|
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
|
Tăng cường quan hệ với ASEAN
Theo truyền thống, chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tân thủ tướng Nhật Bản có điểm đến là Mỹ, nhưng Thủ tướng Shinzo Abe đã phá vỡ truyền thống và thực hiện chuyến đi đầu tiên tới khu vực Đông Nam Á. Sau khi cử bộ trưởng tài chính đến Myanmar và bộ trưởng ngoại giao đến Singapore, Brunei, Australia và Philippines, Thủ tướng Nhật Bản đã đi thăm Việt Nam, Thái Lan và Indonesia. Không những thế, ông còn tiến vào “sân sau của Trung Quốc”, với chuyến thăm Myanmar gần đây.
|
Thủ tướng Nhật Bản thăm Myanmar.
|
Cuộc tấn công ngoại giao này cho thấy sự quan tâm kinh tế-chiến lược của chính quyền mới ở Nhật Bản đối với Đông Nam Á. Thủ tướng Abe muốn kiềm chế sức mạnh quân sự và thương mại ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Ông muốn mở rộng thẩm quyền hàng hải của Nhật Bản, kết hợp với sức mạnh kinh tế của đất nước.
Trước chuyến công du Đông Nam Á, Thủ tướng Shinzo Abe từng nói: "Hiện nay, môi trường chiến lược trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang trải qua một sự thay đổi sâu sắc. Trong quá trình thay đổi này, quan hệ gần gũi hơn với các nước ASEAN là đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và là lợi ích quốc gia của Nhật Bản”.
“Viên kim cương” chống "chuỗi ngọc trai" Trung Quốc
Trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, ông Abe đã trình bày ý tưởng của mình về an ninh quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, qua một bài phát biểu ít được dư luận chú ý. Ông kêu gọi cần quyết đoán hơn trong chính sách đối ngoại.
Ý tưởng cốt lõi của ông Abe là tạo ra một “viên kim cương dân chủ an ninh” và qua đó, ngăn chặn tham vọng bá quyền của Trung Quốc.
Bài phát biểu của ông Abe có đoạn viết: “Tôi đề ra một chiến lược, trong đó Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và tiểu bang Hawaii tạo thành một viên kim cương để bảo vệ các vùng biển chung kéo dài từ Ấn Độ Dương tới Tây Thái Bình Dương. Tôi sẵn sàng đầu tư, ở mức cao nhất có thể, vào những năng lực của Nhật Bản trong viên kim cương an ninh này”.
|
Thủ tướng Abe cũng đề nghị mở rộng hợp tác với Ấn Độ về kinh tế và quốc phòng. |
Thủ tướng Abe cũng đề nghị mở rộng hợp tác với Ấn Độ về kinh tế và quốc phòng, nói rằng hai nước nên “cùng nhau gánh vác nhiều trách nhiệm hơn, khi bảo vệ tự do hàng hải trên khắp Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương”. Ông Abe cũng thừa nhận rằng ông đã không tính trước được mức độ mở rộng hải quân và bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc từ năm 2007.
Ông Shinzo Abe tuyên bố Biển Đông đang bị biến thành “ao nhà của Bắc Kinh”, một vùng biển đủ sâu để Hải quân Trung Quốc lập căn cứ cho các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và có khả năng phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Theo ông, tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Trung Quốc là nhằm “đe dọa các nước láng giềng”.
Đề cập đến quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư) ở Biển Hoa Đông, ông Abe cảnh báo rằng sự hiện diện thường xuyên của tàu công vụ Trung Quốc ở vùng biển xung quanh quần đảo này là nhằm “tìm cách thiết lập quyền tài phán” của Bắc Kinh “trong vùng biển xung quanh Senkaku như một việc đã rồi”.
Năm nguyên tắc của Nhật Bản đối với ASEAN
|
Tại Indonesia, Thủ tướng Abe đã trình bày năm nguyên tắc trong chính sách của Nhật Bản đối với ASEAN. |
Tại Indonesia, Thủ tướng Abe đã trình bày năm nguyên tắc trong chính sách của Nhật Bản đối với ASEAN và hầu hết các nguyên tắc này gián tiếp nhằm vào Bắc Kinh. Ba trong 5 nguyên tắc đó là:
"Thứ nhất là bảo vệ tự do tư tưởng, tự do ngôn luận ở khu vực (Đông Nam Á) vốn giao hòa giữa hai đại dương này. Đây là những giá trị phổ quát mà nhân loại đã đạt được và cần được đâm hoa kết trái”.
"Thứ hai là đảm bảo rằng các vùng biển, vốn là tài sản chung quan trọng nhất của tất cả các nước chúng ta, được điều hành bằng pháp luật và các quy tắc, chứ không phải bằng vũ lực”.
"Nguyên tắc thứ ba là theo đuổi tự do, cởi mở, liên kết kinh tế và đó là một phần của chính sách ngoại giao Nhật Bản. Chúng ta phải đảm bảo sức mạnh liên kết bằng cách đưa các nền kinh tế quốc gia xích lại gần nhau hơn, thông qua các dòng thương mại và đầu tư, con người và hàng hóa”.
Chiến dịch tấn công ngoại giao của Thủ tướng Shinzo Abe đã bị chỉ trích ở Bắc Kinh, đặc biệt sau khi Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về tình trạng leo thang căng thẳng hiện nay ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
TỊN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Lê Chân (theo Deutsche Welle)