Mới sinh con 3 tháng, tôi phản ứng khi bị mẹ chồng bắt rửa bát

Google News

Quá uất ức, tôi vứt hết bát đĩa vào sọt rác và bế con về nhà bố mẹ đẻ. Tôi đã nhẫn nhịn đủ rồi, lần này không thể cố được nữa.

Chuyện tình của tôi và chồng không có gì đặc biệt. Chúng tôi học cùng trường đại học, yêu nhau 4 năm rồi ra trường tổ chức đám cưới.
Hai vợ chồng đều là nhân viên bình thường, chưa có điều kiện mua nhà nên sống chung cùng bố mẹ chồng. Ban đầu, tôi thấy như thế là may mắn vì chúng tôi đỡ tốn tiền thuê nhà hàng tháng, có thể tiết kiệm cho sau này.
Nhưng có vẻ là tôi "trẻ người non dạ". Sau quá trình sống chung, tôi mới thấy phát sinh nhiều vấn đề với mẹ chồng.
Mẹ luôn xét nét, bắt tôi phải cùng mẹ làm hết việc nhà. Trong khi đó, chồng tôi "không được" động chân động tay vào việc gì. Tôi thấy rất bất công nhưng chẳng thể nào lên tiếng.
Moi sinh con 3 thang, toi phan ung khi bi me chong bat rua bat
Những tưởng khi tôi mang bầu, có em bé thì mọi chuyện sẽ khác. Nhưng không, tôi vẫn không thể trở thành đối tượng được ưu tiên trong căn nhà này.
Trong suốt quá trình mang bầu, tôi rất ốm nghén. Dù vậy, việc nhà tôi vẫn phải lo chu toàn, không sẽ bị mẹ chồng trách mắng là sống chung mà thiếu trách nhiệm với gia đình.
Đến lúc có em bé, gia đình tôi ở quê xa, lại sống cùng nhà chồng nên mẹ đẻ không thể lên ở, đỡ đần tôi được. Mà xin về nhà mình thì bị bảo: "Cháu nội đích tôn không được đi đâu hết".
Con tôi từ lúc sinh ra khá ốm yếu, hay quấy khóc. Con lười ăn và không chịu ngủ vào ban đêm khiến tôi rất vất vả.
Với lý do "giờ anh chị nuôi con kiểu hiện đại, tôi không theo được", mẹ chồng tôi tuyệt nhiên "đứng ngoài" việc chăm nom đứa cháu "đích tôn của bà", "quý như vàng".
Thật sự, chỉ có đúng 1-2 lần mẹ chồng pha sữa cho cháu không đúng cách, tôi có nhắc một chút mà thành ra nông nỗi này.
Đã thế, bà còn không cho phép chồng tôi thức đêm thay vợ chăm con vì ngày hôm sau, anh phải đi làm, còn tôi thì không. Bà bảo, phụ nữ có mỗi việc ở nhà chăm con, làm không xong thì còn được việc gì.
Tôi uất ức lắm. Đêm nào con khóc, mẹ cũng khóc, chỉ muốn được giải thoát hoặc có ai hỏi thăm, dù chỉ là một chút. Cuộc sống ở chung, phụ thuộc nhiều thứ vào nhà chồng, thực sự khổ sở.
Nuôi con sang đến tháng thứ ba, con tôi vẫn khóc nhưng cũng đỡ hơn trước. Thấy vậy, mẹ chồng liền "phân công" việc nhà cho tôi.
Bà bảo tôi đã lại sức, cháu cũng ngoan rồi nên cần tiếp tục có trách nhiệm với gia đình, chứ một mình bà không thể cáng đáng nổi.
Thế là tôi lại có nhiệm vụ hàng ngày rửa bát hai bữa trưa - tối, cuối ngày quét dọn nhà cửa. Còn đương nhiên, những việc trong phòng của hai vợ chồng, giặt giũ quần áo cho em bé thì tôi vẫn phải làm.
Nghe những lời mẹ chồng nói, tôi không thể nào cười nổi, định nói gì cũng bị mẹ chặn lại và cho rằng do tôi lười biếng. Bà bảo, người con dâu nào cũng thế mà họ chẳng kêu ca gì.
Tối đến, tôi khóc lóc, kể khổ với chồng mà anh chỉ bảo tôi cố gắng thêm cho "yên cửa yên nhà". Anh cũng muốn giúp nhưng đi làm về muộn, công việc dạo này rất căng thẳng.
Không biết trút nỗi muộn phiền này vào đâu, lại sợ bố mẹ đẻ biết được sẽ buồn, tôi đành gọi điện tâm sự với chị bạn thân. Chị khuyên tôi không nên chịu đựng quá, có lúc phải biết "vùng lên".
Đợt này thời tiết nóng bức, mãi mới cho con ngủ được, tôi lại phải nhanh chóng chạy xuống nhà rửa bát của bữa cơm trưa. Đang làm giữa chừng, tôi như bị hạ đường huyết, xây xẩm mặt mày.
Tôi nói với mẹ chồng rằng tôi mệt quá, xin phép đi nghỉ ngơi. Nhưng đáp lại, mẹ không hề hỏi han mà chỉ bảo tôi nên nghỉ 10-15 phút rồi xuống rửa bát tiếp.
Quá phẫn uất, thấy mẹ chồng không có chút tình thương nào dành cho mình, lại nhớ đến lời của chị bạn thân phải "vùng lên", tôi như được tiếp thêm sức mạnh, đứng dậy vứt hết đống bát đĩa vào sọt rác trong sự ngỡ ngàng của mẹ chồng.
Bình thường, tôi là người hiền lành, nhẫn nhịn nhưng lúc này, tôi không thể cứ cam chịu mãi. Chồng tôi biết chuyện rồi cũng chỉ bảo tôi bỏ qua, chịu khó chiều lòng mẹ.
Tôi nhanh chóng sắp vali, gọi xe taxi và bế con về nhà bố mẹ đẻ, mặc cho bị mẹ chồng quát mắng.
Mẹ chồng bảo: "Đã dám đi thì đừng có mà về", nhưng tôi bất chấp hậu quả.
Tôi vừa về đến nhà bố mẹ đẻ, để tôi xem bên nhà chồng định giải quyết vấn đề này thế nào? Chồng tôi - người mà tôi yêu thương bao năm qua - liệu có đứng về phía tôi không?
Theo Quỳnh Lâm / Dân Trí