Trước tình trạng các ca bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em vẫn tiếp tục gia tăng trên toàn cầu, ngày 10/5, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã đưa ra cảnh báo các bậc cha mẹ về các triệu chứng của căn bệnh này.
Dưới đây là 5 điều cần biết về bệnh viêm gan ở trẻ em:
1. Đợt bùng phát viêm gan mới nhất ở trẻ em diễn ra trên toàn cầu
Vào tháng 4, các nhà nghiên cứu ở Mỹ và Châu Âu đã thông báo họ đang điều tra các nhóm ca bệnh nhỏ nổi lên trên toàn cầu.
Tính đến tuần này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hơn 340 trường hợp mắc bệnh viêm gan ở trẻ đã được báo cáo tại 20 quốc gia.
Tại Mỹ, có ít nhất 109 trường hợp được xác nhận với 5 ca tử vong.
|
Hình minh họa adenovirus (Ảnh: Science Photo Library/Alamy/The Guardian) |
2. Nguyên nhân của sự bùng phát vẫn chưa được biết
Theo CDC, nguyên nhân của các trường hợp viêm gan ở trẻ em được báo cáo ở Mỹ vẫn chưa được biết rõ.
“Chúng tôi đang điều tra xem các yếu tố khác đóng vai trò gì trong căn bệnh này, chẳng hạn như tiếp xúc với chất độc hoặc các bệnh nhiễm trùng khác mà trẻ em có thể mắc phải”, cơ quan này cho biết.
Được biết, một số bệnh nhi bị viêm gan cũng nhiễm adenovirus loại 41 - loại virus có thể gây ra bệnh dạ dày nghiêm trọng cho trẻ.
CDC thông tin, adenovirus có các loại virus khác nhau có thể gây ra các bệnh khác nhau, từ cảm lạnh thông thường đến viêm phế quản cấp tính, viêm phổi, đau mắt đỏ và viêm dạ dày ruột cấp tính hoặc viêm dạ dày.
3. Văcxin chủng ngừa viêm gan không có tác dụng bảo vệ khỏi đợt bùng phát mới nhất
Virus viêm gan là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh viêm gan trên thế giới, bao gồm cả viêm gan A, B và C, nhưng yếu tố này đã bị loại trừ trong đợt bùng phát viêm gan mới nhất.
Theo TS Jennifer Ashton, phóng viên y tế của ABC News, trong những ca mắc viêm gan bí ẩn, không một ai được bảo vệ bởi văcxin, vì vậy điều đó thực sự khiến giới chức y tế hoang mang tại thời điểm này.
4. Sự bùng phát viêm gan dường như không liên quan đến COVID-19
Các quan chức y tế phủ nhận đợt bùng phát hiện nay ở các bệnh nhi có liên quan đến virus SARS-CoV-2 hoặc văcxin COVID-19.
Giám đốc CDC, TS Rochelle Walensky, nhấn mạnh rằng phần lớn các ca bệnh là ở trẻ em từ 2 đến 5 tuổi. Những đứa trẻ này không đủ điều kiện để tiêm văcxin COVID-19. Do đó, tình trạng này không liên quan gì đến văcxin.
5. Cha mẹ nên đưa con đi khám nếu thấy xuất hiện các triệu chứng
CDC đã khuyến cáo các bậc cha mẹ nên chú ý đến các triệu chứng của trẻ bao gồm sốt và mệt mỏi, buồn nôn và nôn, đau bụng, đau khớp, vàng da hoặc thay đổi màu nước tiểu hoặc phân.
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào trong số đó, cha mẹ nên gọi bác sĩ nhi khoa càng sớm càng tốt.
Cơ quan này cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ đảm bảo các con được tiêm chủng đầy đủ và tuân thủ các quy tắc an toàn, chẳng hạn như rửa tay thường xuyên, tránh những người bị bệnh, che miệng khi ho và hắt hơi và tránh chạm vào mắt, mũi hoặc miệng.
>>> Mời độc giả xem thêm video 70% bệnh nhân ung thư gan được phát hiện muộn ( Nguồn: THĐT)
Lương Trâm (Theo ABC News)