The Face và Vietnam's Next Top Model All Stars 2017 là hai show truyền hình thực tế nhận được sự quan tâm, chú ý nhiều của khán giả trong thời gian trở lại đây. Nhiều người đánh giá cao sự hấp dẫn của hai chương trình này.
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến phàn nàn về việc 2 gameshow trên tập trung quá nhiều vào các màn tranh cãi giữa các thí sinh, các giám khảo, HLV. Điều này biến cuộc chơi trở thành cái chợ ồn ào.
Để có thêm góc nhìn đa chiều về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Trác Thúy Miêu.
- Thưa chị Trác Thúy Miêu, chị nghĩ sao khi sau mỗi chương trình như The Face, Vietnam's Next Top Model All Stars 2017 phát sóng, điều để lại trong khán giả là những màn tranh cãi kịch liệt giữa các giám khảo, các HLV, giữa các thí sinh chứ không phải là sự tiến bộ hay năng lực của người chơi?
Hai show truyền hình trên, không phải là những cuộc thi tay nghề, thi ai là người mẫu giỏi nhất mà nó nhằm vào cuộc sống của giới người mẫu, hậu trường cuộc sống của những cô gái đẹp, khi họ sống cùng nhau thì chuyện gì xảy ra.
Các chương trình thực tế ở nước ngoài hấp dẫn vì cá tính người chơi thể hiện ra. Còn ở Việt Nam, chúng ta cần phải thừa nhận rằng, phần lớn các show truyền hình thực tế không có tính thực tế, đặc biệt, người Việt chúng ta, chưa có thói quen bộc lộ cá tính một cách công khai trên truyền thông.
Vì thế, tôi không ngạc nhiên khi khán giả Việt Nam vốn không quen khi chứng kiến những xung đột riêng tư trong cuộc sống đời thường được phơi bày trên truyền thông, nay bị cuốn vào những tranh cãi mang hướng tiêu cực ấy ở hai show truyền hình trên.
Họ sẽ không còn thích thú với một chương trình mà ở đó có những chị em tốt, nắm tay nhau nhảy quanh đống lửa, còn giám khảo thì tươi cười, hòa nhã.
|
Nhà báo Thúy Trác Miêu. |
- Trong hai show truyền hình thực tế trên, theo chị vì sao mà những người chơi, các HLV, giám khảo đều dễ rơi vào các xung đột bắt nguồn từ những lý do rất nhỏ?
Thường thì một show truyền hình thực tế có thời gian ghi hình khá dài. Mâu thuẫn giữa các thi sinh, các HLV đã bắt nguồn từ trước nhưng khi lên hình, nhà sản xuất chỉ lựa chọn những giây phút đắt giá nhất, cao trào nhất. Chính vì thế, khán giả chỉ thấy được một phần trong những xung đột của người trong cuộc.
Còn riêng với các HLV của The Face, tôi đều biết các em ở bên ngoài. Họ đều là những người mạnh mẽ. Dù còn rất trẻ, họ đã tạo được danh tiếng như thế thì không phải là người thiếu bản lĩnh, nhưng họ không phải là người hoạt ngôn, những người "sành sỏi" về truyền thông.
- Ngoài lý do từ chính những người trong cuộc, theo chị còn lý do nào khiến những mâu thuẫn trong các giám khảo, HLV, thí sinh trong các gameshow bị đẩy lên cao trào?
Đó là sự ném đá hội đồng từ phía một bộ phận không nhỏ khán giả. Mới đây, trong một clip hậu trường buổi chụp ảnh của 3 HLV The Face, Lan Khuê có buột miệng nói một câu đệm, thế mà cô ấy bị lên án dữ dội.
Trong thời buổi hiện nay, đám đông được cung cấp đá vào tay miễn phí. Họ được khyến khích "hãy chọi nếu bạn muốn". Vì thế, có nhiều người phát ngôn và hành xử nhanh hơn cả tốc độ tư duy. Điều này rất nguy hiểm.
Nó khiến tôi liên tưởng tới trò chọi trâu. Nhiều người gọi đó là truyền thống dân gian còn tôi cho rằng, đó là trò man rợ. Cái kích con vật tử thương trong trân đấu đấy chính là tiếng la hét, kích động xung quanh.
|
Mâu thuẫn của Lan Khuê và Minh Tú thường xuyên được khai thác trong "The Face 2017". |
- Theo chị, khi những ồn ào như thế xảy ra, ai là người chịu thiệt nhất?
Đó chính là những người tham gia cuộc chơi. Tôi lấy ví dụ, khi đoạn clip được cho là tranh giành vị trị ở giữa xảy ra với Lan Khuê và Minh Tú, ê-kíp chăm sóc các cô gái nổi đóa với nhau, ăn miếng trả miếng.
Tôi biết họ làm điều đó vì quá yêu quý cô gái của mình, cho rằng cô gái của mình là nạn nhân. Hai ê-kíp hùng hậu và "sành sỏi" về truyền thông, họ tuyên chiến với nhau trong trận chiến giáp lá cà này.
Tôi có gặp hai ê-kíp và tôi thấy cả hai phía đều có những lý lẽ riêng, có nhiều cái đúng. Tôi ước như cả hai ngồi lại với nhau, cứu lấy hai cô gái mà họ đang chăm sóc chứ không phải là tuyên chiến với nhau trên mạng xã hội, để rồi gây ra ảnh hưởng nặng nề. Một trong hai bạn đó đã bị mất hợp đồng quảng cáo.
Và hơn thế nữa, sau cuộc chơi vô thưởng, vô phạt này, họ sẽ không làm việc được với những người ở ê-kíp bên kia. Nó giống như một mối thù. Một câu chuyện giải trí trên truyền hình đang bước vào đời sống. Một trò chơi mang tên trận giả nhưng lại khiến người trong cuộc ôm vết thương thật.
Tuy vậy, tôi nghĩ rằng, bước vào gameshow cũng như chơi một canh bạc, có thắng, có thua. Những người tham gia gameshow đều đã trưởng thành, cũng đã bước chân vào giới giải trí một thời gian, vì thế, thắng hay thua cũng là điều họ đã lựa chọn và chấp nhận trả giá.
Theo Thu Giang/VTC News