Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em là một phụ nữ từng có tất cả. Em từng có một người chồng yêu thương em, một gia đình nhỏ với hai con đủ trai gái, một công việc nhẹ nhàng với thu nhập tương đối cao, đủ cho em mua sắm, chưng diện chút chút.
Hơn mười năm lập gia đình, em cảm nhận rõ mình được nhiều thứ từ cuộc hôn nhân ấy. Cũng bởi vậy mà khi nghe tin có con hồ ly tinh ở đâu nhảy ngang, xen vào giữa vợ chồng em, em đã không thể bình tĩnh được.
Hơn một tháng theo dõi chồng, bỏ công bỏ việc để tìm cách bắt tại trận, cuối cùng em cũng bắt được họ đang hẹn nhau ở một quán cà phê. Máu nóng bốc lên đầu, em đã không kiềm chế được, xông thẳng vào bàn tát vào mặt con nhỏ kia.
Điều em bất ngờ là chồng em đã giằng tay em lại để nó có thời gian bỏ đi, sau đó anh còn bắt em ngồi yên khi em la lối lớn tiếng, và cũng chính anh đã tát em một cái.
Chắc chị cũng hình dung tâm trạng của em khi về nhà. Chồng em lầm lì, không nói bất cứ câu nào với vợ con, cũng không giải thích. Em viết đơn ly hôn để trên bàn, anh không ký, chỉ để lại mảnh giấy: “Cô ngu vừa phải thôi”.
Em nghỉ làm, nằm lì trong phòng, anh bảo mẹ anh đến nhà lo cơm nước. Mẹ anh nói có gì vợ chồng nói chuyện với nhau, chồng em đâu có quan hệ gì mà em ghen tuông làm mất mặt chồng như vậy.
Em đau khổ vì cái tát của chồng em. Nếu không có tình cảm gì với con kia, anh đâu có ra tay với em để bảo vệ nó như vậy. Hồi đầu, em chỉ muốn bắt quả tang để làm một trận rồi thôi, nhưng giờ chuyện đã thế này, em chỉ còn cách ly hôn mà thôi, dù biết ly hôn là mất hết…
Minh Thi (TP.HCM)
Hình minh họa
Em Minh Thi thân mến,
Em đã thừa nhận mình “không kiềm chế được” khi xông vào đánh ghen và bại trận, bây giờ, đừng để cơn giận đẩy mình đến chỗ ly hôn cho đã nư. Đàn bà hay vậy, nghĩ ngắn, nghĩ làm một trận cho thỏa cơn giận của mình, quên mất việc sau trận đó còn bao nhiêu điều khác.
Thôi, chuyện cũng đã lỡ rồi, như quả bom đã nổ, giờ mình tìm cách rút khỏi chiến trường lửa đạn đó là khôn ngoan hơn. Đâu ai bắt em phải trân mình nằm chảy máu mãi ở chỗ đã bị thương mà ngã xuống đó.
Thực lòng tính lại, cái mất mát lớn của em là đánh mất tư thế. Em tự tạo một hình ảnh xấu cho mình, và đã đẩy chồng vào thế có hình ảnh xấu tương tự. Việc ngăn chặn hai người phụ nữ đánh nhau, với đàn ông, có thể là việc rất bình thường, thấy thì phải làm. Không căn cứ vào đó để quy kết tình cảm của chồng em với cô gái kia được. Cũng không căn cứ vào đó để nghĩ là chồng em đã cạn tình.
Phải nói chuyện với nhau em ạ. Em hãy nhờ nhịp cầu nào đó, có thể chính là mẹ anh ấy, người đang chăm lo nhà cửa cho em trong mấy ngày qua, để mở ra cuộc nói chuyện. Cái tát mà em nhận đau lắm, Hạnh Dung biết, nhưng bây giờ em muốn tát lại chồng, hay muốn chồng nói một lời xin lỗi?
Nếu muốn chồng xin lỗi, hãy tạo điều kiện để anh ấy nói ra, hãy lắng nghe và để lời xin lỗi ấy chữa lành cho em, nếu có thể. Hãy nói những suy nghĩ của mình, đặt câu hỏi của mình, về mối quan hệ của anh. Không chỉ trích, không chụp mũ, không cần bù lu bù loa đổ tội cho chồng, bởi vì quyền quyết định vẫn đang là ở em, hãy lắng nghe cho kỹ trước khi quyết định.
Nếu có chọn lựa chia tay đi nữa thì cũng phải nói chuyện với nhau, còn phải bình tĩnh giải quyết rất nhiều chuyện khác, không thể cứ vậy mà xé toạc gia đình mình, không thể ôm nỗi oán trách khắc khoải đó hận người ta trong suốt phần đời còn lại. Ly hôn và cuộc sống hậu ly hôn không dễ dàng cho phụ nữ, cần một sự chuẩn bị thật kỹ. Chọn đau khổ dằn vặt cũng là một lựa chọn, nhưng liệu rồi mình có “ăn” được nỗi khổ ấy không? Hãy đứng lên, đừng tự nhốt mình trong phòng nữa, và bình tĩnh thu xếp mọi chuyện. Chúc em bình an.
Theo Infonet