Đầu tháng 11, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, vừa đưa thông tin cảnh báo từ Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HAS) về việc phát hiện các sản phẩm thực phẩm có chứa chất cấm. Theo đó, HAS thông báo về việc phát hiện các chất cấm có trong một số loại thực phẩm bán tại Singapore, bao gồm sản phẩm kẹo sâm cường dương Hamer .
|
Hình ảnh theo cảnh báo của Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HAS) |
Thông tin sản phẩm thực phẩm chứa chất cấm, cụ thể về sản phẩm kẹo Hamer có ghi rõ thành phần Malt, Brown sugar, Coffee, Pomegranade, Ginseng Extract, Hydrolysed Protein, Enzymes, Cynomorium, Songaricum, Polusaccharides (tạm dịch: mạch nha, đường nâu, cà phê, chiết xuất thạch lựu, chiết xuất nhân sâm, protein thủy phân, enzyme, nấm ngọc cẩu (sâm tỏa dương), đường đa Polusaccharides…
Ngoài ra, sản phẩm không có thông tin nhà sản xuất/ phân phối. Sản phẩm bị phát hiện chứa chất cấm N-desmethyl Tadalafil.
Cục An toàn thực phẩm ngay lập tức đã tiến hành rà soát nội bộ và kết quả là: Từ tháng 9/2014 đến nay, các sản phẩm trên chưa được cấp công bố tại Cục nhập khẩu vào Việt Nam. Trước thông tin trên, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm có tên nêu trên và báo với cơ quan chức năng gần nhất nếu phát hiện tổ chức, cá nhân có bán các sản phẩm này.
Mặc dù vậy, sau khuyến cáo của Cục ATTP, tại Việt Nam, kẹo sâm "cường dương" có tên Hamer, 1 trong 7 sản phẩm kể trên lại bán tràn lan trên mạng. Kẹo sâm Hamer được quảng cáo có tác dụng cường dương. Và chất cấm trong sản phẩm này là chất N-desmethyl Tadalafil, được sử dụng để kích dục.
Cụ thể, theo HSA, loại kẹo này có chứa N-desmethyl Tadalafil, có liên quan về mặt hóa học với tadalafil, một loại thuốc kê đơn dùng để điều trị chứng rối loạn cương dương ở nam giới.
Vì là thuốc nên Tadalafil chỉ nên được sử dụng dưới sự giám sát y tế. Tadalafil cũng có thể tương tác với một số thuốc dẫn đến gây giảm tác dụng hoặc gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm. Việc sử dụng Tadalafil không thích hợp sẽ khiến người tiêu dùng có nguy cơ gia tăng các tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm đột quỵ, đau tim, huyết áp thấp và chứng priapism (cương cứng gây đau đớn và quá lâu). Do cấu trúc hóa học tương tự của chúng, Nortadalafil có thể gây ra các tác dụng phụ tương tự hoặc thậm chí độc hại hơn Tadalafil.
Mời độc giả theo dõi video: Xử lý nghiêm quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật
Những bệnh lý có thể tương tác với tadalafil bao gồm: bệnh động mạch vành, tiểu đường, lipid máu cao (lượng lipid hoặc mỡ trong máu cao), tăng huyết áp, đau thắt ngự, loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim (trong vòng 3 tháng trước), suy tim, viêm loét dạ dày. Vì lẽ đó, Tadalafil cũng không nên được sử dụng cho những bệnh nhân đang dùng thuốc điều trị bệnh tim, nó có thể gây ra huyết áp thấp đe dọa tính mạng, có thể dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, khi sử dụng tadalafil, người dùng có thể gặp phải một số phản ứng tác dụng phụ của thuốc như: mặt đỏ phừng phừng, hoa mắt chóng mặt, đau đầu, khó tiêu hóa, đau cơ, đau nhức toàn thân, và đặc biệt nguy hiểm là tình trạng dương vật cương cứng trong thời gian dài.
An Lê