Dưới đây là 9 quan điểm về dưỡng da khá phổ biến nhưng theo chuyên gia và các Beauty Blogger, những điều này không hề chính xác.
Phơi nắng làm giảm mụn
Mặc dù có một số bằng chứng cho rằng ánh nắng mặt trời có thể ngăn cản mụn trứng cá bùng phát tuy nhiên bạn không nên áp dụng phương pháp này để trị mụn trứng cá. Bởi hiệu quả của phương pháp này tùy thuộc với từng người. Ngoài ra, nguy cơ mà việc phơi nắng gây ra còn nhiều hơn tác dụng trị mụn của chúng.
|
Ảnh minh họa |
Tia UV (tia cực tím) trong ánh nắng có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn gây mụn trứng cá, đó là lý do tại sao bạn sẽ hết mụn tạm thời. Thêm vào đó, mụn trứng cá và những ban đỏ có vẻ khó phát hiện hơn khi làn da cháy nắng.
Tuy nhiên, ánh nắng cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đến khuôn mặt bạn. Nhiệt độ cao có thể tăng phản ứng viêm và tạo ra những đợt bùng phát mụn mới. Ngoài ra, tiếp xúc nhiều với tia UV trong ánh nắng mặt trời có thể làm tăng nguy cơ ung thư da. Một số loại thuốc trị mụn cũng có thể làm cơ thể bạn nhạy cảm hơn với ánh nắng khiến làn da bị cháy nắng nhanh hơn so với bình thường.
Kem dưỡng ẩm khiến da nhờn dính
Cũng không khó hiểu khi quan điểm này lại được các chị em có làn da dầu hưởng ứng, đặc biệt là vào mùa hè. Tuy nhiên đây lại là quan điểm hoàn toàn sai lầm. Đành rằng là có những loại kem dưỡng với kết cấu dày đặc, khó thấm với da dầu sẽ dẫn đến tình trạng nhờn dính. Nhưng trên thị trường hiện nay đã có rất nhiều những dòng kem dưỡng ẩm được sản xuất riêng cho da dầu, da dầu mụn với kết cấu mỏng nhẹ, nhanh thấm.
Nhu cầu cung cấp độ ẩm thì da nào cũng cần, bởi làn da được bảo vệ bởi 1 lớp màng ẩm. Việc nuôi dưỡng và duy trì độ ẩm cho làn da là cách củng cố màng bảo vệ đó và giúp da luôn khoẻ mạnh. Một khi lớp màng ẩm này bị hư tổn, da sẽ trở nên nhạy cảm, ửng đỏ và dễ lên mụn hơn rất nhiều.
Hơn nữa, kem dưỡng ẩm đóng vai trò khoá ẩm cũng như giữ các dưỡng chất được sử dụng trước đó không bị bay hơi. Vì thế kem dưỡng ẩm là bước cần phải có của mọi chu trình dưỡng da dành cho mọi loại da. Hãy tìm cho mình loại kem dưỡng phù hợp với loại da và nhu cầu thực tế của da nhé.
Kem đánh răng trị mụn
Nhiều công thức kem đánh răng có chứa một hoạt chất có tên triclosan, hoạt động như một chất tiêu diệt vi khuẩn gây mụn, đồng thời làm tiêu nhân mụn. Bên cạnh đó, một số thành phần thường được tìm thấy trong kem đánh răng, chẳng hạn như baking soda, rượu và hydroperoxide, được biết đến với công dụng làm khô và thu nhỏ mụn. Những lý do này khiến cho nhiều người tin rằng kem đánh răng có thể trị mụn.
Tuy nhiên, quan điểm này lại được chứng minh đã lỗi thời và phản khoa học:
- Hầu hết các công ty đều không còn sử dụng triclosan trong các công thức kem đánh răng của họ.
- Kem đánh răng có độ pH cao, dễ gây kích ứng cho làn da, vốn có độ pH tự nhiên. Việc bôi kem đánh răng lên da có thể khiến da bị bỏng rát, phát ban.
- Da bạn sẽ trở nên quá khô nếu cứ tiếp tục thoa kem đánh răng, khiến mụn càng nổi nhiều hơn nữa.
Vì thế, hãy tìm một loại kem trị mụn chứ không phải kem đánh răng nhé!
Mụn chỉ xuất hiện ở tuổi dậy thì
"Hết tuổi dậy thì là hết mụn, không cần chữa trị gì hết", đây là câu nói rất phổ biến của nhiều bậc phụ huynh để trấn an con mình khi các em đến tuổi dậy thì. Đúng là khi bước vào giai đoạn dậy thì, cũng là lúc cơ thể thay đổi hormone, theo đó mụn cũng sẽ xuất hiện nhiều hơn. Nhưng cũng sẽ dai dẳng cho đến khi trưởng thành nếu không biết cách chăm sóc da.
Vì thế, quan điểm "mụn chỉ xuất hiện ở tuổi dậy thì" đúng nhưng chưa đủ. Để chứng minh, chúng ta hãy cùng lược qua những nguyên nhân chính gây mụn. Trong đó, bít tắc lỗ chân lông và thay đổi nội tiết tố, hoạt động của tuyến bã nhờn cùng chế độ sinh hoạt bất hợp lý là những nguyên nhân chính. Cho nên kể cả khi hết tuổi dậy thì, da vẫn có thể xuất hiện mụn.
Nặn mụn sẽ khiến mụn lành nhanh hơn
Điều này đúng với một vài loại mụn nhưng không phải tất cả. Đối với mụn trứng cá, mụn đầu trắng,... nhân mụn nên được lấy ra để tránh tình trạng lây lan hoặc kéo dài tình trạng mụn dai dẳng. Nhưng với mụn mủ, mụn viêm… cần có sự can thiệp của chuyên gia, chứ không phải lúc nào cũng có thể nặn.
Thêm vào đó, việc nặn mụn ở nhà sẽ gây ra nhiều biến chứng khi không được xử lý đúng cách: mất vệ sinh có thể gây nhiễm trùng, nặn không hết nhân khiến mụn dai dẳng hơn hoặc lan sang các vùng da khác.
Không nên tự nặn mụn ở nhà dưới mọi hình thức. Hãy đến bệnh viện da liễu hoặc những địa chỉ spa uy tín để được điều trị đúng cách và dứt điểm bạn nhé!
Những ai da trắng mới cần kem chống nắng
Phần lớn những người da trắng thường rất thích tắm nắng. Cùng với màu da sáng, những vấn đề liên quan đến sắc tố trên da những người da trắng thể hiện rất rõ ràng: nám, tàn nhang, vết thâm… Tất cả những điều này phần nào khiến một số người tin rằng, chỉ có những ai có da trắng mới cần dùng kem chống nắng.
Quan điểm này thì hoàn toàn sai trái và phản khoa học. Tia UV và các tác nhân khác từ môi trường không chừa bất kỳ màu da nào hay loại da nào ở bất cứ đâu. Vì thế dù bạn da trắng hay da ngăm cũng đều phải sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da.
Kem chống nắng rất độc hại
Đã từng rộ lên phong trào tẩy chay kem chống trong một cộng đồng nhỏ. Những người này cho rằng, kem chống nắng không những không tác dụng gì mà còn gây ra nhiều tác hại cho môi trường. Vì thế, họ quyết định không sử dụng kem chống nắng.
Tuy nhiên, việc không sử dụng kem chống nắng hại nhiều hơn lợi. Kem chống nắng không chỉ bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời, giảm thiểu tối đa tác nhân gây ra ung thư da mà còn bảo vệ da đối với cả ánh sáng xanh, thứ ánh sáng từ các thiết bị điện tử. Loại ánh sáng này được cho còn độc hại hơn cả ánh sáng mặt trời vì trung bình mỗi người tiếp xúc với các thiết bị điện tử 12-16 tiếng/ngày.
Hơn nữa, hiện tại nhiều thương hiệu đã sản xuất những sản phẩm kem chống nắng thân thiện với môi trường, không thử nghiệm trên động vật… Bảo vệ da không bao giờ là thừa cả, nên dù thế nào, lựa chọn kem chống nắng để bảo vệ tốt nhất cho da nhé.
Tất cả dầu dưỡng da đều gây mụn
Dầu dưỡng da – facial oil vốn là sản phẩm làm đẹp cực hot và là một phần không thể thiếu trong quy trình chăm sóc da của rất nhiều chị em. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều cô nàng muốn được trải nghiệm khả năng chăm sóc và bảo vệ da của dầu dưỡng nhưng còn rất e ngại vì sở hữu làn da dầu, dễ lên mụn.
Về cơ bản, dầu dưỡng da thường chứa nhiều acid béo, phổ biến nhất là nhóm Omega 6 (Linoleic Acid) và Omega 9 (Oleic Acid).
- Loại dầu dưỡng có tỷ lệ Oleic Acid (OA) cao thường đặc hơn và thấm lâu. Vì vậy, chúng có vai trò nuôi dưỡng da đang bị lão hóa và làm mềm da khô, bong tróc.
- Dầu có chứa nhiều Linoleic Acid (LA) giúp tăng cường kết nối các sợi tế bào, tăng độ đàn hồi da. Dầu có tỷ lệ linoleic acid cao có kết cấu mỏng, nhẹ để các hoạt chất thấm sâu hơn vào lớp biểu bì, cân bằng lượng dầu thừa có trên da. Vì vậy, đây là loại dầu phù hợp với da dầu, mụn và lỗ chân lông to.
Dầu hạt nho (71% LA), dầu hoa tầm xuân - rosehip oil (44% LA), dầu argan (37% LA)... là những sự lựa chọn phù hợp dành cho làn da dầu, da dầu mụn nhưng vẫn muốn sử dụng dầu dưỡng da.
Tự nhiên luôn tốt nhất
Đúng nhưng không phải tất cả. Những sản phẩm Organic, có nguồn gốc tự nhiên hoặc 100% thiên nhiên thường không chứa các chất hóa học, dẫn xuất hay dung môi gì cả nên bằng cách nào đó, những sản phẩm này được cho rằng không gây kích ứng cho da và hoàn toàn phù hợp với da nhạy cảm.
Tuy nhiên dưới đây là 2 lý do bạn sẽ cần cân nhắc trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên nào:
- Khó bảo quản và hạn sử dụng cực kỳ ngắn: những sản phẩm 100% thiên nhiên không chứa chất bảo quản thường chỉ có thể sử dụng tối đa 10 ngày trong môi trường bảo quản lạnh. Các chất này không còn bền vững khi tiếp xúc với oxy nên dễ sinh ra các chất độc hoặc bị mốc, úng…
- Kể cả những loại trái cây, rau củ quả thiên nhiên cũng chứa nhiều Acid có nồng độ pH cao nên sẽ gây kích ứng cho da khi tiếp xúc với bề mặt da có pH cân bằng.
Với 2 lý do này, bạn có nghĩ rằng tự nhiên sẽ tốt nhất không?
Phunuvietnam