4 nhân sự chủ chốt của Đảng được bầu thế nào tại Đại hội XII?

Google News

(Kiến Thức) - Nguyên tắc bầu 4 nhân sự chủ chốt của Đảng được quy định tại Quyết định số 244-QĐ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương...

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XII, được gọi chính thức là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII là đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 28/1/ 2016 tại Hà Nội. Có 1.510 đại biểu đại diện cho hơn 4,5 triệu đảng viên tham dự.
Nội dung của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII
Chủ đề của Đại hội 12 dự kiến bàn về việc: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đại hội có nhiệm vụ đánh giá kết quả 30 năm đổi mới; kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết Đại hội XI của đảng (nhiệm kỳ 2011-2015); quyết định phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ 5 năm 2016-2020; bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 nhiệm kỳ 2016-2020.
4 nhan su chu chot cua Dang duoc bau the nao tai Dai hoi 12?
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XII dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 28/1/ 2016 tại Hà Nội.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng mới sẽ lần lượt bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban kiểm tra Trung ương Đảng, Tổng bí thư theo thủ tục quy định tại Điều lệ Đảng và Quy chế bầu cử trong Đảng năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương. Trước Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương khóa trước cũng giới thiệu các ứng viên Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội để Quốc hội khóa mới bầu.
Nguyên tắc bầu 4 nhân sự chủ chốt của Đảng
Về nguyên tắc bầu 4 nhân sự chủ chốt của Đảng, Báo điện tử Kiến Thức xin trích đăng 4 Điều 25, 26, 27,28 của Quyết định số 244-QĐ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng như sau:
Điều 25. Bầu Bộ Chính trị
1- Phiên họp thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Tổng Bí thư khóa trước (tái cử hoặc không tái cử) làm triệu tập viên khai mạc và chủ trì cho đến khi bầu xong Đoàn Chủ tịch hội nghị.
Trường hợp đồng chí Tổng Bí thư khóa trước không thể làm triệu tập viên thì Đoàn Chủ tịch Đại hội cử triệu tập viên.
2- Đoàn Chủ tịch Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương báo cáo về đề án và đề nghị số lượng Ủy viên Bộ Chính trị cần bầu.
3- Hội nghị thảo luận, biểu quyết về số lượng Ủy viên Bộ Chính trị.
4- Đoàn Chủ tịch báo cáo danh sách những đồng chí được Ban Chấp hành Trung ương khóa trước đề cử vào Bộ Chính trị.
5- Tiến hành ứng cử, đề cử.
6- Họp tổ để thảo luận.
7- Đoàn Chủ tịch tổng hợp danh sách những người từ ứng cử, được đề cử; đề xuất những trường hợp được rút và không được rút khỏi danh sách bầu cử, báo cáo hội nghị xem xét, quyết định.
Lấy phiếu xin ý kiến của hội nghị đối với những người ứng cử, được đề cử tại hội nghị (nếu cần).
8- Lập danh sách bầu cử, hội nghị biểu quyết thông qua số lượng và danh sách bầu cử Bộ Chính trị.
9- Bầu cử, kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử.
Điều 26. Bầu Tổng Bí thư
1- Đoàn chủ tịch báo cáo về yêu cầu, tiêu chuẩn Tổng Bí thư và dự kiến nhân sự Tổng Bí thư được Ban Chấp hành Trung ương khóa trước giới thiệu, ý kiến giới thiệu của Bộ Chính trị khóa mới, kết quả giới thiệu nhân sự Tổng Bí thư của Đại hội để hội nghị tham khảo.
2- Họp tổ để thảo luận và tiến hành ứng cử, đề cử.
3- Đoàn Chủ tịch tổng hợp danh sách những người tự ứng cử, được đề cử; đề xuất những trường hợp được rút và không được rút khỏi danh sách bầu cử, báo cáo hội nghị xem xét, quyết định.
Lấy phiếu xin ý kiến của hội nghị đối với những người ứng cử, được đề cử tại hội nghị (nếu cần).
4- Lập danh sách bầu cử, hội nghị biểu quyết thông qua số lượng và danh sách bầu cử.
5- Bầu cử, kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử.
Điều 27. Bầu Ban Bí thư
1- Đồng chí Tổng Bí thư thay mặt Đoàn Chủ tịch Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương báo cáo về đề án và đề nghị số lượng Ủy viên Ban Bí thư cần bầu.
2- Hội nghị thảo luận, biểu quyết về số lượng Ủy viên Ban Bí thư.
3- Đoàn Chủ tịch báo cáo danh sách những đồng chí được Ban Chấp hành Trung ương khóa trước đề cử vào Ban Bí thư.
4- Tiến hành ứng cử, đề cử.
5- Họp tổ để thảo luận.
6- Đoàn Chủ tịch tổng hợp danh sách những người tự ứng cử, được đề cử; đề xuất những trường hợp được rút và không được rút khỏi danh sách bầu cử, báo cáo hội nghị xem xét, quyết định.
Lấy phiếu xin ý kiến của hội nghị đối với những người tự ứng cử, được đề cử tại hội nghị (nếu cần).
7- Lập danh sách bầu cử, hội nghị biểu quyết thông qua số lượng và danh sách bầu cử Ban Bí thư.
8- Bầu cử, kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử.
Điều 28. Bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương
1- Đoàn Chủ tịch báo cáo về tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương để hội nghị xem xét, quyết định.
2- Hội nghị tiến hành biểu quyết về số lượng Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
3- Đoàn Chủ tịch đề cử danh sách do Bộ Chính trị khóa trước giới thiệu bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ý kiến của Bộ Chính trị khóa mới.
4- Tiến hành ứng cử, đề cử.
5- Đoàn Chủ tịch tổng hợp danh sách những người tự ứng cử, được đề cử; đề xuất những trường hợp được rút và không được rút khỏi danh sách bàu cử, báo cáo hội nghị xem xét, quyết định.
Lấy phiếu xin ý kiến của hội nghị đối với những người ứng cử, được đề cử tại hội nghị (nếu cần).
6- Lập danh sách bầu cử; hội nghị biểu quyết thông qua số lượng và danh sách bầu cử.
7- Bầu cử, kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử.
Hồng Liên