Cựu tù Hỏa Lò và ký ức Ngày Cách mạng Tháng Tám sục sôi

Google News

“Khí thế rầm rộ như thác vỡ bờ, chúng tôi vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm, Mặt trận Việt Minh muôn năm”, cảm xúc dâng trào chưa từng có”, Đảng viên lão thành Nguyễn Tiến Hà bồi hồi nhớ lại.

Lần đầu tiên được diễu hành, hô vang khẩu hiệu
Nhớ lại những ngày Cách mạng Tháng Tám sục sôi, ông Nguyễn Tiến Hà, Đảng viên lão thành như vẫn còn nguyên niềm xúc động.
Cuu tu Hoa Lo va ky uc Ngay Cach mang Thang Tam suc soi
Ông Nguyễn Tiến Hà kể về những ngày tháng tham gia Cách mạng Tháng Tám không thể nào quên. Ảnh: Mai Loan.
Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, ông Hà chia sẻ, tháng 8/1944, ông tham gia Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Cùng với các lực lượng cách mạng trong Mặt trận Việt Minh, Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu có nhiệm vụ tuyên truyền để chuẩn bị cho khởi nghĩa.
Đoàn được giao nhiệm vụ tuyên truyền trong nhân dân hiểu về tôn chỉ mục đích của Mặt trận Việt Minh, ủng hộ Việt Minh, kêu gọi lớp thanh niên đứng lên làm nòng cốt.
“Ngày 17/8 là một ngày thiêng liêng liêng với Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu”, ông Hà nhớ lại.
Cuu tu Hoa Lo va ky uc Ngay Cach mang Thang Tam suc soi-Hinh-2
 Tổng hội viên chức chính quyền bù nhìn tổ chức một cuộc mít tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn. Ảnh: Tư liệu.
Ông Hà kể, chiều 17/8, tại Quảng trường Nhà hát Lớn, Tổng hội viên chức của chính quyền bù nhìn tổ chức cuộc mít tinh hô hào nhân dân ủng hộ chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim. Tuy nhiên, đội viên Đoàn thanh niên xung phong– Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu đã giành được micro, chiếm diễn đàn để tuyên truyền cách mạng.
Một lá cờ đỏ sao vàng lớn phủ kín mặt trước lễ đài, quần chúng reo hò ủng hộ Mặt trận Việt Minh. Cuộc mít tinh dưới sự dẫn dắt của Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã chuyển sang biểu tình, tuần hành rầm rộ.
Cuu tu Hoa Lo va ky uc Ngay Cach mang Thang Tam suc soi-Hinh-3
 Cuộc mít tinh đã biến thành cuộc biểu tình, tuần hành. Ảnh; Tư liệu.
Đoàn đi qua nhiều tuyến phố, từ Nhà hát Lớn, qua các phố Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hàng Ngang, Hàng Đào, Cửa Bắc, vòng qua phủ Toàn quyền cũ của thực dân Pháp. Quân đội Nhật "án binh bất động".
“Từ khi tham gia cách mạng, chủ yếu chỉ hoạt động trốn tránh, lần đầu tiên trong đời tôi được cùng nhân dân tham gia một cuộc diễu hành công khai. Khí thế rầm rộ như thác vỡ bờ. Đi đến đâu hô khẩu hiệu đến đó: “Việt Nam độc lập muôn năm, Mặt trận Việt Minh muôn năm”, thu hút hàng ngàn người tham gia, thậm chí cả cảnh sát, cảnh binh …
Trước đây mình là một nước nô lệ, giờ được tự do hô vang như thế là chưa từng có, cảm xúc dâng trào vui sướng, khó có thể diễn tả hết bằng lời”, ông Tiến Hà bồi hồi nhớ lại.
Ông Hà cho biết, ngay tối hôm đó, Uỷ ban khởi nghĩa Hà Nội họp ở nhà bà Hai Nhã, ngoại thành HN. Dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết, Ủy ban đã quyết định lấy ngày 18/8 là ngày chuẩn bị, và ngày 19/8 sẽ khởi nghĩa.
Thực hiện đúng nghị quyết cuộc họp, ngày 18/8, mọi chuẩn bị cho khởi nghĩa sẵn sàng, không khí sửa soạn bao trùm Hà Nội.
Cuu tu Hoa Lo va ky uc Ngay Cach mang Thang Tam suc soi-Hinh-4
 Cuộc mít tinh tại quảng trường Nhà hát Lớn ngày 19/8/1945. Ảnh tư liệu.
Sáng sớm ngày 19/8, tại Hà Nội, hàng vạn nông dân, dân nghèo từ Láng, Mọc mang theo cờ cách mạng kéo ra chiếm đại lý Hoàn Long, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng khu vực ngoại thành Hà Nội.
Từ các tỉnh huyện lân cận như Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm, Bắc Ninh… cũng mang theo cờ Việt Minh, vũ khí thô sơ, gậy gộc, mã tấu, dao phát bờ, câu liêm… tiến vào nội thành, tập trung trước Nhà hát Lớn.
Nhưng tiếng hô khẩu hiệu: "Ủng hộ Việt Minh","Cách mạng thành công muôn năm", “Việt Nam hoàn toàn độc lập"... rung chuyển Hà Nội.
Cuu tu Hoa Lo va ky uc Ngay Cach mang Thang Tam suc soi-Hinh-5
 Ông Nguyễn Tiến Hà cho biết, ông nằm trong đoàn quân chiếm Bắc Bộ Phủ ngày 19/8. Ảnh: Mai Loan.
Đúng 11 giờ, trên Lễ đài ở ban công trước Nhà hát Lớn, Uỷ ban Khởi nghĩa đọc lời kêu gọi khởi nghĩa và giới thiệu Ủy ban cách mạng lâm thời của Hà Nội. Sau đó, cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình vũ trang giành các cơ quan đầu não của chính quyền bù nhìn.
Ông Nguyễn Tiến Hà cùng các đoàn người chia đi các ngả chiếm Bắc Bộ phủ, Tòa Đốc lý, Sở mật thám, Sở Bưu điện, Trại Bảo an binh…
Cuu tu Hoa Lo va ky uc Ngay Cach mang Thang Tam suc soi-Hinh-6
 Nhân dân Hà Nội khởi nghĩa chiếm Bắc Bộ Phủ. Ảnh: Tư liệu.
Tối 19/8/1945, cách mạng đã giành được các cơ quan quan trọng của chính quyền bù nhìn tay sai tại Hà Nội. Việt Minh hoàn toàn làm chủ thành phố. Cuộc khởi nghĩa đã thắng lợi hoàn toàn.
Sức mạnh của quần chúng nhân dân
Ông Nguyễn Tiến Hà cho hay, ngày 19/8, trong các sở chiếm được của chính quyền bù nhìn, gay go nhất là chiếm Trại Bảo an binh – quân đội của chính quyền bù nhìn, tập trung cả ngàn lính được trang bị vũ khí.
Lúc đó, chỉ huy Trại Bảo an binh kêu gọi quân Nhật Bản từ nhà thương Đồn Thủy mang xe tăng sang để giải cứu. Để đối phó với tình hình, một mặt chúng ta phải khéo léo, mềm dẻo, đàm phán với quân Nhật để họ trung lập, không can thiệp vào công việc của Việt Minh, một mặt tuyên truyền, vận động binh lính người Việt ở Trại Bảo an binh giao nộp vũ khí cho ta, không chống lại.
Cuu tu Hoa Lo va ky uc Ngay Cach mang Thang Tam suc soi-Hinh-7
 Quần chúng cách mạng đã giương cao lá cờ đỏ sao vàng, chiếm lấy diễn đàn cuộc mít tinh của chính phủ bù nhìn. Ảnh: Tư liệu.
“Chúng ta đã giành được chính quyền mà không phải nổ súng. Đó là do chúng ta đã có ngoại giao khéo léo và vận động, xây dựng được lực lượng nhân dân chuẩn bị sẵn sàng ở khắp làng xã, khu phố Hà Nội”, ông Hà nói.
Ông Hà cho hay, khởi nghĩa ngày 19/8 của Hà Nội như một tiếng vang mở đầu, lan nhanh, dội đi khắp nơi, có tác động quyết định, cổ vũ và tạo điều kiện, là kinh nghiệm để nhân dân các địa phương trên cả nước vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền sau đó.
Khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội – nơi có hơn 1 vạn quân Nhật chiếm đóng, đông nhất so với các thành phố, thị xã ở Bắc Kỳ lúc đó mà không phải đổ máu đã cho thấy sự chủ động, kịp thời, táo bạo, linh hoạt, chớp thời cơ của Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội.
Để có chiến thắng ấy phải có sự vận động của Việt Minh, xây dựng được cơ sở cách mạng ở khắp nơi: Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc… huy động sức mạnh của quần chúng, lấy lực lượng chính trị quần chúng làm cơ bản.
“Không phải ngẫu nhiên mà có được cuộc mít tinh vang dội như vậy. Đó là cả một sự chuẩn bị kỹ lưỡng cùng nền tảng chính trị, không phải ra đường hô khẩu hiệu mà người dân ủng hộ, theo ngay. Khởi nghĩa giành chính quyền không phải nổ súng ở Hà Nội là kinh nghiệm quý cho người dân cả nước học theo và giành được thắng lợi”, ông Hà nói.
Ông Nguyễn Tiến Hà tên khai sinh là Nguyễn Hữu Tự, sinh năm 1928, quê gốc ở Hải Dương. Năm 1944, ông tham gia cách mạng, làm giáo viên truyền bá quốc ngữ. Sau đó, gia nhập đoàn TN CQHD.
Năm 1950, ông đã bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò, bị địch tra tấn dã man.
Thời gian bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò, ông Nguyễn Tiến Hà đã được anh em tín nhiệm bầu vào Ban Chi ủy, sau đó ông còn được cử làm Bí thư chi bộ của Nhà tù. Ông đã cùng Ban Lãnh đạo các trại giam tổ chức cho anh em đấu tranh chống địch khủng bố, đàn áp, đòi cải thiện đời sống cho tù nhân. Đặc biệt, ông còn tích cực tham gia tổ chức các lớp học văn hóa, chính trị, ngoại ngữ và cũng là thầy giáo trong các lớp đó, chính vì vậy mà anh em tù nhân đã gọi ông với cái tên thân mật: Thầy giáo Thỏa hay thầy Hiệu trưởng Thỏa (bí danh của ông).
Hiện tại, ông là Trưởng ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò – đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Mời quý độc giả xem video: Ông Nguyễn Tiến Hà kể lại niềm xúc động khi lần đầu tiên được diễu hành công khai, hô vang khẩu hiệu: "Việt Nam hoàn toàn độc lập" ngày 17/8.

Mai Loan