Xe khách đâm núi, 48 người thương vong: Ai phải bồi thường?

Google News

(Kiến Thức) - Vụ tai nạn xe khách đâm vào vách núi khiến 48 người thương vong tại Lâm Đồng vừa qua, ai phải chịu trách nhiệm bồi thường, bồi thường ra sao?

Vụ tai nạn xe khách mất thắng đâm vào vách núi khiến tài xế và 2 hành khách tử nạn tại chỗ, hơn 40 người bị thương xảy ra tại Lâm Đồng hôm 5/8 vừa qua khiến người dân không khỏi bàng hoàng, xót xa.
Đây chỉ là một trong số ít những vụ tai nạn thảm khốc, thiệt hại nặng nề về người và của trong thời gian qua. Vậy ai là người phải chịu trách nhiệm bồi thường cho gia đình những nạn nhân?
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Quân, Công ty CP Luật Lincon & Brothers, Đoàn luật sư TP Hà Nội, trong vụ tai nạn trên, tài xế của xe đã tử vong. Nguyên nhân tai nạn là do xe mất thắng (hay mất phanh). Mất phanh là do 2 nguyên nhân chính. Một là lỗi kỹ thuật của xe (nổ lốp, một chi tiết nào đó trong hệ thống lái hoặc các bộ phận liên quan bị hỏng hóc, kẹt cứng, hệ thống bánh xe chưa được cân chỉnh chính xác...). Hai là lỗi điều khiển xe của người lái (không làm chủ tốc độ, không làm chủ được chân ga, chân phanh, vào cua ở tốc độ cao, đi trên những đoạn đường trơn trượt...).
Hình ảnh vụ xe khách mất phanh, đâm vào vách núi khiến 48 người thương vong ở Lâm Đồng hôm 5/8. 
“Hiện nguyên nhân xe vì sao mất lái (do lỗi kỹ thuật của xe hay do tài xế) thì báo chí chưa công bố. Tuy nhiên, về nguyên tắc trách nhiệm dân sự, chủ xe cơ giới (mà ở đây là nhà xe) phải chịu trách nhiệm với những người bị nạn. Nếu chủ phương tiện đó có mua bảo hiểm thì bảo hiểm có liên đới chịu trách nhiệm về bồi thường và trách nhiệm dân sự… Tài xế có tử vong hay còn sống thì cũng không làm thay đổi nguyên tắc về trách nhiệm dân sự đó”, luật sư Quân nói.
Phân tích cụ thể hơn, ông Quân cho biết, theo quy định của pháp luật dân sự về bồi thường thiệt hại, nếu chủ sở hữu ô tô giao cho lái xe chiếm hữu, sử dụng, thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại này không phụ thuộc vào việc chủ xe có mặt trên chuyến xe đó hay không mà dựa vào việc ai là người đang chiếm hữu, sử dụng chiếc xe đó.
Trong trường hợp vụ tai nạn trên, nếu lái xe là người được thuê và được trả tiền công thì lái xe này không phải là người chiếm hữu, sử dụng chiếc xe, mà chủ xe mới là người chiếm hữu, sử dụng, do vậy chủ xe (nhà xe) phải là người bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn theo quy định tại điểm đ khoản 1 mục III Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao. Trách nhiệm của chủ xe chỉ được loại trừ trong trường hợp thiệt hại xảy ra do lỗi cố ý của người bị nạn hoặc thiệt hại xảy ra thuộc trường hợp bất khả kháng hay tình thế cấp thiết (quy định tại Khoản 3 Điều 623 Bộ luật dân sự 2005).
Trường hợp xác định được lỗi thuộc về người lái xe khi điều khiển ô tô thì căn cứ vào biên bản khám nghiệm hiện trường của cơ quan CSGT, kết luận của cơ quan CSĐT, lời khai của nhân chứng, kết quả giám định pháp y để xác định xem người điều khiển xe ô tô có thể bị khởi tố theo quy định tại Điều 202 bộ luật hình sự năm 1999 hay không. Nếu người lái xe vi phạm và bị khởi tố, chủ phương tiện vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân.
Thời gian qua, liên tiếp những vụ tai nạn ô tô thảm khốc do xe mất phanh gây ra. Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, hiện tượng mất phanh và mất lái là 2 trong số những sự cố kỹ thuật nguy hiểm nhất khi xe tham gia giao thông. Để phòng tránh và xử lý tình huống trên, chủ xe phải đảm bảo chế độ chăm sóc, sửa chữa, bảo dưỡng xe định kỳ, người lái xe phải luôn học hỏi, nâng cao kỹ năng xử lý những tình huống khẩn cấp.
Trong trường hợp mất phanh, nếu tài xế thực hiện đủ các bước sau thì cơ hội sống của họ và hành khách sẽ cao hơn nhiều. Thứ nhất, phải giữ bình tĩnh, thứ 2 nhả chân ga, cảm nhận chân phanh. Tiếp đó, đạp phanh liên tục, trả về số thấp, dùng phanh tay, giữ tầm quan sát. Sau đó, tài xế có thể đánh võng nếu có thể, và luôn nhớ phải báo hiệu cho các xe khác để họ tìm cách tránh. Cuối cùng, tài xế có thể dùng vật cản để giảm tốc, chọn những điểm an toàn như bụi cây, vũng lầy để có thể cho xe đâm vào đó.
Minh Hiếu