|
Đồ ăn chế biến sẵn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. (Ảnh minh họa: Insider) |
Những người thường xuyên tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến sẵn có nguy cơ cao phải đối mặt với những thay đổi trong các nhiễm sắc thể liên quan đến sự lão hóa. Đây là kết quả của một nghiên cứu được công bố tại Hội nghị quốc tế và châu Âu về béo phì, diễn ra trực tuyến ngày 1/9.
Công trình nghiên cứu trên do các nhà khoa học tại Đại học Navarra (Tây Ban Nha) thực hiện nhằm tìm hiểu rõ mối quan hệ giữa việc thường xuyên tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn với sự sụt giảm telomere. Telomere là những đoạn trình tự lặp lại của ADN, có chiều dài nhất định ở các đầu mút của nhiễm sắc thể.
Telomere có chức năng duy trì tuổi thọ của tế bào, giữ cho các phân tử ADN được khỏe mạnh. Mỗi tế bào trong cơ thể mỗi con người có 23 cặp nhiễm sắc thể có chứa các mã gene. Telomere không chứa thông tin gene nhưng lại có vai trò sống còn trong việc đảm bảo sự ổn định và tính hợp nhất của các nhiễm sắc thể.
Các telomere thường ngắn đi theo tuổi tác của con người vì mỗi lần một tế bào phân chia, telomere sẽ bị mất đi một đoạn. Đây được gọi là dấu hiệu của sự già hóa sinh học. Các nghiên cứu cho thấy tăng chiều dài của telomere sẽ giữ cho tế bào được khỏe mạnh, đạt được mục đích trẻ hóa người già.
Theo các nhà nghiên cứu, việc những người tiêu thụ 3 phần thực phẩm chế biến sẵn mỗi ngày hoặc nhiều hơn sẽ càng làm gia tăng khả năng các đoạn telomere bị ngắn hơn so với những người không thường xuyên tiêu thụ các loại thức ăn này. Các telomere ngắn được coi là dấu hiệu của sự lão hóa sinh học ở các tế bào, do đó chế độ ăn là một trong những yếu tố khiến các tế bào già hóa nhanh hơn.
Để đi đến kết luận trên, nhóm nghiên cứu đã phân tích, tổng hợp các dữ liệu trong hồ sơ sức khỏe của gần 900 người từ 55 tuổi trở lên. Những người này được lấy mẫu ADN vào năm 2008 và định kỳ cung cấp chi tiết chế độ ăn uống của mình 2 năm/lần.
645 nam giới và 241 nữ giới được chia thành 4 nhóm tùy theo lượng thực phẩm siêu chế biến họ tiêu thụ. Một đặc điểm chung của những người trong nhóm tiêu thụ nhiều thực phẩm siêu chế biến, đó là những người thân trong gia đình họ thường có tiền sử mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường và mỡ máu cao.
Nhóm này cũng không chú trọng nhiều đến thực phẩm theo chế độ ăn Địa Trung Hải như giàu chất xơ, dầu oliu, hoa quả, rau xanh và các loại hạt. Kết quả, so với nhóm tiêu thụ đồ ăn chế biến ít nhất, các nhà nghiên cứu nhận thấy nguy cơ các telomere bị ngắn lại với 3 nhóm còn lại lần lượt là 29%, 40% và 82%.
Các đồ ăn siêu chế biến là những thực phẩm trải qua quy trình chế biến công nghiệp, chứa nhiều dầu mỡ, đường, tinh bột và protein cùng nhiều chất phụ gia để có thể bảo quản trong thời gian dài. Nhiều nghiên cứu trước đó đã chỉ ra mối tương quan giữa thực phẩm siêu chế biến với bệnh cao huyết áp, béo phì, tiểu đường type 2, trầm cảm và một số dạng ung thư khác. Những bệnh này được xem là có liên quan đến tuổi tác bởi chúng liên quan đến sự mất cân bằng oxy hóa và sự kích ứng, hai yếu tố ảnh hưởng đến độ dài của telomere.