Liên quan đến vụ cháy ở Phạm Văn Đồng (Hà Nội) khiến 11 người tử vong và nhiều người bị thương đang được cấp cứu tại bệnh viện, hiện cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra về hành vi “Giết người”. Đây không phải lần đầu xảy ra vụ cháy khiến nhiều người tử vong, vì thế cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần tự trang bị kiến thức về phòng cháy, chữa cháy cũng như kỹ năng thoát ra khỏi đám cháy an toàn.
Bình tĩnh tìm nơi thoát hiểm an toàn
Theo hướng dẫn của Bộ Công an, khi gặp hỏa hoạn tùy vào địa thế, địa hình và nơi xảy ra cháy để tìm lối thoát hiểm an toàn. Với trường hợp không bị cháy ở lối cửa chính ra vào, mọi người cần nhanh chóng di chuyển tới lối ra cửa chính để thoát ra ngoài. Nếu đám cháy ở giữa tòa nhà, những tầng trên cần tìm lối lên sân thượng để thoát sang công trình kế bên (với nhà liền kề) hoặc kêu cứu.
Để sống sót trong các vụ cháy việc cập nhật kiến thức về các kỹ năng thoát nạn là rất quan trọng.
Trong trường hợp lối thoát qua cửa chính tại tầng 1 đã bị lửa, khói bao trùm thì bình tĩnh và cùng các thành viên trong gia đình suy tính, tìm lối thoát khác như:
- Di chuyển ra ngoài ban công và sử dụng các phương tiện như thang dây nếu có, hoặc trong trường hợp cấp thiết có thể sử dụng dây thừng hoặc các dây tự nối bằng các vật dụng như rèm, ga giường, quần, để thoát xuống dưới và ra nơi an toàn.
- Di chuyển ra ban công hoặc qua cửa sổ và tìm cách thoát qua các nhà, công trình lân cận.
- Di chuyển lên tầng thượng hoặc lên mái và thoát sang các công trình lân cận nếu có thể.
- Đối với các nhà, công trình có lồng sắt bao bọc phía ngoài nhà, thì có thể thoát qua ô cửa trên các lồng sắt đó để sang các công trình liền kề.
Lưu ý: Tuyệt đối không chạy vào nhà vệ sinh để trốn tránh, bởi vì rất dễ bị ngạt khói và lửa thiêu khi đám cháy lan ra toàn bộ căn hộ.
Tránh ngạt khói là quan trọng hàng đầu
Theo khuyến cáo của ngành y tế, trong các vụ cháy đa số các nạn nhân tử vong do ngạt khói trước khi bị tử vong do cháy (bỏng), do vậy việc phòng ngạt khói khi có cháy phải được ưu tiên hàng đầu.
Để tránh ngạt khói việc giữ bình tĩnh và xử lý đúng cách rất quan trọng. Ảnh minh họa.
Theo đó, khi gặp sự cố cháy điều quan trọng nhất là tìm khăn thấm nước trước khi nguồn nước bị cắt hoặc hư hỏng, sau đó che kín mũi miệng để lọc không khí khi hít thở, tránh bị ngạt khói. Đồng thời, nên nhúng khăn, vải nhiều nước rồi trùm lên người để thoát ra khỏi đám cháy, việc làm này cũng sẽ hạn chế thương tích do bỏng.
Nếu gia đình nào có mặt nạ chống độc hãy dùng mặt nạ để di chuyển đến nơi an toàn. Đặc biệt quá trình di chuyển không chạy lấy được, hãy bình bĩnh bò dưới nền (sàn) để hạn chế hít nhiều khói độc, vì khói luôn có xu hướng bay lên cao.
Trường hợp bị mắc kẹt trong phòng, hãy đóng các cửa lại để ngăn khói bay vào. Sau đó tìm vải ướt hoặc băng dính bịt các khoảng trống xung quanh khung cửa và quạt thông gió để ngăn khói bay vào phòng và tìm cách gọi cứu hộ.
Nhận biết người bị ngạt khói
Các triệu chứng tổn thương do bị ngạt khói thường có biểu hiện rõ nhất ở đường hô hấp, cụ thể có một số dấu hiệu nhận biết sau:
- Ho: Màng nhầy trong đường hô hấp tiết ra nhiều hơn khi bị kích thích hít phải khói. Tăng sản xuất chất nhầy và co thắt phế quản sẽ dẫn đến phản xạ ho. Chất nhầy lúc này có thể trong, xám hoặc đen tùy thuộc vào mức độ các hạt bị đốt cháy đọng lại ở khí quản và phổi.
- Hụt hơi, thở gấp: Do tổn thương trực tiếp đến đường hô hấp làm giảm cung cấp oxy cho máu khiến bệnh nhân bị hụt hơi thở gấp. Mặt khác, máu cũng giảm khả năng vận chuyển oxy do hóa chất trong khói hoặc tế bào cơ thể không thể sử dụng oxy làm nạn nhân cố gắng thở nhanh để bù trừ cho tình trạng thiếu oxy.
Khi bị ngạt khói trong các đám cháy đa số các nạn nhân đều có biểu hiện về đường hô hấp. Ảnh minh họa.
- Khàn tiếng: Tổn thương do nhiệt và các hóa chất có trong khói có thể gây co thắt dây thanh quản, viêm và phù nề đường hô hấp trên dẫn đến nói khàn, nói khó…
- Đau đầu, rối loạn ý thức: Trong tất cả các vụ hỏa hoạn, mọi người đều phơi nhiễm với lượng khí CO, CN khác nhau. Bên cạnh đó, nồng độ oxy thấp và hít khí độc có thể gây các triệu chứng như: tim đập nhanh, thở nhanh, khó thở, buồn ngủ, buồn nôn và đau đầu… thậm chí đến rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, co giật, hôn mê và tử vong.
Những trường hợp tử vong do ngạt khói thường diễn ra rất từ từ, như một giấc ngủ sâu, không lường trước được, không gây đau đớn. Đến khi bị sốc do thiếu oxy, cơ thể ngột ngạt, khó thở thì lập tức họ đã rơi vào trạng thái hôn mê và tử vong do ngạt.
Sơ cứu người bị ngạt khói ra sao?
Theo các chuyên gia, tùy vào mức độ ngạt của nạn nhân có thể thực hiện một số bước sơ cứu như sau:
- Người còn tỉnh táo và có khả năng hô hấp được: Để nạn nhân nằm hoặc ngồi nghỉ ở chỗ thoáng khí, cho họ uống nước để giảm nhiệt độ cơ thể cũng như bù lượng nước đã mất.
- Nạn nhân bất tỉnh nhưng vẫn còn khả năng hô hấp được: Cho nạn nhân nằm nghiêng để đờm không làm tắc đường thở, nếu khu vực xung quanh có bình oxy nên cho nạn nhân thở ngay.
- Nạn nhân bất tỉnh, ngừng thở, thở bất thường: Trong quá trình chờ xe cấp cứu, nếu nạn nhân bất tỉnh, ngừng thở hoặc thở bất thường, chúng ta cần thực hiện hồi sức tim phổi cho nạn nhân ngay lập tức, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Dù trong tình trạng nào cũng cần liên hệ cơ sở y tế gần nhất để đưa người bệnh đi cấp cứu để được hỗ trợ, điều trị kịp thời.
LÊ PHƯƠNG.