Xung quanh việc xử lý trách nhiệm và bồi thường thiệt hại trong vụ
bé trai 12 tuổi bị voi dẫm chết ở tỉnh Đăk Nông mới đây, các luật sư đang có nhiều quan điểm trái chiều nhau. Trước đó,
Kiến Thức đã đăng bài nói về
ý kiến ban đầu của các luật sư về việc chủ sở hữu con voi phải chịu trách nhiệm và bồi thường như thế nào. Tuy nhiên, vụ việc này không đơn giản bởi cả 2 phía đều có lỗi.
Kiến Thức xin đăng tải bài phân tích sâu hơn của Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng luật sư Interla, Đoàn Luật sư TP Hà Nội về vụ việc này.
Nói về trách nhiệm của các bên trong tai nạn bé trai 12 tuổi bị voi dẫm chết này, Luật sư Trương Quốc Hòe phân tích, như báo chí đưa tin, có thể thấy, đoàn xiếc để con vật nguy hiểm mà không có người canh chừng, quản lý, cũng không có ai cảnh báo cho các cháu bé khi các cháu chạy đến gần con vật. Tuy trên chiếc thành xe nhốt chú voi có ghi lời cảnh báo “xa voi 10m” nhưng đoàn xiếc đã quá chủ quan khi đậu chiếc xe ở chỗ khuất, khó quan sát mà cũng không làm thêm biển cảnh báo nguy hiểm. Khi sự việc xảy ra, người của đoàn xiếc cũng không có ai ở đó để can thiệp, dẫn tới sự việc đáng tiếc đã xảy ra.
|
Biển cảnh báo "xa voi 10m" chỉ được ghi ở thùng xe. |
Về phần cháu Luật, cháu mới chỉ 12 tuổi, năng lực hành vi dân sự còn chưa đầy đủ. Hơn nữa, cháu bé cũng còn quá nhỏ để có thể nhận thức được sự nguy hiểm khi đùa nghịch bên cạnh chú voi.
Căn cứ vào các tình tiết nêu trên chúng tôi phân tích và đưa ra một số quan điểm về việc xác định cá nhân phải chịu trách nhiệm; hình phạt đối với chủ sở hữu, và mức bồi thường thiệt hại trong vụ việc này như sau:
Thứ nhất, về việc xác định cá nhân phải chịu trách nhiệm trong vụ việc con voi quật chết bé trai.
Để xảy ra sự việc con voi đoàn xiếc dẫm chết bé trai 12 tuổi trên, nguyên nhân ban đầu là do bé trai trêu đùa con voi trong lúc nó đang ăn chuối khiến con voi tức giận. Như vậy, trong trường hợp này, lỗi thuộc về cả bé trai và đoàn xiếc hài kịch Bình Minh (người quản lý trực tiếp con voi), tuy nhiên, mức độ lỗi của mỗi đối tượng là khác nhau.
“Trước tiên, tôi xin đưa ra phân tích về việc xác định lỗi của bé trai như sau: Bé trai vào thời điểm bị voi quật chết được xác định là 12 tuổi, pháp luật có quy định về mức độ chịu trách nhiệm hành vi dân sự theo độ tuổi là khác nhau. Việc xác định năng lực hành vi dân sự của cá nhân theo độ tuổi được quy định cụ thể tại Điều 18 và khoản 1 Điều 20 Bộ luật dân sự", Luật sư Hòe cho biết.
Theo phân tích của Luật sư Hòe, quy định pháp luật trên cho thấy, bé trai được xác định là người chưa thành niên, người chưa thành niên không chỉ có sự hạn chế về việc xác lập, thực hiện giao dịch mà còn có sự hạn chế trong nhận thức.
Như vậy, khi bé trai trêu đùa con voi trong lúc con voi đang ăn thì bé hoàn toàn không thể nhận thức được nguồn nguy hiểm có thể gây ra từ hành vi của mình. Bởi lẽ, đa phần trẻ em khi nhìn thấy con vật lạ đều có mong muốn được đến gần để khám phá, tìm hiểu.... Do vậy, trong trường hợp này, rất khó để xác định lỗi của em bé, vì khả năng nhận thức của bé còn rất hạn chế và không thể biết trước được hậu quả hành vi của mình có thể gây ra như thế nào.
Tiếp đến, việc xác định lỗi của chủ quản lý, sở hữu con voi. Mặc dù là trên thùng xe chở voi có cảnh báo “xa voi 10m”, tuy nhiên, chỗ cột con voi (gốc cây) lại không có bất kì rào chắn hay biển cảnh báo nào về nguồn nguy hiểm có thể gây ra từ con voi này. Đồng thời, sau khi chuyển con voi từ thùng xe ra gốc cây thì đoàn chở voi “để voi bên cạnh trước cổng UBND xã, còn các thành viên ra phía sau trụ sở ăn cơm” mà không phân công ai ở lại để trông nom, giám sát con voi, nên khi con voi có hành vi quật bé trai lên thùng xe và dùng chân dẫm đạp thì không có ai can thiệp kịp thời, nên dẫn đến hậu quả là bé trai bị chết. Phân tích hành vi và hậu quả này cho thấy, trong trường hợp này lỗi thuộc vấn đề chủ quan, đoàn xiếc quản lý voi đã quá lơ là, mất cảnh giác, chủ quan đối với con voi (đến khi sự việc xảy ra, ban quản lý vẫn nhận định con voi vốn tính hiền lành, thân thiện) nên dẫn đến hậu quả không ai mong muốn là “bé trai bị chết”.
Từ những phân tích trên đây cho thấy, mặc dù là lỗi vô ý nhưng ban quản lý con voi hoàn toàn có thể nhận thức được mức nguy hiểm mà con voi này có thể gây ra cho những người xung quanh, nhưng cả đoàn lại không cử ai ở lại giám sát và trông con voi nên khi có hậu quả xảy ra không có ai can thiệp kịp thời để ngăn chặn hậu quả. Do vậy, trong trường hợp này, ban quản lý và chủ sở hữu con voi phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho cháu bé.
Thứ hai, về hình phạt đối với chủ sở hữu con voi.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 625 Bộ luật dân sự thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại của ban quản lý con voi được quy định như sau:
“Điều 625. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra
1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường.”
Như vậy, ban quản lý con voi phải có trách nhiệm bồi thường thiệt cho gia đình em bé, bồi thường không chỉ về vật chất mà còn bao gồm cả về tinh thần cho gia đình em bé.
Thứ ba, mức bồi thường thiệt hại mà ban quản lý con voi phải bồi thường cho gia đình em bé.
Mức bồi thường thiệt hại cụ thể được quy định tại Điều 610 Bộ luật dân sự 2005 và Mục 2, phần II Nghị Quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài Hợp đồng thì mức bồi thường do xâm phạm tính mạng: “Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định”. Như vậy, đoàn xiếc cũng như người huấn luyện, quản lý trực tiếp của chú voi Buk có thể thỏa thuận với gia đình cháu bé về mức bồi thường. Nếu không thỏa thuận được thì đoàn xiếc phải bồi thường cho gia đình cháu bé tối đa là 60 tháng lương tối thiểu là 70 triệu đồng.
Minh Hiếu