Đó là quan điểm của PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí trước đề xuất xử lý hình sự người tham gia giao thông uống rượu, bia của Tổng cục Đường bộ. Tuy nhiên, theo ông Chí, để việc hình sự hóa hành vi này hiệu quả thì nên có nhiều cách làm thông minh, đa dạng chứ không thể chỉ là phạt tù.
Đủ cơ sở để hình sự hóa
Thưa ông, để hình sự hóa một hành vi nào đó cần phải dựa trên những tiêu chí nào?
Có hai tiêu chí quan trọng nhằm xác định xem một hành vi nào đó có cần đưa vào Bộ luật Hình sự không để xử lý bằng hình phạt. Thứ nhất, hành vi đó có nguy hiểm cho xã hội không? Nguy hiểm ở mức độ nào và đã cần phải xử lý bằng chế tài hình sự? Đây là tiêu chí quan trọng nhất.
Căn cứ thứ hai là hành vi đó phải có khả năng chứng minh được về mặt tố tụng, tức là cơ quan tiến hành tố tụng có thể thu thập được chứng cứ phạm tội thông qua quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Nếu không có khả năng thu thập chứng cứ thì không thể chứng minh được tội phạm và kết tội đối với người có hành vi đó được.
Việc Tổng cục Đường bộ đề xuất xử lý hình sự những người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia liệu có thỏa mãn những tiêu chí mà ông vừa nói?
Tôi cho rằng, hành vi sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông đã đáp ứng đủ hai tiêu chí quan trọng nêu trên. Tuy nhiên, để đề xuất đó được thông qua thì cơ quan hữu quan cần phải đưa ra được các con số thống kê về tỷ lệ số vụ tai nạn giao thông do rượu, bia trên tổng số vi phạm giao thông đã xảy ra, trong số đó có bao nhiêu phần trăm vụ tai nạn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như làm bị thương hoặc chết người. Tức là số liệu đó phải thuyết phục, chẳng hạn 50% vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia và trong số đó có khoảng 80% số vụ gây thiệt hại nghiêm trọng. Còn việc chứng minh đó là hành vi phạm tội hoàn toàn dễ thực hiện, thông qua việc đo nồng độ cồn người tham gia giao thông. Tôi hoàn toàn ủng hộ và tôi tin rất nhiều người cũng đồng tình với đề xuất này.
|
PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Không sợ chết vì chế tài chưa nghiêm
Trên thực tế, Bộ luật Hình sự đã quy định mức xử phạt cho hành vi điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu bia. Rồi các đợt triển lãm, tuyên truyền không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông với những hình ảnh về các vụ tai nạn dường như vẫn chưa đủ sức răn đe, chưa khiến người dân phải sợ?
Đúng là có chuyện người dân nhờn luật vì chúng ta quen với “văn hóa rượu, bia” rồi, đến nỗi Việt Nam luôn nằm trong top những nước sử dụng bia lớn nhất thế giới. Nhiều người cứ thản nhiên bước ra từ quán nhậu rồi leo lên xe đi, dù biết nếu bị cảnh sát giao thông bắt thì sẽ bị xử phạt nặng. Cái đó không hẳn người ta không sợ chết, mà vì chế tài của chúng ta chưa đủ nghiêm để răn đe, cảnh tỉnh họ.
Lại vẫn là câu chuyện về chế tài, tức là đổ cho yếu tố khách quan chứ không phải yếu tố chủ quan của tự thân mỗi người phải có ý thức tuân thủ pháp luật!
Đúng thế! Trong một xã hội mà chưa có được ý thức chấp hành pháp luật ở người dân, nói rộng ra là văn hóa pháp lý chưa cao thì chế tài thực sự có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục, điều chỉnh, định hướng hành vi để hình thành thói quen chấp hành pháp luật. Bây giờ, người ta có thể bị phạt hành chính vì vi phạm giao thông ở mức 20, 50, thậm chí là 100 triệu đồng nhưng về cơ quan vẫn là chiến sĩ thi đua thì có gì mà người ta phải sợ. Vì vậy, chỉ có chế tài hình sự mới có thể khắc phục được hạn chế này đối với hành vi sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông.
Việc xây dựng văn hóa pháp lý phải trên cơ sở nào, thưa ông?
Có nhiều yếu tố để xây dựng văn hóa này. Không thể chỉ kêu gọi người dân nếu như không có môi trường để xây dựng văn hóa đó. Do vậy, trước hết cần phải tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật tới người dân. Thứ hai, chế tài phải đủ mạnh. Thứ ba, phải có yếu tố làm gương của những người làm công tác điều hành, quản lý xã hội. Bởi bây giờ nhiều khi vi phạm luật rồi, người ta dễ có tâm lý so bì rằng tại sao người này, người kia phạm luật mà mình thì không? Người ta cũng phạm luật đấy nhưng có bị sao đâu? Cái tâm lý đó không hề khó gặp. Thêm nữa, pháp luật quy định nếu như anh làm sai thì phải bị xử lý, còn người khác làm sai mà không bị xử lý thì anh có quyền tố cáo. Đằng này nhiều người lại không chọn giải pháp tố cáo mà vẫn tiếp tục vi phạm.
Việc người dân có tâm lý so bì trong thực thi pháp luật và không thực hiện quyền lợi, trách nhiệm của mình như thế nói lên điều gì?
Nó cho thấy đó là một xã hội chưa có pháp quyền nên không thể đòi thượng tôn pháp luật được.
Theo ông thì chúng ta đã có cơ sở để xây dựng văn hóa pháp luật chưa?
Tôi cho rằng cơ sở thì chúng ta có tương đối đầy đủ rồi. Thế nhưng từ cơ sở đó để biến thành văn hóa pháp lý của mỗi người và của cả xã hội là một quá trình lâu dài và đang được xây dựng.
Cần có cách hành xử thông minh
Chính vì trình độ văn hóa pháp lý còn thấp nên có những thói quen thật khó bỏ, như việc tham gia giao thông có sử dụng rượu bia, thưa ông?
Tất nhiên là khó nhưng không có nghĩa là không làm được.
Người ta sẽ nghi ngại rằng nếu hình sự hóa hành vi này thì có lẽ nhà tạm giam sẽ không đủ để chứa người vi phạm?
Đúng vậy, với điều kiện chúng ta cứ áp dụng máy móc hình sự hóa là phải phạt tù. Do đó, tôi cho rằng cần phải có những cách làm thông minh, đa dạng trong việc xử lý hình sự người vi phạm.
Đâu sẽ là cách hành xử thông minh, thưa ông?
Chúng ta có thể quy định phạt tiền thật nặng hoặc cải tạo không giam giữ, bắt lao động công ích đối với những người vi phạm. Tức là dùng những hình phạt không tước tự do thay cho hình phạt tù miễn là họ bị áp dụng chế tài nghiêm khắc nhất của pháp luật.
Ông có tin nếu hình sự hóa thì sẽ hạn chế được người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia?
Chắc chắn nó sẽ khả thi, sẽ làm người ta phải sợ. Nhưng trước hết thì chính những người có trách nhiệm vẫn phải phát huy vai trò làm gương đã.
Trân trọng cảm ơn ông!
Trong văn bản gửi Bộ GTVT góp ý việc sửa đổi Bộ luật Hình sự, Tổng cục Đường bộ đã kiến nghị áp dụng Khoản 4, Điều 202 Bộ luật Hình sự để xử lý lái xe uống rượu, bia quá mức.
Theo đó, đối với hành vi lái xe mà nồng độ cồn trong máu vượt quá 100mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở sẽ áp dụng tội“vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.
Hiện, Bộ luật Hình sự chỉ mới quy định truy cứu trách nhiệm hình sự và phạt tù từ 3 - 10 năm với lái xe khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác.
Vũ Thủy (Thực hiện)