Như đã đưa tin, khoảng 17h30 ngày 13/7, ô tô 7 chỗ BKS 43X – 2047 do Đinh Thế Hiệp (38 tuổi, trú Quảng Bình) điều khiển khi lưu thông qua cầu Thuận Phước (TP Đà Nẵng), đến đoạn dốc gần hết cầu thuộc địa phận quận Hải Châu thì đâm liên hoàn xe gắn máy BKS 43E1 – 077.19 do ông Đinh Quốc Tráng điều khiển chở theo vợ Trần Thị Thái (54 tuổi, ngụ P.Xuân Hà, Q.Thanh Khê) và xe máy BKS 43K5 – 2498 do chị Lê Thị Vân Khánh (34 tuổi, ngụ đường Lê Tấn Trung, P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà) chở theo hai con nhỏ Trần Trọng Minh (8 tuổi) và Trần Thị Khánh Linh (6 tuổi).
Cú va chạm khiến bà Thái và chị Khánh, cháu Minh bị hất văng qua lan can cầu Thuận Phước và rơi từ độ cao khoảng 30 mét xuống đường gom dẫn lên cầu. Bà Thái và chị Khánh chết tại chỗ, bé Minh bị thương nặng sau khi rơi trúng bãi cỏ, được người dân kịp thời đưa đi cấp cứu.
Phía trên cầu Thuận Phước, nạn nhân Trần Thị Khánh Linh (6 tuổi) bị thương cũng được đưa đi cấp cứu. Ông Tráng (chồng bà Thái) bị tông và đập vào lan can, tử vong tại chỗ.
|
Hiện trường vụ tai nạn. |
Qua kiểm tra, thời điểm gây ra vụ tai nạn kinh hoàng trên cầu Thuận Phước, nồng độ cồn trong máu của tài xế Hiệp vượt mức cho phép. Đại tá Trần Phước Hương, Trưởng Công an quận Hải Châu, TP Đà Nẵng cho hay khi lưu thông đến đoạn xảy ra tai nạn, tài xế Hiệp đạp thắng nhưng nhầm sang chân ga dẫn đến tai nạn thảm khốc kể trên.
Một số nhân chứng cho biết, vào thời điểm xảy ra tai nạn, họ thấy một ôtô 16 chỗ (chưa rõ biển số) lưu thông cùng chiều phía sau tông vào xe 7 chỗ do ông Hiệp điều khiển. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, tài xế xe ô tô 16 chỗ đã nhanh chóng điều khiển xe rời khỏi hiện trường. Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng đang truy tìm người điều khiển ôtô này.
Liên quan đến vụ tai nạn, PV báo Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Luật sư Chu Văn Tiến – Công ty Luật TNHH An Nam thuộc Đoàn Luật Sư thành phố Hà Nội và đồng nghiệp để làm rõ trách nhiệm và hình phạt dành cho tài xế lái xe 7 chỗ nêu trên.
Luật sư nhận định như thế nào về vụ tai nạn kinh hoàng trên cầu Thuận Phước?
Vấn đề về tai nạn giao thông ở nước ta chưa bao giờ “hết nóng”, nhất là trong những năm gần đây, số vụ giao thông đường bộ không ngừng tăng cả về quy mô và số lượng. Đặc biệt là giao thông đường bộ, nó được ví như một quả bóng, dẹp ở bên này thì lại phùng ra ở bên kia.
Nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn thì có rất nhiều, tuy nhiên việc lái xe uống bia, rượu có thể được xem là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nhất hiện nay. Bởi nồng độ cồn quá mức cho phép ngoài việc ảnh hưởng đến khả năng điều khiển phương tiện, còn có ảnh hưởng đến khả năng kiềm chế, xử lý tình huống khi tham gia giao thông và thường dẫn tới vi phạm về tốc độ. Trong khi việc xử phạt hành vi này vẫn chưa cao, do đó xảy ra tình trạng “không sợ luật”, “chủ quan, cố tình” vi phạm.
Theo ông Trần Phước Hương, Trưởng công an quận Hải Châu, vào thời điểm gây ra tai nạn, nồng độ cồn trong máu của tài xế Hiệp vượt mức cho phép, trong trường hợp này, tài xế lái xe Hiệp phải chịu hình phạt gì thưa ông?
Việc điều khiển phương tiện giao thông mà sử dụng rượu bia là vi phạm quy định pháp luật. Theo Quy định tại khoản 8 Điều 8 Luật giao thông đường bộ về các điều cấm: “8. Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.” Như vậy, với thông tin của Trưởng công an quận Hải Châu thì hành vi của tài xế Hiệp có thể phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự (bồi thường thiệt hại) theo quy định pháp luật.
Về trách nhiệm hình sự, việc tài xế Hiệp điều khiển phương tiện giao thông gây thiệt hại tính mạng sức khỏe phải chịu trách nhiệm hình sự khung hình phạt cao nhất có thể lên đến 10 năm năm tù. Ngoài ra, còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến 5 năm.
Về trách nhiệm dân sự: Với việc lái xe trong tình trạng có hơi men, gây hậu quả thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản, thì tài xế Hiệp bên cạnh việc phải chịu trách nhiệm hình sự, sẽ phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân. Việc bồi thường được thực hiện theo quy định tại Điều 609 Bộ luật dân sự.
Một số nhân chứng cho biết, thời điểm xảy ra tai nạn, xe của tài xế Hiệp bị một ô tô 16 chỗ khác tông mạnh từ phía sau. Do bất ngờ bị tông nên ô tô 7 chỗ mất lái nên đã tông liên tiếp vào 2 xe máy chạy ngược chiều. Đối với trường hợp này, tài xế Hiệp sẽ bị xử lý như thế nào thưa ông?
Với thông tin “thời điểm xảy ra tai nạn, xe của tài xế Hiệp bị một xe ô tô 16 chỗ khác tông mạnh từ phía sau. Do bất ngờ bị tông nên ô tô 7 chỗ mất lái nên đã tông liên tiếp vào 2 xe máy chạy ngược chiều”, nếu thông tin này là chính xác, thì cần xác định người điều khiển ô tô 16 chỗ trên là ai, căn cứ vào tình hình hôm đó, lỗi thuộc về ai, để xác định trách nhiệm của tài xế Hiệp.
Trường hợp, xác định được “hậu quả của tai nạn giao thông” này xảy ra không phải do lỗi của tài xế Hiệp, thì với các hậu quả xác định được có thể tài xế Hiệp chỉ phải chịu trách nhiệm hành chính theo khoản 7 hoặc khoản 8 Điều 5 quy định tại Nghị định 171/ 2013 và trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự theo quy định tại Điều 609 Bộ luật dân sự.
Xin cảm ơn ông!
Điều 202 Bộ luật hình sự quy định: “1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Điều 609 Bộ luật dân sự: “1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”
Khoản 7 hoặc khoản 8 Điều 5 quy định tại Nghị định 171/ 2013: Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ: “7. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
“…….b) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở;……
8. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;…….”. Vì vậy, người điều khiển phương tiện giao thông mà sử dụng rượu bia thì căn cứ vào nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở có thể phải chịu hình phạt tiền lên đến 15.000.000 đồng. Ngoài ra, người này còn có thể chịu hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong vòng 02 tháng (theo quy định tại khoản 11 Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP).
Hồng Liên