Đắk Lắk: Ứng phó với căn bệnh Whitmore mới xuất hiện

Google News

Ngành y tế Đắk Lắk phối hợp với chính quyền địa phương đã nhanh chóng triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát dịch tễ và phòng, chống bệnh Whitmore trên địa bàn tỉnh.

Theo BS Lê Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, Whitmore là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei tồn tại trong nước và đất bị ô nhiễm, có khả năng kháng nhiều loại kháng sinh thông thường. Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán.

Bệnh lây chủ yếu qua da khi tiếp xúc với nơi đất, bùn, nước nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, vi khuẩn xâm nhập qua những vùng da trầy xước. Vì vậy, cần tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, ăn chín uống chín. Hạn chế tiếp xúc với nguồn nước, sình lầy có nguy cơ ô nhiễm, hoặc là vùng có dịch tễ của bệnh Whitmore.

Dak Lak: Ung pho voi can benh Whitmore moi xuat hien
Cán bộ y tế kiểm tra nguồn nước của nhà bênh nhân mắc bệnh Whitmore 

BS Lê Quang Mạnh, Phó trưởng Trạm Y tế xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk cho biết, sau khi ghi nhận một trường hợp mắc bệnh Whitmore trên địa bàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với y tế xã và chính quyền địa phương tổ chức xuống nhà bệnh nhân giám sát công tác phòng bệnh. Trạm triển khai lực lượng tiến hành phun diệt khuẩn xung quanh bể nước, các khu vệ sinh, nơi ở của 20 hộ dân xung quanh khu vực nhà của bệnh nhân mắc Whitmore.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, ngày 4/6 địa phương vừa ghi nhận trường hợp em N.T.V. (nữ, sinh năm 2013, trú tại thôn Chiềng, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) mắc bệnh Whitmore, được người nhà đưa vào khám tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên trong tình trạng tỉnh táo, sốt 39 độ C, tuyến mang tai 2 bên sưng to, cứng, không di động, góc hàm trái có điểm ấn mềm hóa mủ, đau nhiều, há miệng hạn chế, họng đỏ nhẹ loét chợt đầu lưỡi 1 nốt.

Đến ngày 7/6, bệnh nhân sốt cao liên tục, nhiệt độ 41 độ C, áp xe tuyến mang tai 2 bên đã rạch, rỉ mủ máu. Kết quả xét nghiệm bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei.

BS Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, đến chiều 9/6, sau 4 ngày nhập viện và điều trị, bệnh nhân đang có tiên lượng nặng, nhiễm trùng máu, viêm màng não. Hiện bệnh viện đang tích cực chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân.  

>>> Mời độc giả xem thêm video TP HCM lên kịch bản ứng phó bệnh đậu mùa khỉ:

(Nguồn: THĐT) 

Quỳnh Hương