Đặc xá là gì? Đối tượng nào được đặc xá năm 2015?

Google News

(Kiến Thức) - Theo Quyết định số 1366/2015/QĐ-CTN ngày 10/7/2015 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2015, đối tượng được đặc xá là những người bị kết án phạt tù có thời hạn.

Đặc xá là gì? Đặc xá vào những dịp nào?
Luật Đặc xá là một đạo luật được Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khoá XII thông qua tại kỳ họp thứ 2 diễn ra vào ngày 21/11/2007. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2008. Sau khi Quốc hội thông qua, Chủ tịch nước Việt Nam đã Công bố Lệnh thông qua Luật này.
Luật Đặc xá bao gồm 6 chương, 36 điều quy định về thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá, người được đặc xá.
Theo đó đã nêu rõ đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước Việt Nam hoặc trong trường hợp đặc biệt.
Mục đích của việc đặc xá
Đặc xá phải góp phần tích cực vào việc giáo dục, cải tạo người phạm tội, đấu tranh, phòng và chống tội phạm, bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội; khắc phục những hậu quả do hành vi phạm tội gây ra và được nhân dân đồng tình, ủng hộ; phục vụ những nhiệm vụ đối ngoại của Nhà nước trong quá trình hội nhập và phát triển.
Đặc xá góp phần tích cực vào việc giáo dục, cải tạo người phạm tội, đấu tranh, phòng và chống tội phạm, bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội; 
Ai? Cơ quan có quyền ban hành quyết định đặc xá?
Theo quy định tại Điều 103 của Hiến pháp Việt Nam năm 1992 Chủ tịch nước là người được trao quyền quyết định đặc xá. Và để giúp việc cho Chủ tịch nước trong vấn đề này có Hội đồng Tư vấn Đặc xá Trung ương. Hội đồng này do Phó thủ tướng thường trực làm Chủ tịch và các thành viên là lãnh đạo của Toà án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Văn phòng Trung ương đảng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... trong đó Bộ Công an là Cơ quan Thường trực của Hội đồng.
Đối tượng được đặc xá và điều kiện được đề nghị đặc xá
Theo Quyết định số 1366/2015/QĐ-CTN ngày 10/7/2015 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2015, đối tượng được đặc xá là những người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.
Người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn (phạm nhân) được đề nghị đặc xá phải có đủ các điều kiện sau đây:
1- Chấp hành tốt Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; tích cực học tập, lao động; trong quá trình chấp hành án phạt tù được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên; khi được đặc xá không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
2- Đã chấp hành án phạt tù ít nhất là 1/3 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn; ít nhất là 14 năm đối với hình phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn.
3- Phạm nhân phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, tiền truy thu, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác, trừ những phạm nhân không bị kết án tù về các tội phạm về tham nhũng đã 70 tuổi trở lên hoặc từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên ốm đau hoặc người đang mắc bệnh hiểm nghèo mà bản thân người đó và gia đình không còn khả năng thực hiện.
Người bị kết án phạt tù có thời hạn đã chấp hành ít nhất là 1/4 thời gian và người bị kết án phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đã chấp hành ít nhất là 12 năm, nếu có đủ các điều kiện khác quy định tại điều kiện 1, 3 nêu trên thì được xét, đề nghị đặc xá khi thuộc một trong các trường hợp:
Đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù; là thương binh; bệnh binh; người có thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội được tặng thưởng một trong các danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, Nghệ sỹ nhân dân, Dũng sỹ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; được tặng thưởng một trong các loại Huân chương hoặc được tặng thưởng Huy chương kháng chiến
Có một trong những thân nhân sau đây là liệt sỹ: Bố đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con đẻ, anh, chị, em ruột hoặc bố nuôi, mẹ nuôi, con nuôi hợp pháp; là con đẻ, con nuôi hợp pháp của "Bà mẹ Việt Nam anh hùng"; khi phạm tội là người chưa thành niên; là người từ 70 tuổi trở lên...
Các trường hợp không đề nghị đặc xá
Người có đủ điều kiện quy định nêu trên không được đề nghị đặc xá nếu thuộc một trong các trường hợp: Bản án hoặc quyết định của Toà án đối với người đó đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác; trước đó đã được đặc xá; có từ hai tiền án trở lên; phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia;...
Theo kế hoạch, từ ngày 24/7/2015 đến ngày 07/8/2015, các Tổ thẩm định liên ngành đến trực tiếp các đơn vị, địa phương để kiểm tra, thẩm định hồ sơ, danh sách đề nghị xét đặc xá.
Đến cuối tháng 8, Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá sẽ tổng hợp, hoàn chỉnh danh sách đặc xá trình Chủ tịch nước quyết định.
Tiếp đó, sẽ tổ chức họp báo công bố Quyết định của Chủ tịch nước đặc xá tha tù trước thời hạn và tổ chức tha người được đặc xá theo Quyết định của Chủ tịch nước từ ngày 28 đến 31/8/2015.
Những nguyên tắc khi thực hiện đặc xá
Có 3 nguyên tắc khi thực hiện đặc xá gồm: tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch; bảo đảm yêu cầu về đối nội, đối ngoại, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Hồng Liên (Tổng hợp)