2 tuần ho khan, đau tức ngực, đi khám ung thư phổi di căn

Google News

Tại Việt Nam ung thư phổi đứng hàng thứ nhất trong 10 loại ung thư thường gặp trên cả hai giới và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Thời gian gần đây, Bệnh Viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân nam 56 tuổi nhập viện trong tình trạng khó thở kéo dài, sụt cân. Tiền sử bệnh nhân khỏe mạnh, không có bất thường, chụp X-quang ngực phát hiện tràn dịch màng phổi phải. Bệnh nhân được chọc hút dịch màng phổi xét nghiệm Cellblock (kỹ thuật khối tế bào). Bác sĩ xác định bệnh nhân mắc ung thư biểu mô tuyến phổi phải di căn hạch, màng phổi, xương đa ổ giai đoạn 4.

Đáng chú ý, bệnh nhân được phát hiện ung thư phổi chỉ sau 2 tuần xuất hiện đau ngực phải, ho khan, ăn uống kém, gầy sút 2kg.

Thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Thị Phương Lan, Trung tâm Hô Hấp, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ung thư là bệnh ác tính và điều trị hạn chế. Ung thư phổi là sự sinh sản và tăng trưởng một cách không kiểm soát của các tế bào bất thường trong phổi.  

Ngoài ra còn có ung thư phổi thứ phát từ ung thư cơ quan khác di căn lên phổi như ung thư buồng trứng, ung thư dạ dày, ung thư gan. 

Theo thống kê của Globocan 2018, ung thư phổi là bệnh ung thư gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Mỗi năm có khoảng 1,6 triệu người tử vong vì ung thư phổi. Số ca tử vong do ung thư phế quản và phổi có thể lên tới 10 triệu ca mỗi năm.

Nhược điểm nhất của ung thư phổi là ung thư phát hiện ở giai đoạn muộn, tỷ lệ sống trên 5 năm chỉ có 16 %. Tại Việt Nam, ước tính của Globocan 2018 hàng năm có khoảng 23.667 ca mắc mới và 20.701 bệnh nhân tử vong mỗi năm, đứng vị trí thứ 2 chỉ sau ung thư gan.

2 tuan ho khan, dau tuc nguc, di kham ung thu phoi di can

Ảnh minh hoạ.

Thạc sĩ Lan cho biết việc sàng lọc ung thư phổi rất cần thiết. Nhờ sàng lọc mà chúng ta biết được ung thư ở giai đoạn từ rất sớm. Nếu phát hiện sớm, người bệnh có chất lượng cuộc sống tốt hơn, thời gian sống lâu hơn.

Những người cần sàng lọc ung thư phổi, BS Lan khuyến cáo các đối tượng như:

Người hút thuốc lá, tiếp xúc với chất khí độc hại, chất độc hại như radon, amiăng, thực phẩm chứa chất gây ung thư, tuổi cao, người có bệnh mãn tính khác, trong gia đình có người bị ung thư phổi.

Thuốc lá nguy hiểm với sức khoẻ con người, trong khói thuốc có 7.000 chất hoá học và có 50 chất gây ung thư phổi và các ung thư khác. Các chất gây ung thư trong thuốc lá, ô nhiễm môi trường tác động lên niêm mạc hô hấp làm loạn sản tế bào và gây nên ung thư.

90% các trường hợp ung thư phổi có hút thuốc lá, 10% các trường hợp không liên quan tới thuốc lá cả chủ động và bị động.

Cách phòng ung thư phổi đầu tiên là không hút thuốc, với người đã hút thuốc thì nên bỏ. Thạc sĩ Lan nhấn mạnh bỏ thuốc lá không bao giờ muộn, thậm chí bỏ thuốc lá vài lần mới thành công.

Thạc sĩ Lan cho biết bệnh nhân ung thư phổi ở tuổi trung niên đang gia tăng, thậm chí có trường hợp mới chỉ 25, 26 tuổi đã mắc ung thư. Có bệnh nhân vừa mắc ung thư phổi lại thêm ung thư vú, ung thư gan. Vì vậy, việc tầm soát ung thư phổi luôn được đặt ra hàng đầu.

'Có thể áp dụng các biện pháp sàng lọc như xét nghiệm tế bào ác tính trong đờm, chụp CT liều thấp để xác định được tổn thương ở phổi nhưng nguy cơ tia xạ chỉ bằng 10% so với CT thường', BS Lan cho biết.

Các dấu hiệu của ung thư phổi, người bệnh có biểu hiện ho kéo dài, ho có đờm hoặc máu, đau ngực đặc biệt trầm trọng hơn khi thở sâu, cười hoặc ho, khàn tiếng, hụt hơi, thở khò khè, suy nhược và mệt mỏi, chán và sụt cân.

Để phòng ung thư phổi, nếu phải làm việc trong môi trường có chất độc hại làm tăng nguy cơ ung thư ác tính ở phổi, hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ mình khỏi tiếp xúc với chúng. Những biện pháp này bao gồm đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ… 

Chế độ ăn lành mạnh, thực đơn đa dạng các loại rau củ quả, hạn chế thịt đỏ và các loại thịt đã qua chế biến đã được chứng minh làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, trong đó có bệnh u phổi cấp tính, tăng cường vận động thể dục.

Theo Phương Thúy/Infonet