Những vụ ngộ độc kinh khủng từ bánh mì

Google News

(Kiến Thức) - Liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mỳ khiến nhiều người lo ngại về việc sử dụng lại đồ anh nhanh, rẻ này.

Bến tre: Hàng trăm người ngộ độc vì bánh mỳ
Vụ ngộ độc tập thể bắt đầu xuất hiện vào đêm 22/5/2013 tại tỉnh Bến Tre, khi có vài người dân bất ngờ đau bụng dữ dội, kèm theo tiêu chảy nặng, được người dân đưa vào bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu cấp cứu. Đến ngày 23/5, nhiều nạn nhân mới ngụ ở phường Phú Khương tiếp tục nhập viện cấp cứu, với các triệu chứng mới như nôn ói, đau đầu, sốt cao...
Tuy nhiên, con số người nhập viện tăng lên 80 người trong các ngày 24 và 25/5. Theo thông tin từ một số người dân, trong thời gian này, nhiều người có triệu chứng đau bụng nhẹ nên chỉ mua thuốc về nhà uống do nghi ngờ ăn không tiêu. Đến ngày 26/5, những người dân này bỗng sốt cao, cơ thể suy kiệt thì mới đến bệnh viện để cấp cứu, khiến số bệnh nhân dừng lại ở con số 107.
Ngay sau khi vụ ngộ độc xảy ra, Thanh tra Sở Y tế tỉnh Bến Tre đã vào cuộc và xác định, tiệm bánh mì Minh Tuyến ở thành phố Bến Tre là “thủ phạm” gây ngộ độc thực phẩm trên 160 người trong tối 22 và sáng 23/5 vừa qua.
Theo Thanh tra Sở Y tế tỉnh này, quy trình chế biến thực phẩm của tiệm bánh mì Minh Tuyến không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đã hết hạn, trong khi người trực tiếp sản xuất thực phẩm không sử dụng phương tiện bảo hộ lao động và không thực hành vệ sinh cá nhân đúng quy định.
Kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur TP HCM cho thấy, những mẫu thực phẩm gồm patê, thịt, đồ chua, bơ được lấy tại tiệm bánh mì Minh Tuyến đều bị nhiễm vi khuẩn đường ruột E-coli, Coli-form và Shigella. Theo đó tiệm bánh mì này bị phạt hành chính 11 triệu đồng và bị cấm hoạt động, đến khi có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm mới.
 Rất nhiều vụ ngộ độc tập thể do ăn bánh mỳ
Đà Nẵng: Ngộ độc hàng loạt vì ăn bánh mỳ
Ngày 23/5 nhiều người trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn mua bánh mì ăn tại cửa hàng bánh mì Thanh Thu (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Đến khuya 23/5 và rạng sáng ngày 24/5 xuất hiện nhiều người ngộ độc đến cấp cứu tại Trung tâm y tế quận với triệu chứng sốt cao, nôn mửa nhiều kèm tiêu chảy nặng, nhiều người trong trạng thái người suy kiệt. Trong 27 bệnh nhân, có 5 bệnh nhân là trẻ em có độ tuổi từ 4-14 tuổi.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến (Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đà Nẵng) cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin, qua bệnh nhân tìm hiểu nguyên nhân, được biết tất cả bệnh nhân này đều ăn bánh mì ở tiệm bánh mì Thanh Thu (đường Lê Văn Hiến, Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Chi cục đã tiến hành lấy mẫu để xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Trước đó, tháng 11/2012 có 70 người ngộ độc do ăn bánh mì tại cửa hàn Đồng Tiến. Lần thức 2, vào tháng 3/2013, có 27 người ngộ độc do ăn tại cửa hàng bà Thái (quận Sơn Trà).
150 người ngộ độc bánh mỳ ở Quảng Trị
Như báo chí đã đưa tin, tối 16/10 đến sáng 17/10, Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa liên tục tiếp nhận hàng chục ca cấp cứu ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì. Số bệnh nhân ngộ độc do ăn bánh mì tăng liên tục trong ngày, và đến chiều tối cùng ngày, số bệnh nhân đã tăng vọt lên đến hơn 150 người.
Số người nhập viện tăng cao đột ngột khiến bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hoá quá tải. Bệnh viện đã phải kê thêm giường ở hành lang, nhưng bệnh nhân vẫn phải nằm chung 3 người một giường. Một số ca ngộ độc nặng phải đưa đi cấp cứu ở tuyến trên. Theo Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa cho biết, số bệnh nhân chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh đã chiếm hơn 30%.
 Nạn nhân ngộ độc tại Quảng Trị đang được điều trị tại bệnh viện
Các nạn nhân nhập viện do ngộ độc cho biết, họ mua bánh mì ở tiệm bánh mì Quang Trung tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, để ăn và sau đó đều đã bị ngộ độc với triệu chứng chung là đau bụng, buồn nôn, sốt và đi ngoài liên tục. Thông tin ban đầu cho biết, từ ngày 14 đến 16/10, do bị bão lụt, tiệm bánh này không tiêu thụ được nên ngay sau bão số bánh mì ứ đọng trên được chủ tiệm mang ra bán, đây có thể là ngyên nhân dẫn đến vụ ngộ độc hàng lọat trên.
Ông Lê Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết, ngành y tế tỉnh Quảng Trị đang tích cực thực hiện việc điều trị cho các nạn nhân, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm về xét nghiệm, khử trùng vùng bệnh nhân nằm điều trị, khoảng 2 ngày sau mới xác định được nguyên nhân. Cùng diễn biến, hiện chủ cơ sở kinh doanh bánh mì đang được cơ quan công an mời làm việc để điều tra vụ việc.
Lê Phương (TH)