|
Nắm được các dấu hiệu của bệnh tăng huyết áp sẽ giúp bạn phòng ngừa hiệu quả. Ảnh: Shutterstock.
|
Tăng huyết áp còn được gọi là huyết áp cao (Hypertension). Đây là bệnh lý gây nguy hiểm khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Nó có thể âm thầm gây ra tổn thương lớn cho cơ thể trong một thời gian khá lâu trước khi có dấu hiệu bệnh.
Nếu không được điều trị, tăng huyết áp có thể ảnh hưởng đến các cơ quan như thận, tim và não. Tuy nhiên, tăng huyết áp lại gần như không có triệu chứng điển hình rõ ràng. Vì vậy, tăng huyết áp còn được biết đến với tên gọi “kẻ giết người thầm lặng”.
Điều gì xảy ra khi huyết áp tăng?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), huyết áp là tình trạng áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Động mạch là một mạch máu đưa máu từ tim đến các bộ phận khác.
Huyết áp của một người có thể tăng hoặc giảm bất thường trong suốt cả ngày. Sự thay đổi thất thường đó nếu xảy ra trong khoảng thời gian dài có thể gây hại đến tim, sức khỏe. Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim và đột quỵ tại Mỹ. Vào năm 2020, Mỹ ghi nhận hơn 670.000 ca tử vong do huyết áp cao.
Đo huyết áp là cách duy nhất để xác định bạn có mắc bệnh hay không. Khi xuất hiện tình trạng huyết áp tăng cao, bạn nên gặp bác sĩ để được thăm khám kịp thời.
|
Tăng huyết áp có thể ảnh hưởng đến mọi độ tuổi. Ảnh: Shutterstock.
|
Tiến sĩ Curry-Winchell cho hay: "Huyết áp cao phát triển theo thời gian. Nguyên nhân mắc bệnh có thể bao gồm yếu tố lối sống không lành mạnh, chế độ ăn uống kém, không tập thể dục thể thao...".
Theo thông tin của CDC, tại Mỹ có khoảng một nửa số người trưởng thành (khoảng 47%, tương đương 116 triệu người) xuất hiện các triệu chứng liên quan đến tăng huyết áp cao. Ngoài ra, các yếu tố khác như mang thai cũng có thể gây ra huyết áp cao.
Dấu hiệu tăng huyết áp
Tiến sĩ Bayo Curry-Winchell, Giám đốc và bác sĩ Y khoa Chăm sóc Khẩn cấp Carbon Health, Bệnh viện Saint Mary (Mỹ), chia sẻ: "Theo CDC, chỉ số huyết áp từ 130/80 mmHg trở lên được coi là tăng huyết áp. Một số bệnh nhân sẽ không gặp bất kỳ triệu chứng cổ điển nào (như đau ngực, khó thở,...) cho đến khi bệnh phát triển. Các yếu tố như thị lực thay đổi, nhức đầu và chảy máu mũi thường xuyên được coi là dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh cao huyết áp".
Theo tiến sĩ Evelyn Huang, bác sĩ nội trú khoa cấp cứu tại Bệnh viện Northwestern Memorial, thông thường, mọi người sẽ không có triệu chứng khi mắc huyết áp cao. Tuy nhiên, một số người có thể xuất hiện các triệu chứng như đau ngực, khó thở và chóng mặt. Đây được coi là dấu hiệu của trường hợp khẩn cấp. Vì vậy, nếu xuất hiện những triệu chứng này, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay.
Tiến sĩ Jagdish Khubchandani tại Đại học Bang New Mexico chia sẻ đau ngực là một trong các triệu chứng có khả năng xảy ra trong cơn tăng huyết áp. Tuy nhiên, ở hầu hết người bị tăng huyết áp, đây không phải là triệu chứng thường thấy. Đau ngực có nhiều khả năng xảy ra với huyết áp cực cao, đặc biệt là khi bệnh nhân có tiền sử bị đau tim.
|
Huyết áp cao khiến máu khó lưu thông dẫn đến tình trạng thở khó khăn. Ảnh: Shutterstock.
|
Tiến sĩ Khubchandani cho biết thêm dấu hiệu giúp bạn nhận biết sớm tình trạng huyết áp cao bao gồm việc thở gấp, thở khó. Huyết áp cao gây ảnh hưởng đến mạch máu khiến chúng khó lưu thông dẫn đến tình trạng thở khó khăn.
Nhức đầu cũng được coi là một trong những dấu hiệu nhận biết sớm của cao huyết áp. Khi huyết áp tăng, gây áp lực lên não, dẫn đến rò rỉ máu trong não gây ra các cơn đau đầu.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ cho biết: "Nhức đầu xảy ra khi huyết áp từ 180/120 mmHg trở lên. Nếu chỉ số của bệnh nhân vẫn ở mức 180/120 mmHg trở lên, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức".
Theo tiến sĩ Khubchandani, lú lẫn, chóng mặt, co giật, tương tự đau đầu, áp lực lên não và lưu lượng máu bất thường có thể dẫn đến các triệu chứng liên quan đến não trong cơn tăng huyết áp hoặc khi huyết áp bị kiểm soát kém.
Một số người có thể bị đột quỵ hoặc xuất huyết não do tăng huyết áp. Viện Quốc gia về Lão hóa cho biết: "Điều gì tốt cho trái tim của bạn sẽ tốt cho não của bạn. Các nghiên cứu quan sát cho thấy huyết áp cao ở tuổi trung niên, khoảng 40-60 tuổi, làm suy giảm nhận thức".
Mayo Clinic chia sẻ: “Huyết áp cao khiến tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu đến các bộ phận còn lại của cơ thể. Điều này làm cho buồng tim phía dưới bên trái (tâm thất trái) dày lên. Tâm thất trái dày lên làm tăng nguy cơ đau tim, suy tim và đột tử”.
Theo CDC, huyết áp cao có thể làm cho các động mạch cung cấp máu và oxy cho não bị vỡ hoặc bị tắc nghẽn, gây ra đột quỵ. Các tế bào não sẽ chết trong cơn đột quỵ vì chúng không nhận đủ oxy.
Đột quỵ có thể gây ra khuyết tật nghiêm trọng về khả năng nói, sinh hoạt hàng ngày. Đột quỵ sẽ gây ảnh hưởng đến tính mạng người mắc. Người lớn mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao hoặc cả hai bệnh lý sẽ có nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính cao hơn những người không mắc.
|
Chăm chỉ rèn luyện thể thao, thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp bạn ngăn ngừa huyết áp cao. Ảnh: Shutterstock.
|
Theo CDC, nhiều người bị huyết áp cao có thể hạ huyết áp của họ xuống mức bình thường hoặc giữ cho huyết áp của họ ở mức bình thường bằng cách thay đổi lối sống.
- Hoạt động thể chất ít nhất 150 phút mỗi tuần (khoảng 30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần.
- Không hút thuốc lá.
- Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế natri (muối) và rượu.
- Giữ cân nặng khỏe mạnh.
- Giữ tinh thần thoải mái.
Theo Thu Hương/ZingNews