Sơn Tùng và giấc mơ "Mỹ tiến" là chủ đề được bàn tán nhiều nhất những ngày qua ở thị trường âm nhạc. Nam ca sĩ cho biết Making My Way phát hành 5/5 đánh dấu cột mốc mới trong chặng đường hoạt động âm nhạc của anh.
Tham vọng đưa nhạc Việt ra thế giới thành hay bại cũng là điều đáng ngợi khen. Đặc biệt giữa bối cảnh nhạc Việt còn nhỏ bé và không phải ca sĩ nào cũng dám tiên phong.
Sự chuẩn bị của Sơn Tùng và ca sĩ Việt
Từ thời điểm phát hành Chạy ngay đi, Sơn Tùng đã chia sẻ giấc mơ đẹp nhất của anh là mang tiếng Việt ra thế giới bên ngoài, để mọi người biết bài hát đó bằng tiếng Việt, người hát bài này là người Việt Nam, ê-kíp sản xuất ra nó là người Việt. Tất cả điều ấy sẽ trở thành niềm tự hào.
Sơn Tùng đã có rất nhiều năm kiên trì theo đuổi giấc mơ đó. Từ Chạy ngay đi, nam ca sĩ hợp tác ê-kíp hàng đầu của Hàn Quốc. Âm nhạc của Chạy ngay đi là một sự mới mẻ, xu hướng mới, hấp dẫn so với thị trường âm nhạc Việt. Ngoài âm nhạc tiết tấu cao, Sơn Tùng còn đầu tư mặt hình ảnh và mời nữ diễn viên nổi tiếng Thái Lan là Mai Davika đảm nhận vai nữ chính.
Tới Hãy trao cho anh ra mắt năm 2019, Sơn Tùng hợp tác ngôi sao tầm cỡ thế giới Snoop Dogg và nữ ca sĩ Madison Beer. Giọng ca Thái Bình thậm chí thực hiện MV ở hoang mạc Mojave và vườn quốc gia Joshua Tree (California, Mỹ) - địa điểm ghi hình của các nghệ sĩ quốc tế như Ariana Grande, Lady Gaga, Beyoncé, Kesha, Iggy Azalea, Calvin Harris, Nicki Minaj...
Với There's No One At All được phát hành năm 2022 và Making My Way sắp ra mắt, Sơn Tùng hát tiếng Anh toàn bộ. Với Making My Way, khả năng lớn anh tiếp tục hợp tác ngôi sao quốc tế. Lý do là tháng 3, nam ca sĩ đăng ảnh tại Los Angeles và cho biết anh tới đây làm việc. Có thể thấy, Sơn Tùng đã và đang từng bước thực hiện giấc mơ của chính mình.
Mỹ tiến hay đưa âm nhạc ra thế giới có lẽ là giấc mơ chung của rất nhiều ca sĩ Việt. Nhưng không phải ai cũng đủ kiên trì và quan trọng là sức mạnh kinh tế để theo đuổi.
K-ICM muốn là nghệ sĩ Việt Nam đi ra thế giới và để người nước ngoài biết tới nhạc cụ Việt. Tương tự, Trịnh Thăng Bình thừa nhận với Zing anh cũng từng suy nghĩ và muốn vươn ra thị trường âm nhạc quốc tế, nhưng sức anh làm không được. Bao lần anh định thử thách nhưng đều thất bại. Do đó, khi thấy bước đi của Sơn Tùng, anh rất ngưỡng mộ.
|
Sơn Tùng lên kế hoạch Mỹ tiến từ nhiều năm trước. Ảnh: FBNV.
|
Sự chùn chân của Trịnh Thăng Bình dễ hiểu bởi thực tế Vpop còn quá nhỏ bé so với thị trường âm nhạc thế giới. Thời gian qua, chúng ta có nhiều sản phẩm nổi tiếng ở không chỉ lãnh thổ Việt Nam và đó là điều đáng tự hào. Tuy nhiên, để nói nổi tiếng và gây sốt trên toàn cầu như Kpop từng làm với Nobody (Wonder Girls), Gangnam Style (PSY), Dynamite (BTS) Vpop chưa có ca khúc nào.
Gần đây, See tình trở thành niềm tự hào của Vpop. Ca khúc được đông đảo khán giả và người nổi tiếng Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, Hàn Quốc… nhảy theo. Bài hát cũng xuất hiện trên các chương trình truyền hình có lượng lớn khán giả theo dõi của nước ngoài. Tới đầu tháng 4, tờ Newspim thậm chí viết bài hát không hề suy giảm độ nổi tiếng tại Hàn Quốc.
Trước đó, Ngẫu hứng (Hoaprox), Ngây thơ, Dạ vũ (Tăng Duy Tân ft Phong Max), Dễ đến dễ đi (Quang Hùng Master) và Hai phút hơn (KAIZ Remix ft Pháo)… cũng khá nổi tiếng ở các nước kể trên. Tuy nhiên, có thể thấy, các ca khúc vẫn chủ yếu phủ sóng khu vực Đông Nam Á hoặc châu Á chứ chưa đủ sức ảnh hưởng tới Âu Mỹ.
Bài học từ Kpop
Khi được hỏi về tham vọng Mỹ tiến, Sơn Tùng từng nói với Zing: "Tôi phải thừa nhận Việt Nam không có trên bản đồ âm nhạc. Họ không biết Việt Nam ở đâu. Do đó, tôi rất muốn đứng cạnh nghệ sĩ quốc tế và nói với họ Việt Nam có rất nhiều nghệ sĩ tài năng, do đó, các bạn hãy chú ý đến Việt Nam".
"BTS hát ngôn ngữ của họ trên đất Mỹ, mặc theo phong cách của họ và làm bất cứ gì họ muốn trên đất Mỹ. Họ cho tôi chìa khóa mở ra giấc mơ của mình. Tôi phải làm và đi theo con đường của họ. Dù kết quả thế nào, dù công sức có xuống sông, xuống biển, tôi rất vui vì đã được sống là chính mình", anh nói.
Và để BTS trở thành niềm tự hào cho người dân Hàn Quốc lẫn khán giả, đồng nghiệp châu Á như hiện giờ, rất nhiều nghệ sĩ, thần tượng đi trước của xứ sở kim chi đã phải dò đường và thất bại.
|
Từ thời BoA, Se7en hay sau đó là Wonder Girls thuộc thế hệ Kpop thứ 2 (giai đoạn 2007-2011), Kpop đã nhắm đến thị trường Mỹ. Ảnh: JYP Entertainment.
|
Kpop có lẽ bắt đầu vào những năm đầu thập niên 1990 khi Seo Taiji and Boys đã làm mọi người kinh ngạc với màn trình diễn ấn tượng được truyền hình trực tiếp đến hàng triệu gia đình Hàn Quốc. Ban nhạc đã mở ra cánh cửa cho các thế hệ nghệ sĩ trẻ Hàn Quốc - những người được truyền cảm hứng sáng tác âm nhạc bằng cách tiếp cận xu hướng đang thịnh hành trên thế giới.
Tới những năm cuối thập niên 2000, lượng lớn ca sĩ Kpop mở rộng phạm vi tiếp cận và ảnh hưởng ra khu vực châu Á. Cùng lúc, phim ảnh Hàn Quốc tấn công, thậm chí bùng nổ ở các nước lân cận. Không giống xu hướng khép kín tại Trung Quốc và Nhật Bản, các công ty giải trí Hàn Quốc đón nhận những mạng xã hội quốc tế và bắt đầu có mặt trên các nền tảng âm nhạc nước ngoài. Đây có thể coi như bước đi đầu tiên của Kpop tới Mỹ.
Mỹ tiến được không chỉ một công ty, một nghệ sĩ mà cả thị trường Hàn Quốc coi như mục tiêu chung. Không ngẫu nhiên, Kpop được coi như ngành công nghiệp để chính phủ Hàn Quốc đầu tư mạnh tay.
Khi đó, Se7en, BoA rồi tới Wonder Girls, SNSD đã phát hành các sản phẩm âm nhạc bằng tiếng Anh. Nhưng rồi họ đều nhận về thất bại. Wonder Girls thậm chí phải trả giá cho công cuộc Mỹ tiến bằng việc giảm nhiệt tại quê nhà. Nhưng chính sự dám nghĩ dám làm đã tạo tiền đề cho Kpop thành công ở Mỹ như hiện nay.
Cơn bão Kpop lên đến đỉnh điểm nhờ PSY và Gangnam Style vào năm 2012. PSY đã hoàn toàn phá vỡ khuôn mẫu về những gì cần thiết để đạt được vị trí số một, không chỉ ở thị trường Mỹ mà trên toàn thế giới. PSY đã tạo ra cột mốc mới giúp thế hệ đàn em như BTS, BlackPink từng bước lập kỷ lục trên Billboard nói riêng và nước Mỹ nói chung.
|
BTS khó có thể thành công tại Mỹ nếu thiếu những bước thăm dò đầu tiên của nghệ sĩ đi trước. Ảnh: NME.
|
Thành công của Kpop cho thấy Mỹ tiến không phải giấc mơ của riêng BTS, BlackPink hay Wonder Girls… Nó là mục tiêu chung của cả ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc và đã được đánh đổi bằng rất nhiều lần thăm dò thất bại.
Cũng như Sơn Tùng từng nói: "Tôi cần rất nhiều thời gian để chinh phục được giấc mơ ấy. Đây không phải giấc mơ của riêng tôi, hay sự ích kỉ cho cá nhân mình mà là giấc mơ cho cả một tập thể".
Vpop đang ở giai đoạn học hỏi và dò dẫm tìm đường
Trao đổi với Zing, Lâm Thời Đại - CEO của Hãng đĩa Thời Đại - cho biết ông nhận thấy cơ hội Mỹ tiến cho các nghệ sĩ Việt không nhiều bởi ngành công nghiệp âm nhạc nước mình còn khá non trẻ và tự phát. Việt Nam cũng chưa phải điểm đến hấp dẫn khi các nghệ sĩ nước ngoài lên kế hoạch lưu diễn, do đó cũng hạn chế các cơ hội giao lưu, hợp tác và phát triển. Các hãng đĩa nước ngoài đang vào thị trường Việt Nam cũng chưa có động thái gì để thúc đẩy thị trường âm nhạc bản địa ngoài việc quảng bá kho nhạc sẵn có.
“Tôi còn nhớ 20 năm trước, ca sĩ Mỹ Linh rất hào hứng khi chia sẻ về album Coming to America. Thế nhưng, đến nay dự án chưa hoàn thành để giới thiệu đến giới mộ điệu dù có hãng đĩa địa phương hỗ trợ từ A đến Z. Do đó, Mỹ tiến không phải việc dễ dàng để xây dựng chiến lược cụ thể cho từng nghệ sĩ. Tôi vẫn trông chờ những thành tựu khác để học hỏi từ những case study quý báu này”, ông Lâm Thời Đại nói.
Tham vọng Mỹ tiến, Hàn tiến hay Nhật tiến… hay nói chung là giấc mơ xuất khẩu Vpop và quảng bá văn hóa Việt vào những thị trường âm nhạc lớn trên thế giới. Ông nhấn mạnh đây không phải câu chuyện dễ dàng của một cá nhân, một nghệ sĩ hay hãng đĩa nào. Kpop phải đến thế hệ nghệ sĩ gen 3 (khoảng 2013-2019) mới có được những thành tựu ban đầu ở thị trường Mỹ sau gần 50 năm. Họ phải đầu tư hàng tỷ USD để phát triển nhân lực, tích cực tham gia giao lưu văn hóa để tạo tiền đề cho thế hệ sau.
|
Sự lan tỏa của See tình hay kế hoạch từ Sơn Tùng là tín hiệu đáng mừng của nhạc Việt. Ảnh: NVCC.
|
“Nhìn lại thì chúng ta vẫn đang trong giai đoạn quan sát, học hỏi và ‘dò dẫm’ tìm đường đi trong ‘sương mù’ để mơ một giấc mộng lớn. Bất cứ cơ hội nào cho nghệ sĩ Việt (như See tình của Hoàng Thuỳ Linh) tỏa sáng bây giờ đều đáng mừng, trân trọng và nhận được cổ vũ từ cả thị trường. Tất cả điểm sáng như que diêm lóe lên trong đêm đó có thể giúp chúng ta thấy rõ con đường đi đầy khó khăn hơn một chút”, Ông Lâm Thời Đại nhận định.
Nhìn chung, không thành công nào đến dễ dàng mà không cần đánh đổi bằng thời gian, sự mạo hiểm, nỗ lực và cả những thất bại. Và không phải ai biết là chông gai đang chờ phía trước vẫn dám đương đầu như Sơn Tùng M-TP.
Hơn hết, khi đặt ra mục tiêu khó khăn như vậy, Sơn Tùng chắc hẳn phải bỏ rất nhiều tâm huyết, sự đầu tư về cả thời gian, chất xám lẫn tiền bạc. Do đó chưa bàn đến thành công hay thất bại, mục tiêu và những gì Sơn Tùng đang làm chỉ có lợi với sự phát triển chung của thị trường nhạc Việt. Đó là sự nỗ lực đáng ghi nhận và khen ngợi.
Sách tham khảo: Sơn Tùng M-TP có tự truyện mang tên Chạm tới giấc mơ. Nam ca sĩ chia sẻ cảm hứng viết tự truyện: “Trong cuộc sống, mỗi người đều có mục đích sống riêng. Để có thể chạm tay vào và biến mục đích thành sự thật, chính chúng ta phải lăn xả chứ không phải ba mẹ hay bạn bè".
Theo Zing