Theo PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Tổ trưởng Tổ công tác của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 cắm chốt tại xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc, việc quyết định khoanh vùng cách ly y tế toàn bộ xã Sơn Lôi của Bộ Y tế và tỉnh Vĩnh Phúc là quyết định trách nhiệm và dũng cảm.
Cô lập vùng dịch, không để nguồn bệnh thoát ra ngoài
Khi tiến hành khoanh vùng, cách ly dịch bệnh COVID-19 tại xã Sơn Lôi, nhiều ý kiến băn khoăn rằng, tại sao lại phải tiến hành cách ly y tế cả một cộng đồng và tại sao lại là xã Sơn Lôi? PGS.TS Trần Như Dương cho rằng, việc thực hiện khoanh vùng cách ly cả một khu vực có dịch (quy mô có thể là cả một xã) được thực hiện khi tại vùng dịch đó đã có biểu hiện dịch lây lan trong cộng đồng và có khả năng cao phát tán, lây lan nguồn bệnh ra khỏi vùng dịch sang các nơi khác, sang các địa phương khác trong bối cảnh cả một quốc gia hoặc các địa phương khác chưa có ca bệnh hoặc chưa có sự lây lan dịch ở cộng đồng.
"Mục đích của việc tiến hành cách ly cả một vùng dịch chính là để khoanh vùng, cô lập toàn bộ vùng dịch, dập dịch triệt để không để nguồn bệnh có thể thoát ra ngoài và không để lây lan sang các địa phương khác”, PGS.TS Trần Như Dương nói.
Cách đây 2 tuần, xã Sơn Lôi chính là một tâm điểm dịch của Việt Nam vì chỉ trong một thời gian ngắn đã ghi nhận 6 trường hợp mắc mới và nguy hiểm hơn dịch đã có biểu hiện lây lan trong cộng đồng (đó là việc đầu tiên ghi nhận sự lây nhiễm trong hộ gia đình sau đó thì lây lan sang họ hàng và cuối cùng là lây lan sang hàng xóm).
|
Một chốt kiểm tra dịch COVID-19 tại xã Sơn Lôi. Ảnh: Zing. |
“Việc có dịch lây lan trong cộng đồng tại xã Sơn Lôi đặt ra vấn đề uy hiếp rất lớn lây lan dịch từ địa phương này ra toàn bộ khu vực các tỉnh/thành phố xung quanh Vĩnh Phúc cũng như các địa phương khác trong cả nước vì sự di chuyển, giao lưu của người từ vùng có dịch ra bên ngoài là rất phức tạp không kiểm soát được.
Chính vì vậy chúng tôi cho rằng quyết định thực hiện khoanh vùng cách ly y tế toàn bộ xã Sơn Lôi là một quyết định rất đúng đắn, rất kịp thời và rất trách nhiệm”- Tổ trưởng Tổ công tác của Ban chỉ đạo quốc gia về dịch COVID-19 cắm chốt tại xã Sơn Lôi nhấn mạnh.
Phân loại các nhóm đối tượng và các lớp cách ly rõ ràng
Chia sẻ về công tác cách ly tại Sơn Lôi, PGS.TS Trần Như Dương cho biết, để cách ly tổ công tác đã phân loại các nhóm đối tượng và các lớp cách ly một cách rõ ràng.
Ca bệnh xác định: Cho bệnh nhân cách ly nghiêm ngặt và điều trị tại phòng khám đa khoa Quang Hà là cơ sở chuyên biệt chỉ để tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 hoặc ca bệnh nghi ngờ. Phòng khám này hoàn toàn dừng không khám cũng như tiếp nhận bất cứ bệnh nhân thông thường nào khác.
Ca bệnh nghi ngờ: Cho bệnh nhân đeo khẩu trang và đưa đi cách ly ngay tại phòng khám đa khoa Quang Hà ở một khu riêng biệt với khu điều trị bệnh nhân xác định.
Kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 bệnh nhân sẽ được áp dụng là Ca bệnh xác định.
Kết quả xét nghiệm âm tính: bệnh nhân được chuyển sang một khu riêng khác để cách ly tránh lây nhiễm. Cách ly 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với nguồn bệnh. Sau 14 ngày thì chuyển bệnh nhân về nhà và tiếp tục cách ly nghiêm ngặt tại nhà thêm 7 ngày nữa.
|
Các ca bệnh xác định thì cho bệnh nhân cách ly nghiêm ngặt và điều trị tại phòng khám đa khoa Quang Hà. Ảnh: Tài nguyên môi trường. |
Kết quả dương tính với virus cúm mùa: cho bệnh nhân đeo khẩu trang, chuyển bệnh nhân sang một phòng riêng để tránh lây nhiễm. Tiếp tục điều trị, theo dõi trong vòng 14 ngày.
Giám sát phát hiện được những ca nghi ngờ mắc bệnh một cách sớm nhất trong vùng dịch để tổ chức cách ly.
PGS. Dương cũng lưu ý, hiện nay vẫn là mùa cúm nên việc phải sàng lọc và cách ly bệnh nhân cúm riêng ra khỏi cộng đồng rất quan trọng. Chính vì vậy chúng tôi yêu cầu Viện VSDT TW ngoài xét nghiệm SARS-CoV-2 cũng xét nghiệm cả tác nhân cúm. Vì cúm rất dễ lây lan, triệu chứng cũng tương tự nên nếu không cho cách ly mà cứ để ở cộng đồng thì sẽ gây nhiễu và phức tạp cho quá trình giám sát COVID-19 tại vùng cách ly.
Nhóm tiếp xúc với ca bệnh xác định:
- Người cùng hộ gia đình: Đây là những người ăn cũng mâm, ở cùng nhà với bệnh nhân nên cần xác định đây là nhóm nguy cơ cao nhất và phải coi đây là những bệnh nhân tiềm tàng chỉ chờ phát bệnh. Chính vì vậy đối với nhóm này, tổ công tác cho đi cách ly và theo dõi nghiêm ngặt ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định. Sau 14 ngày, chuyển từ bệnh viện về cách ly nghiêm ngặt tại nhà thêm 7 ngày nữa.
- Người tiếp xúc gần khác (hàng xóm, bạn bè...): Xác định đây là nhóm nguy cơ cao chỉ sau nhóm trong cùng hộ gia đình với bệnh nhân, chính vì vậy tổ công tác cũng cho cách ly ở cơ sở tập trung trong 14 ngày. Sau 14 ngày, chuyển từ cơ sở cách ly tập trung về cách ly nghiêm ngặt tại nhà thêm 7 ngày nữa dưới sự theo dõi của trạm y tế xã.
Nhóm tiếp xúc với ca nghi ngờ:
Cho dù ca nghi ngờ có kết quả xét nghiệm âm tính, tổ công tác cũng cho cách ly tại nhà dưới sự giám sát của trạm y tế xã trong vòng 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với ca bệnh nghi ngờ.
Cũng theo PGS. Dương, ngoài hoạt động giám sát và cách ly như trên thì các hoạt động y tế khác trong vùng dịch cũng hết sức quan trọng đó là, truyền thông phòng chống dịch. Vệ sinh môi trường và khử trùng ổ dịch. Đảm bảo công tác khám chữa bệnh thông thường cũng như cấp cứu những bệnh khác tại trạm y tế xã.
Thảo Nguyên (TH)