Liên quan đến bức ảnh và thông tin về “khe nứt” gần 1m gây tin đồn sập cầu Phú Mỹ làm hoang mang dư luận những ngày vừa qua, PV báo Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Luật sư Chu Văn Tiến – Công ty Luật TNHH An Nam - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
- Luật sư nhận định như thế nào về vụ việc này?
- Sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội đã giúp con người dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu, trao đổi, chia sẻ thông tin. Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin đúng, hữu ích thì trên mạng xã hội còn rất nhiều những thông tin sai lệch, những tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, vi phạm pháp luật của Nhà nước và gây hoang mang dư luận xã hội.
Thời gian vừa qua, một số vụ sập cầu, sập giàn giáo, công trình công cộng đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại cả về người và tài sản khiến dân chúng không khỏi hoang mang, lo sợ cho tính mạng, tài sản của mình khi phải di chuyển qua những cây cầu hàng ngày.
Gần đây nhất là vụ sập cầu treo Chu Va 6 ở Lai Châu khiến 8 người tử vong, và hàng chục người bị thương nặng, hay vụ sập giàn giáo Formosa ở Vũng Áng Hà Tĩnh khiến 13 người chết, 28 người bị thương. Việc “nghi ngờ” về chất lượng những công trình công cộng liên quan đến cuộc sống hàng ngày của người dân như việc nứt cầu Phú Mỹ cũng là điều dễ hiểu.
|
Đoạn nối giữa phần dây văng và đường dẫn cầu Phú Mỹ bị hở khiến người khiến người dân lo lắng. |
Theo quan điểm của tôi, sự việc “khe nứt” gần 1m gây tin đồn sập cầu Phú Mỹ chỉ là nhận định mang tính chủ quan của người chụp ảnh, đưa thông tin lên mạng. Sở Giao thông Vận tải TP HCM cũng đã vào cuộc, điều tra xác minh thông tin và khẳng định, vết nứt “nghiêm trọng” mà người dân phản ánh không phải sự cố, cũng như không ảnh hưởng đến kết cấu của cầu bởi đó là quy chuẩn trong thiết kế. Kết luận trên được đưa ra đã trấn an tinh thần của người dân, đồng thời dập tắt tin đồn thất thiệt.
- Nếu khe hở này nằm trong tiêu chuẩn kĩ thuật cho phép thì người tung tin đồn gây hoang mang dư luận có vướng gì về pháp lý hay không, thưa luật sư? Nếu có thì sẽ bị xử lý như thế nào?
- Trong vụ việc này, nếu người dân khi không hiểu được về kết cấu công trình, kỹ thuật của cầu Phú Mỹ, lại trông thấy cầu có một khe nứt dài gần 1m rồi chụp ảnh lại đăng lên Facebook chỉ vì lo lắng, rồi “lên tiếng” với mục đích “cần lời giải thích” từ cơ quan quản lý, xây dựng công trình thì người này có thể sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự vì thực sự họ “không có lỗi” nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự được.
|
Khoảng hở này dài gần 1m, mặt trên được che bằng tấm sắt dày. |
Tuy nhiên, nếu họ biết về thiết kế công trình kỹ thuật này, cố ý chụp ảnh, tạo “làn sóng dư luận”, gây tâm lý hoang mang cho người dân, xuất phát từ mục đích “giật tít”, câu view, câu like thì người này có thể phải chịu trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm hành chính hoặc nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự. Ngoài ra nếu xảy ra thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:
Về trách nhiệm hành chính, hành vi Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Ngoài ra, hành vi này còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm.
Về trách nhiệm hình sự, người có hành vi này có thể sẽ phải chịu mức phạt cao nhất lên đến 7 năm tù theo Điều 226 Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet Bộ luật hình sự. Ngoài ra còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 mươi triệu đồng đến 200 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến năm năm.
Điều 226 Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet Bộ luật hình sự:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của Bộ luật này;
b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;
c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet;
c) Thu lợi bất chính từ một trăm triệu đồng trở lên;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Mức phạt cao nhất lên đến bảy năm tù. Người nào có hành vi này còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến năm năm.
Đối với những đối tượng đưa ra thông tin sai sự thật này, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính (theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện) hoặc nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự (theo quy định BLHS).
Hồng Liên