Soi chi tiết lịch sử tập đoàn Formosa
Tập đoàn Formosa gây ô nhiễm môi trường ở nhiều nước trên thế giới, khiến dư luận không khỏi bị sốc. Trước khi có những vết nhơ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người, Formosa từng bước vươn lên trở thành một tập đoàn hùng mạnh.
Cụ thể, doanh nhân người gốc Nhật Bản Wang Yung Ching thành lập Tập đoàn Formosa (Formosa Plastics Group) ngày 26/7/1954 với khoản vay ưu đãi 798.000 USD từ chính phủ Mỹ. Tập đoàn Formosa là một tổ hợp công nghiệp đa ngành của Đài Loan và bắt đầu đi vào sản xuất từ năm 1957. Khi mới hoạt động, tập đoàn này hoạt động trong lĩnh vực chế tạo nhựa PVC và các sản phẩm nhựa trung gian khác. Sau khi ngày càng lớn mạnh, Formosa mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực khác gồm: dầu mỏ, công nghệ sinh học, nhà máy phát điện, máy móc điện tử, quang sợi, công nghiệp ô tô, mỹ phẩm…
Đến năm 1978, Formosa chính thức tiếp cận thị trường Mỹ và xây dựng nhà máy sản xuất cùng 4 công ty nhỏ hơn chuyên về hóa chất và hóa dầu ở quốc gia này.
|
Formosa được thành lập năm 1954 và dần trở thành tập đoàn lớn ở Đài Loan. |
Năm 2005, Formosa trở thành tập đoàn sản xuất nhựa lớn nhất tại Đài Loan. Thêm vào đó, tập đoàn này có các công ty con có trụ sở ở khắp Đài Loan và trên thế giới. Năm 2008, người sáng lập tập đoàn Formosa Wang Yung Ching qua đời. Cũng trong năm đó, ông được tạp chí Forbes xếp ở vị trí người giàu thứ 178 trên thế giới với khối tài sản 5,5 tỷ USD. Hiện tại, gia đình Wang vẫn giữ vai trò quản lý tập đoàn đa quốc gia Formosa.
Những tai tiếng "để đời" của tập đoàn Formosa
Tập đoàn Formosa có liên quan đến nhiều tai tiếng xả thải độc hại gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với môi trường và con người ở nhiều nước. Trong đó có việc Formosa bị trao giải "Hành tinh đen" năm 2009. Giải “Hành tinh đen” do tổ chức bảo vệ môi trường ở Đức có tên Ethecon lập ra để trao cho những cá nhân/tổ chức đóng góp nhiều vào việc phá hủy môi trường thế giới.
Vào cuối tháng 11/1998, Formosa đã sử dụng hơn 140 container chứa khoảng 5.000 tấn chất thải, trong đó có thủy ngân, tới thị trấn ven biển Sihanoukville, Campuchia. Sau đó, những container độc hại trên bị bỏ lại tại một khu vực không có rào chắn và biển khuyến cáo.
Do những container nguy hiểm trên không có biển cảnh báo nên một số người dân đã tiếp xúc, thậm chí mang bao tải đựng chất thải của Formosa về sử dụng. Tuy nhiên, sau đó vài ngày, những người dân có những triệu chứng bất thường như bị sốt. tiêu chảy... Đỉnh điểm là một nhân viên tại cảng Sihanoukville làm công việc dọn dẹp các tàu chở chất thải của Formosa từ Đài Loan đến Campuchia chết khiến vụ việc trở nên ầm ĩ.
|
Formosa bỏ khoảng 5.000 tấn chất thải độc hại ở Sihanoukville, Campuchia. |
Trước những cuộc biểu tình của người dân, Formosa khẳng định họ có giấy phép và được xác nhận chất thải an toàn để chôn dưới đất. Tuy nhiên, theo báo cáo điều tra, nồng độ thủy ngân của khối chất thải vượt quá 20.000 lần giới hạn an toàn cho phép. Các chỉ số dioxin và PCB đều ở mức nguy hiểm.
Cuối cùng, Formosa phải thu hồi khoảng 3.000 tấn chất độc để chuyển sang bãi xử lý ở Westmoreland, California, Mỹ và xin lỗi người dân Campuchia.
Cũng trong vụ việc này, hơn 100 quan chức Campuchia bị đình chỉ chức vụ do bị cáo buộc nhận hối lộ để cho Formosa đưa khối chất độc nguy hiểm trên vào Campuchia. Trước thông tin này, Formosa phủ nhận lời cáo buộc.
|
Những scandal của Formosa ở Mỹ trong những năm qua khiến người dân không khỏi bị sốc trước những sai phạm của tập đoàn này. |
Tại thị trường Mỹ, Formosa cũng dính vào những vụ tai nạn chết người kinh hoàng. Trong đó, nhà máy của Formosa ở Illiopolis, bang Illinois xảy ra sự cố khiến 5 công nhân thiệt mạng hồi tháng 4/2014. Người dân sống trong khu vực đó phải sơ tán khẩn cấp. Sau quá trình điều tra, cơ quan chức năng Mỹ phát giác một loạt sai phạm của tập đoàn Formosa và yêu cầu tập đoàn này nộp phạt 300.000 USD.
Các nhà máy của Formosa bị phát hiện xả các chất độc như 1,2-dichloroethane (EDC), dioxin và chroroform… vào đất và nước ngầm ở bang Texas, Louisiana và sông Mississippi.
Đến năm 2015, Formosa lại gặp sự cố ở nhà máy hóa chất đóng tại miền nam Texas. Vụ việc khiến 11 công nhân thiệt mạng. Thêm vào đó, Formosa cũng bị người dân ở tiểu bang Louisiana kiện vì không cảnh báo người dân về tác hại của các chất thải với môi trường và sức khỏe.
Tại nhiều nước trên thế giới có các công ty con của Formosa, người dân đã nhiều lần biểu tình chống lại tập đoàn của Đài Loan gây ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Video đại diện Formosa: Không thể vừa phát triển công nghiệp hiện đại, vừa muốn bắt tôm, cá (nguồn: VTV):
Tâm Anh (tổng hợp)