Hồi yêu Thanh, tôi cứ nghĩ rằng chỉ cần 2 đứa yêu nhau đủ nhiều khó khăn trong cuộc sống đều có thể vượt qua hết. Đúng là tuổi trẻ chưa trải sự đời! Ra trường được 2 năm, tổng thu nhập chúng tôi cũng gần 30 triệu. Thanh chủ động đề nghị chuyện cưới xin. Thành thật mà nói, tôi chưa muốn lắm, nhưng lúc ấy còn yêu, còn chiều nên cũng gật đầu đại.
Tới khi về chung sống, tôi mới bắt đầu cảm thấy áp lực nhiều hơn về chuyện tiền bạc. Hai đứa tỉnh lẻ thì xác định phải mua nhà, mua xe, rồi dành dụm, tích lũy cho tương lai của con cái.
Lương chúng tôi lúc đó cao lắm thì mới được 30 triệu, ăn tiêu hết chừng 12 triệu, những khoản phát sinh, rồi biếu xén quà cáp bố mẹ 2 bên mỗi tháng bỏ ra chừng 10-13 triệu là nhiều. Một căn chung cư ở được cũng phải tầm 2 tỷ…
Mà đây là còn chưa có con nhỏ. Tôi bắt đầu thấy “khoai” quá trời! Cày cuốc tới chừng nào mới đạt được đây?
Kể mà bố mẹ ở quê có của ăn của để một tí, con cái còn được nhờ. Đây nhà tôi khó, nhà Thanh còn khó hơn. Nhiều lúc nghĩ tới chuyện bố mẹ vợ chả giúp đỡ gì, mỗi lần về còn phải biếu đồng quà tấm bánh, tôi đâm bực dọc, nảy sinh cảm giác ghét bỏ. Và tôi còn bắt đầu nghi ngờ chuyện vợ có thật sự tiết kiệm không hay lại dấm dúi khai khống chi tiêu sinh hoạt để cho ông bà ngoại?
Nhiều lần vu vơ tôi có bóng gió, Thanh giận đòi để tôi quản lý tài chính. Tôi lại làm lơ đi. Dù thế, đó vẫn là khởi nguồn của rạn nứt và cuối cùng chúng tôi đường ai nấy đi khi chưa nhà chưa xe, chưa con cái chung. Thứ duy nhất cần phân chia là cuốn sổ tiết kiệm 250 triệu.
Ngày ra tòa, tôi hào phóng bảo vợ cũ: “Thôi, tiền đó em giữ mà cho bố mẹ, anh kiểu gì rồi chả kiếm ra số đó nhanh thôi. Anh xưa giờ chả bao giờ nghĩ mình kém cỏi, nhưng lấy em về anh thấy mình bị đi xuống vì lo tằn tiện vài đồng bạc lẻ, áp lực khi phải lo cho cả nhà em. Từ giờ mình đường ai nấy đi rồi, hy vọng mai này có gặp lại thì cả 2 đứa đều thành công nhé!”
Nhưng Thanh vẫn kiên quyết chuyển cho tôi 1/2 cả tiền cả gốc lẫn lãi. Tôi không quên khịa lại vợ cũ rằng đã không có mà lại bày đặt.
Từ đó, chúng tôi không gặp lại nhau. Bẵng đi cũng gần 2 năm, tôi đã gặp và kết hôn với vợ mới. Cô ấy hơn tôi 3 tuổi, có 1 con riêng 6 tuổi, hiện đang kinh doanh mỹ phẩm, hơi già nhưng giàu có.
Khác với hôn nhân trước, hôn nhân này tôi rất thoải mái chuyện tiền bạc. Vợ tôi kinh doanh lớn nên muốn nở mặt nở mày với bạn bè, cô ấy chi tiền tỷ ra tổ chức ở trung tâm tiệc cưới, đặt váy thiết kế, mua hoa tươi về trang trí… Tôi chẳng phải đóng góp đồng nào trong toàn bộ quá trình ấy.
Rồi về sống chung, tôi vẫn đi làm công việc cũ với mức lương 15-18 triệu. Vợ thấy tôi đi sớm về muộn, còn họp hành, báo cáo mệt mỏi liền bảo tôi ở nhà đóng hàng cho cô còn giàu hơn. “Anh đi làm được vài đồng bạc không đủ cho em đi ăn hàng, uống trà sữa. Thôi, ở nhà đóng hàng, quán xuyến nhà cửa cho em đi”, vợ ra lệnh.
Tôi không làm ra tiền bằng, đương nhiên phải nghe lời. Thế nhưng, kể từ cái ngày phải ngửa tay xin tiền vợ ấy, tôi thấy mình chẳng còn tiếng nói trong gia đình. Rồi bố mẹ tôi bị vợ coi không ra gì.
Khi nào vui thì cô ấy ném cho tôi vài chục triệu bảo gửi về quê, nào khách bom hàng nhiều thì giận cá chém thớt gọi bố mẹ chồng là “ông bà già”, “hội nhà quê”, “mấy kẻ ăn bám”…
Tôi giận lắm, cố nhẹ nhàng nhắc nhở mà cô ấy bật tanh tách: “Sai à? Tôi nói sai à? Anh ở nhà có đóng hàng còn sai đơn. Hay anh cố tình gian lận để lấy tiền bỏ túi riêng làm quỹ đen gửi bố mẹ anh? 2 ông bà ấy đã ngồi không nhận tiền thì phải hiểu con dâu chứ, cứ gọi gọi gọi tối ngày. Tôi không mở được mắt vì phải làm thêm, kiếm thêm gửi về cho họ đấy!”
Tôi cay đắng lắm. Nghĩ là cố nhịn một chút để sống dư dả, rồi bố mẹ cũng có tiền an hưởng tuổi già, nhưng vợ càng thấy tôi nhịn thì lại càng lấn tới. Nhiều khi, cô ấy đi ra ngoài tiếp khách nam mà chẳng ngại đong đưa, nũng nịu.
Tôi thì bị coi như lái xe, chỉ trên mạng xã hội tôi mới được vợ tôn trọng, ngợi khen. Chỉ vợ thôi đã mệt, tôi còn phải cưng nựng, yêu chiều theo yêu sách của con gái riêng của cô ấy.
Sự cảm thông với vợ cũ bỗng ngập tràn, tôi giận mình vì thái độ không đúng mực khi xưa.
Nếu tôi không nghi ngờ, xem thường bố mẹ vợ thì có lẽ đã đâu khiến mâu thuẫn tới mức phải ly hôn. Nếu tôi thay vì xét nét từng đồng mà dành thời gian nỗ lực hơn, có lẽ chúng tôi vẫn còn bên nhau. Chưa biết chừng, tới thời điểm này hai vợ chồng đã phất, mua được nhà rồi cũng nên!
Tôi chẳng dám tâm sự với ai về vợ mới, sợ bị nói là chó chui gầm chạn – dù điều đó đâu có sai.
Cho tới một lần tôi đưa bố mẹ vào viện khám, tình cờ gặp lại vợ cũ.
Nhìn qua cũng biết Thanh có vẻ kinh tế rất ổn, ngoại hình vẫn xinh đẹp, trẻ trung. Phong cách ăn mặc còn lên tầm hơn hẳn so với thời xưa.
Nhưng chẳng hiểu sao, khi đối mặt nhau, tôi bỗng rưng rưng rơi nước mắt. Thanh ngạc nhiên, rồi cũng dỗ dành tôi nín đi không mọi người nhìn. Lúc này, tôi mới bình tĩnh lại, xin lỗi rồi cố hỏi thăm vợ cũ vài câu.
Thanh cũng bình thản trả lời, nói rằng đã nghỉ việc, giờ mở shop thời trang và giúp bố mẹ bán nông sản. “Tuy em không giàu, nhưng cũng đủ khả năng lo cho bố mẹ, mua được căn hộ mà mình từng mơ ước” – Thanh nhẹ nhàng chia sẻ.
Nghe tới đây, tôi càng cảm thấy buồn và ân hận hơn. Thật sự, tôi đã đánh mất đi người vợ hiền lành, chăm chỉ và biết quan tâm bố mẹ 2 bên để chạy theo vật chất, cuối cùng chẳng hạnh phúc, vẻ vang gì. Phải chăng tôi đang phải gánh chịu quả báo, cũng bị đối phương coi thường, hắt hủi, coi thường như tôi đã từng đối xử với Thanh?
Theo Phương Huệ/Thời báo văn học nghệ thuật