Bên trong Hoàng cung đẹp tinh tế tới mức hoàn hảo, rộng hơn 7,4km2, tại Tokyo là triều đại cha truyền con nối lâu dài nhất trong lịch sử thế giới cho tới ngày nay.
Kế vị Thiên hoàng chính thống đầu tiên là Thần Vũ (bắt đầu triều đại năm 660 trước Công nguyên), Thiên hoàng Akihito hiện nay (sinh năm 1933) là vị Thiên hoàng thứ 125 của Nhật Bản.
Thiên hoàng là người đứng đầu Hoàng gia, được xem là con cháu của Thái Dương Thần Nữ (thần Mặt Trời), đứng đầu quốc gia quân chủ lập hiến, người duy nhất trên thế giới được gọi là Hoàng đế, đồng thời là là giáo chủ của Thần đạo Nhật Bản.
|
Hoàng cung Nhật Bản tại Tokyo nhìn từ trên cao. |
Cũng giống như nhiều hoàng tộc khác trên thế giới, Nhật Hoàng Akihito và gia đình của ông sống một cuộc sống tách biệt. Họ không cần tiền mặt, không trả lời điện thoại, và tránh xa internet.
Điều đặc biệt hơn cả là Nhật Hoàng Akihito và gia đình không hề có tài sản cá nhân. Nguyên nhân là kể từ sau Thế chiến II (1945), hầu hết tài sản của gia đình hoàng gia Nhật bị các nhà chức trách Mỹ đóng quân tại Nhật sau thế chiến II sung công, vì họ coi đây là rào cản để xây dựng một nền dân chủ.
Nhật Hoàng Akihito được công chúng trong và ngoài nước nể vì bởi sự khiêm nhường hiếm có. Các thành viên trong hoàng tộc luôn xuất hiện một cách chỉn chu, giản dị, khiêm cung.
Hoàng gia Nhật Bản chi tiêu nhiều hay ít?
Vậy, khi các thành viên hoàng gia không có tài sản riêng thì mức chi tiêu cho Hoàng cung Nhật Bản sẽ là bao nhiêu?
Theo BBC, điều 5 Luật về tài chính của Hoàng cung quy định, chi tiêu cho cung đình Nhật 2015 khoảng 1.000 tỉ đồng.
|
Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko |
Mức chi này khác với chi tiêu của Cục quản trị Hoàng gia – cơ quan quản lý chi tiêu của Hoàng cung, tài khóa 2015 có ngân khoản khoảng 2.000 tỉ đồng.
Tất cả số tiền này đều được lấy từ ngân sách nhà nước.
Telegraph dẫn nguồn từ cuốn sách The Imperial Family Purse (năm 2003), cho biết, trong Hoàng cung có khoảng 1000 người phục vụ, cùng với hàng trăm cảnh sát canh giữ.
Riêng cung điện chính tại Toko cần tới 160 nhân viên để vận hành, bởi vì có nguyên tắc là người giúp việc lau bàn thì không thể lau sàn.
|
Lối vào Hoàng cung Nhật Bản tại Tokyo. |
Trong số các tài sản thuộc về hoàng cung còn có nông trại cung cấp sữa, thịt và rau cho gia đình hoàng gia. Bên trong Hoàng cung có hầm chứa 4500 chai rượu, với 11 loại vang trắng và 7 loại vang đỏ.
Khi Tổng thống Nam Phi Mbeki tới thăm Nhật năm 2001, ông được phục vụ loại rượu Chateau Mouton Rothschild 1982, có giá hơn 10 triệu đồng, và sâm panh Dom Perignon 1992.
Theo quy định, khi Nhật Hoàng công du, mức chi trả cho tiền phòng một đêm vào khoảng 3,6 triệu đồng, bất kể là khách sạn hạng gì.
Dòng máu hoàng gia hiếm hoi
Theo Hiến pháp Nhật, Nhật hoàng chủ yếu mang tính biểu tượng để thống nhất đất nước, và giữ gìn truyền thống của Nhật Bản. Do đó, Nhật Hoàng không thể tham gia hoặc can thiệp vào các vấn đề chính trị.
Giáo sư Akira Momochi thuộc trường đại học Nihon nhận định: “Với truyền thống chủ nghĩa dân tộc ăn sâu trong dòng máu người dân, Nhật Bản không thể tồn tại mà không có Nhật hoàng. Nhật hoàng chính là biểu tượng tinh thần, là cội rễ để chúng tôi khẳng định nguồn gốc của mình”.
Tuy nhiên, vấn đề nối dõi dòng máu hoàng gia tại Nhật đã có lúc lâm vào tình cảnh khủng hoảng và gây nhiều tranh cãi.
|
Hoàng gia Nhật chụp ảnh trong dịp năm mới năm 2014. |
Việc truyền ngôi Thiên hoàng chỉ được thực hiện cho con trai theo nguyên tắc: một gia tộc – một dòng máu. Hoàng thái tử Naruhito – người kế vị Nhật Hoàng Akihito – lại không có con trai nối dõi.
Việc thiếu người nối dõi khiến chính phủ Nhật miễn cưỡng xem xét sửa đổi luật cho phép con gái Hoàng thái tử Naruhito là Công chúa Aiko, thừa kế ngai vàng.
Nhưng tranh luận này được dập tắt khi vợ chồng em trai Hoàng thái tử Naruhito sinh hạ Hoàng tử Hisahito năm 2006. Sau này Hoàng tử Hisahito sẽ là người kế vị ngôi Thiên Hoàng của Nhật Bản.
Theo Dân Việt