Cây cỏ mực hay còn gọi là cỏ nhọ nồi thường mọc dại ở ven đường, ven bờ ruộng. Nhiều người thường cắt về cho bò ăn. Tuy nhiên, ít ai biết được đây là vị thuốc quý.
Tác dụng của cây cỏ mực
Cây cỏ mực thuộc họ nhà cúc Asteraceae. Cây mọc thẳng đứng và chiều cao của một cây trưởng thành là từ 0,2 đến 0,4m. Thân của cây có màu nâu hoặc lục nhạt, lá mọc đối nhau. Hoa màu trắng. Quả có hình dẹt. Khi vò nát cây sẽ tạo ra một màu đen như mực. Đó cũng chính là lý do vì sao loài cây này có tên là cây cỏ mực.
Không chỉ ở Việt Nam mà loại cây cỏ mực này còn xuất hiện ở nhiều quốc gia khác và và được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau.
Cây cỏ mực thường mọc dại ven đường, ven bờ ruộng.
Ở Việt Nam: Loại cây này thường được sử dụng để cầm máu, điều trị mụn nhọt.
Ở Ấn Độ: Cây cỏ mực được đánh giá như một bài thuốc quý để điều trị rất nhiều loại bệnh khác nhau, đặc biệt là các bệnh về gan, vàng da, ăn khó tiêu, bị bọ cạp cắn... Bên cạnh đó, loại cỏ này còn được làm thuốc nhuộm tóc hay một số loại mỹ phẩm bôi da.
Ở Trung Quốc: Người dân nơi đây thường sử dụng cây cỏ mực để điều trị một số vấn đề về sức khỏe như bệnh đau lưng, vàng da, một số bệnh về gan, tình trạng tiểu ra máu... Ngoài ra, người Trung Quốc còn dùng lá cây cỏ mực tươi để phòng nhiễm độc và bảo vệ tay khi đi làm đồng.
Pakistan: Cỏ mực được sử dụng như một loại thuốc chữa bệnh hói, bệnh ngoài da, nhức đầu...
Cách làm bài thuốc từ cây cỏ mực
Thanh nhiệt lương huyết, cầm máu, trị chảy máu cam, táo bón, viêm mũi dị ứng: Cỏ nhọ nồi 12g, đan bì 9g, sinh địa 12g, trắc bách diệp 12g, tri mẫu 9g, tiên hạc thảo 12g, hỏa ma nhân 12g, rễ cỏ tranh 15g và hoàng cầm 9g. Sắc uống ngày một thang thuốc.
Chữa tiểu đường, thể trạng suy nhược: Cỏ nhọ nồi 10g, lư căn tươi 30g, ô mai 5 quả, mạch môn đông 10g, ngọc trúc 10g, nam sa sâm 10g, nữ trinh tử 10g. Sắc thuốc mỗi ngày uống một thang.
Thuốc cho phụ nữ mãn kinh, mệt mỏi, nhức đầu, ngủ không ngon giấc: Cỏ nhọ nồi 9g, hoàng cầm 9g, hồng hoa 9g, đương quy 9g, xuyên khung 6g, hoa cúc 9g, bạch thược 12g, sinh địa 12g, lá dâu 9g, ngưu tất 9g và nữ trinh tử 9g. Sắc uống một thang thuốc một ngày.
Thuốc giảm béo: Cỏ nhọ nồi 15g hãm với nước sôi, uống hàng ngày thay cho trà.
Chữa viêm cầu thận, viêm thận mạn tính, đau lưng, tiểu tiện khó, đái dắt, kinh nguyệt lâu không sạch: Cỏ nhọ nồi 30g, xuyên khung 10g, tiểu kế 30g, thục địa 10g, đương quy 10g, bạch thược 15g, xích thược 15g và bồ hoàng 15g. Sắc uống mỗi ngày một thang thuốc.
Thuốc bổ âm điều kinh nguyệt: Cỏ nhọ nồi 12g, thanh hao 10g, nguyên sâm 10g, sinh địa 15g, bạch thược 10g và đan sâm 10g. Sắc mỗi ngày uống ngày một thang thuốc.
Chữa viêm tuyến tiền liệt: Cỏ nhọ nồi 15g, câu kỷ tử 15g, thục địa 15g, ích trí nhân 10g, thỏ ty tử 12g, đảng sâm 15g, hoàng kỳ 15g, tỏa dương 10g, thổ phục linh 24g, vương bất lưu hành 10g, đương quy 6g và nữ trinh tử 12g. Sắc uống ngày một thang thuốc.
Thang ích khí bổ thận, chữa xuất huyết tử cung: Cỏ nhọ nồi 30g,bạch thược 15g, thục địa 15g, hoàng kỳ 60g, sinh địa 15g, kinh giới sao 10g, thăng ma 6g, phúc bồn tử 15g và nữ trinh tử 15g. Sắc uống ngày một thang thuốc.
Trị bệnh eczema ở trẻ em: Cỏ nhọ nồi 50g, sắc lấy nước cô đặc, bôi chỗ vết đau. Thường 2 - 3 ngày sau khi bôi là dịch rỉ giảm rõ ràng, đóng vẩy, đỡ ngứa, khoảng một tuần là khỏi. Theo Y học cổ truyền, eczema trẻ em thuộc phạm trù thai liễm sang, chủ yếu có nguyên nhân do thấp nhiệt nội uẩn, phát ra ngoài da, chữa bằng cỏ nhọ nồi thì da trẻ không bị kích ứng.
Chữa gan nhiễm mỡ: Cỏ nhọ nồi 30g, trạch tả 15g, đương quy 15g và nữ trinh tử 20g. Trường hợp gan nhiễm mỡ do nghiện rượu thì thêm: Cát căn 30g, bồ công anh 15g và chỉ củ tử (hạt khúng khéng) 15g; Người béo phì dẫn đến gan nhiễm mỡ thì thêm: đại hoàng 6g và lá sen 15g. Sắc lấy nước uống, mỗi ngày uống một thang thuốc.
Hỗ trị điều trị ung thư: Theo tài liệu của Trung Quốc, để hỗ trợ chữa ung thư, cỏ nhọ nồi được dùng phối hợp với những vị thuốc khác trong điều trị bệnh ung thư cổ tử cung, xương, bạch huyết, họng và dạ dày. Trong đó, tác dụng để hỗ trợ chữa ung thư họng, chỉ cần dùng mỗi vị cỏ mực 50g tươi vắt nước uống hàng ngày hoặc sắc nước uống.
Trên đây là một số thông tin về tác dụng cũng như cách sử dụng cây cỏ mực. Thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo, bạn nên nhờ đến sự tư vấn của các bác sĩ để có được lời khuyên cụ thể và chính xác nhất. Khi có triệu chứng bất thường, bạn không nên tự ý uống thuốc, cần đi khám để được chẩn đoán bệnh và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Theo Thùy Dương/Thương hiệu và Pháp luật