Theo giải thích của Viện Nghiên cứu Ung thư Anh (CRU) có trụ sở tại London, Anh, thực dưỡng trong tiếng Anh là macrobiotic, bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, với “macro” nghĩa là “trường, đại”, và “bio” nghĩa là “sinh”, dùng để chỉ phép dưỡng sinh tự nhiên và kéo dài tuổi xuân.
Chế độ thực dưỡng được hình thành vào những năm 1920 bởi nhà triết học người Nhật Bản George Ohsawa. Ông tin rằng bằng phương pháp ăn uống đơn giản, lành mạnh, con người có thể sống hòa hợp với thiên nhiên. Ông cũng tin rằng chế độ thực dưỡng có thể chữa bệnh ung thư và nhiều bệnh tật nghiêm trọng khác.
Điểm đáng chú ý trong chế độ thực dưỡng là hạn chế tối đa chất toxin. Đây là loại chất độc sản xuất bên trong tế bào hoặc sinh vật sống. Do đó, một số người theo chế độ thực dưỡng thường ăn chay hoàn toàn, không sử dụng các sản phẩm từ bơ sữa và thịt, nhưng vẫn có những người ăn một lượng nhỏ thịt và cá.
Một khẩu phần thực dưỡng thường có các loại ngũ cốc hữu cơ như gạo nâu (gạo lứt), lúa mạch, yến mạch và kiều mạch (chiếm một nửa khẩu phần), các loại hoa quả và rau sạch (chiếm một phần tư khẩu phần) và các loại canh, súp có thành phần là rau, tảo biển, hạt đậu (chiếm một phần tư khẩu phẩn).
Theo chế độ thực dưỡng, con người chỉ nên ăn khi đói, đồng thời nhai rất kỹ, cho tới khi thức ăn trở thành dạng lỏng trong miệng mới được nuốt. Quan niệm đó xuất phát từ sẽ niềm tin giúp dạ dày tiêu hóa tốt hơn.
Theo Viện Nghiên cứu Ung thư Anh, chưa có bằng chứng khoa học cho thấy thực dưỡng có thể hỗ trợ điều trị hoặc chữa bệnh ung thư.
Hiện nay, có nhiều bệnh nhân ung thư trên thế giới biết đến thực dưỡng và áp dụng như một phương thức điều trị bổ trợ. Họ nghĩ rằng thay đổi khẩu phần ăn và lối sinh hoạt có thể khiến bản thân cảm thấy vui vẻ, lạc quan hơn. Viện Nghiên cứu Ung thư Anh cho rằng thực dưỡng có thể có chức năng đó, nhưng cũng tiềm ẩn những tác hại khó lường.
Việc không ăn các thực phẩm có nguồn gốc từ bơ, trứng, sữa và thịt động vật có thể gây thiếu dinh dưỡng, khiến cơ thể vận hành không đúng cách. Ngoài ra, phương pháp ăn này có thể gây sút cân rất nhiều.
|
Tác dụng của chế độ thực dưỡng trong điều trị ung thư chưa được chứng minh (Ảnh minh họa). |
Một bệnh nhân ung thư đã vốn yếu và sút cân, do đó nếu càng tiếp nhận nhiều năng lượng thì họ sẽ càng có cơ hội trong quá trình điều trị bệnh. Theo Viện Nghiên cứu Ung thư Anh, một khẩu phần hạn chế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, đặc biệt là đối với người áp dụng thường xuyên phương pháp ăn này thay vì điều trị bằng thuốc thông thường.
Người áp dụng chế độ thực dưỡng có thể bị thiếu các chất thiết yếu như calories, vitamin, canxi, protein và sắt. Trước đây, nhiều người theo chế độ thực dưỡng không ăn gì khác ngoài các loại ngũ cốc nguyên hạt. Điều đó có thể dẫn tới suy dinh dưỡng trầm trọng, thậm chí là tử vong.
Dẫu vậy, một số nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng thực dưỡng có thể cải thiện sức khỏe đối với một số người nếu họ áp dụng điều độ và không quá cực đoan. Điều đó có thể vì những người này gia tăng hoa quả và rau trong khẩu phần, đồng thời giảm đường, chất béo và muối. Nhưng đối với những người bị bệnh hoặc quá trẻ, theo thực dưỡng có thể gây ra các bệnh tim mạch, ung thư vú và các bệnh ung thư khác liên quan tới chế độ ăn giàu chất béo, theo kết luận của Viện Nghiên cứu Ung thư Anh năm 2015.
Còn theo một bài đăng hồi tháng 9/2017 của chuyên gia dinh dưỡng Kerry Torrens trên chuyên trang thực phẩm thuộc báo BBC, những thành phần trong chế độ thực dưỡng có thể sẽ có lợi cho phụ nữ bởi họ sẽ giảm sản sinh nội tiết tố estrogen tuần hoàn, giúp làm giảm nguy cơ mắc ung thư, trong đó có ung thư vú.
Nhưng chuyên gia Kerry Torrens cũng lưu ý thực dưỡng không tốt cho trẻ em và thanh niên, bởi sự thiếu dưỡng chất có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và sự phát triển lâu dài, dù những nghiên cứu cụ thể về kết luận này vẫn còn hạn chế. Những tác động tiêu cực đó phụ thuộc vào việc một người theo nghiêm ngặt chế độ thực dưỡng đến mức nào.