Vào tuần thai thứ 21, chị được chẩn đoán mắc rau tiền đạo và rau cài răng lược. Đến tuần thứ 28, chị lại phát hiện mắc thêm bệnh tiểu đường thai kỳ, nhưng nhờ sự chăm sóc và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng của các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, tình trạng sức khỏe của chị đã được đưa về mức an toàn.
|
Ảnh minh họa. |
Đến tuần thứ 33, chị Nguyễn Thị Huyền N. nhập viện trong tình trạng đau bụng, ra máu ồ ạt và có cơn co tử cung, tiên lượng xấu có thể phải mổ lấy thai. Nhờ sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ tại khoa A4, chị đã được cầm máu và cắt được cơn co tử cung.
Tới tuần thứ 35, bánh rau đã ăn sâu vào bàng quang và toàn bộ đoạn dưới tử cung, gây chảy máu ồ ạt. ThS.BSCKII Trần Ngọc Đính, Trưởng khoa Tự nguyện D5 cùng ekip nhận thấy đây là thời điểm thích hợp để mổ lấy thai nhằm đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Ca mổ diễn ra với nhiều khó khăn, do các mạch máu dưới tử cung tăng sinh và dính vào thành bụng trước, gây mất máu nghiêm trọng. Ekip phẫu thuật đã quyết định cắt tử cung bán phần, giữ lại hai buồng trứng.
Sau 1,5 giờ phẫu thuật với trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm dày dặn trong phẫu thuật sản phụ khoa, ekip đã thực hiện ca phẫu thuật thành công. Bé trai nặng 3700g chào đời khỏe mạnh, và sau phẫu thuật, tình trạng của mẹ và bé đều ổn định.
Theo như chia sẻ của chị Nguyễn Thị Huyền N, chị rất tin tưởng vào đội ngũ nhân viên y tế của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, nên cả 6 lần sinh con chị đều chọn sinh tại đây. Đặc biệt, cả 6 lần mang thai và sinh nở, chị đều được ThS.BSCKII Trần Ngọc Đính, Trưởng khoa Tự nguyện D5, trực tiếp thăm khám, điều trị và mổ lấy thai. Hiện tại, gia đình chị đã có 4 bé gái và 2 bé trai, mỗi bé cách nhau hai tuổi, đều rất ngoan ngoãn và đáng yêu.
Theo ThS.BSCKII Vương Ngọc Đoàn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, rau cài răng lược để chỉ tình trạng khi một phần hay toàn bộ bánh rau xâm lấn cơ tử cung và có thể đâm xuyên các tạng xung quanh.
Sau khi sinh, bánh rau sẽ bong và xổ ra ngoài âm đạo, nhưng nếu sản phụ mắc tình trạng rau cài răng lược, bánh rau không thể bong khỏi cơ tử cung và là nguyên nhân gây ra các tình trạng băng huyết sau sinh, rối loạn đông cầm máu... tử vong cho người mẹ nếu không được cấp cứu kịp thời.
Các mẹ bầu cần được chẩn đoán chính xác tình trạng rau cài răng lược tại cơ sở y tế chuyên khoa lớn với đội ngũ y bác sĩ trình độ chuyên môn cao. Khi đã được chẩn đoán rau cài răng lược, mẹ bầu cần được theo dõi sát tại cơ sở y tế có ngân hàng máu đầy đủ, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ phẫu thuật viên có kinh nghiệm để mang lại kết quả phẫu thuật tốt nhất, giảm tỷ lệ tai biến.
Bên cạnh đó, cơ sở y tế cũng cần đảm bảo khả năng hồi sức và nuôi dưỡng trẻ sơ sinh non tháng vì rau cài răng lược có thể phải chấm dứt thai kỳ sớm lúc em bé còn thiếu tháng.
Thúy Nga