Những tội danh được chuyển hình thức thụ án từ tù sang tiền

Google News

(Kiến Thức) - Từ 1/7/2016 tới, khi Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành thì hàng loạt tội danh được chuyển hình thức thụ án từ tù sang tiền.

Theo dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), hình phạt chính là tiền sẽ được mở rộng cho các tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng (đối với nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường). Tuy nhiên, nếu trong vòng sáu tháng, người phạm tội không đóng phạt, thì hình phạt tiền sẽ được chuyển thành hình phạt tù...
Mặc dù việc chuyển đổi hình phạt tù sang tiền còn gây nhiều tranh cãi nhưng từ 1/7/2016 tới, khi Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành thì hàng loạt tội danh được chuyển hình thức thụ án từ tù sang tiền.
Nhung toi danh duoc chuyen hinh thuc thu an tu tu sang tien
 Ảnh minh họa - Nguồn Internet.
1. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
Về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh  theo Khoản 1 Điều 135: hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó sẽ phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội theo Khoản 1 Điều 136: hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội sẽ phạt tiền từ 5 – 20 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
2. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
Theo Khoản 1 Điều 138, hành vi vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% sẽ phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5 – 20 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
3. Tội làm nhục người khác
Theo Khoản 1 Điều 155, với hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác sẽ phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 – 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
4. Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới
Theo Khoản 1 Điều 165, vì lý do giới mà thực hiện hành vi dưới bất kỳ hình thức nào cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm sẽ phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
5. Tội tổ chức tảo hôn
Theo Điều 183, tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm sẽ phạt tiền từ 10 – 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm.
6. Tội quảng cáo gian dối
Theo Khoản 1 Điều 197, hành vi quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
7. Tội lập quỹ trái phép
Theo Khoản 1 Điều 205, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn lập quỹ trái quy định của pháp luật và đã sử dụng quỹ đó gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm sẽ phạt tiền từ 50 – 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
8. Tội cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ
Theo Khoản 1 Điều 231, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái những quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ gây thiệt hại hoặc thất thoát tiền, hàng cứu trợ từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng sẽ phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm.
9. Tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông
Theo Khoản 1 Điều 281, đối tượng có trách nhiệm trong việc duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không mà có một trong các hành vi sau đây, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%:
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về duy tu, bảo dưỡng, quản lý để công trình giao thông không bảo đảm trạng thái an toàn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông.
- Không khắc phục kịp thời đối với các công trình giao thông bị hư hỏng, đe dọa an toàn giao thông.
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các biện pháp hướng dẫn, điều khiển giao thông, đặt biển hiệu, cọc tiêu, rào chắn ngăn ngừa tai nạn khi công trình giao thông đã bị hư hại chưa kịp hoặc đang tiến hành duy tu, sửa chữa.
- Không thường xuyên kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trên đoạn đường đèo dốc nguy hiểm, đoạn đường có đá lở, đất sụt, nước ngập hoặc trên các đoạn đường có nguy cơ không bảo đảm an toàn giao thông.
- Không có biện pháp xử lý kịp thời và biện pháp ngăn ngừa tai nạn khi phát hiện hoặc được tin báo công trình giao thông thuộc thẩm quyền quản lý của mình bị hư hỏng.
- Không đặt hoặc đặt không đủ các tín hiệu phòng vệ theo quy định thi công, sửa chữa công trình giao thông.
- Không thu dọn, thanh thải các biển phòng vệ, rào chắn, phương tiện, các vật liệu khi thi công xong.
- Vi phạm khác về duy tu, bảo dưỡng, quản lý công trình giao thông.
Phạt tiền từ 30 – 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
>>>Xem thêm video: Phạt tù người dùng chất cấm cho heo - Nguồn VTC 16
Hồng Liên