong căn bếp, bà đến các nhà máy thép để tiếp quản công việc sau cái chết bất ngờ của ông Om Prakash Jindal.

Là một người phụ nữ không được học hành nhiều, vài chục năm qua chỉ biết ở nhà chăm sóc chồng con, đây thực sự là thách thứ lớn với Savitri. Tuy nhiên, bà không muốn công sức bao nhiêu năm của chồng mình đổ xuống sông xuống biển. Bà buộc mình phải mạnh mẽ để tiến lên.

Kể từ khi tiếp quản tập đoàn Jindal, Savitri chưa một phút lơ là, luôn nỗ lực học hỏi, bà cùng 4 người con trai điều hành công việc kinh doanh, là yếu tố quan trọng trong gia đình cũng như tập đoàn.

"Nơi người khác nhìn thấy bức tường, tôi nhìn thấy hướng đi" là câu nói của ông Om Prakash Jindal mà bà luôn ghi nhớ. Savitri Jindal đã làm tốt trọng trách của mình dù phải đối mặt với vô vàn thách thức trong khi không có bằng cấp hay được đào tạo chính quy. Bà là minh chứng rõ ràng cho thấy quan trọng là sự khao khát kiến thức, khả năng thích ứng và định hướng rõ ràng.

Đóng góp cho chính trị và từ thiện

Tầm ảnh hưởng của Savitri Jindal vượt ra ngoài lĩnh vực kinh doanh. Bà đã có những đóng góp đáng chú ý trong cả lĩnh vực chính trị và từ thiện. Là thành viên của Quốc hội Ấn Độ, Savitri Jindal từng là bộ trưởng trong chính phủ Haryana và là thành viên của Haryana Vidhan Sabha từ khu vực bầu cử Hisar. Sự tham gia của bà vào chính trị thể hiện cam kết đối với dịch vụ công và sự cải thiện của xã hội.

Ngoài nỗ lực chính trị, Savitri Jindal còn là một nhà từ thiện được nhiều người biết đến. Những đóng góp của bà trong việc trao quyền cho phụ nữ đã nhận được sự công nhận quốc tế. Bà được vinh danh với giải thưởng quốc tế tại Giải thưởng Tự hào Quốc gia và Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh lần thứ 14 vì những thành tựu của mình trong lĩnh vực này.

Không những vậy, người phụ nữ này còn tiếp tục truyền thống lâu đời của gia đình là thành lập trường học và bệnh viện với mỗi nhà máy Jindal mới. Điều này thể hiện cam kết của bà trong việc cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Bà từng nói: “Dù chúng ta xây dựng nhà máy ở đâu thì nhất định ở đó cũng phải xây trường học, bệnh viện”. Người phụ nữ chưa từng học đại học này đã lập nên trường O.P Jindal Global University nổi tiếng khắp Ấn Độ.

BẢO BẢO