Top bác sĩ quân y huyền thoại Việt Nam: “Chuyên gia dập dịch” Bùi Đại

Google News

Đồng nghiệp, học trò gọi ông là “vua sốt rét”, “chuyên gia dập dịch Việt Nam”. Ông là Thiếu tướng, GS. TSKH, Anh hùng LLVT nhân dân, Thầy thuốc nhân dân Bùi Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Những ngày này, cả thế giới đang gồng mình trước đại dịch COVID-19, Việt Nam không là ngoại lệ. Theo bản tin dịch COVID-19 ngày 7/9 của Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 536.788 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 51/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 159/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.457 ca nhiễm).
Riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 532.490 ca, trong đó có 298.683 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Những con số này cho thấy, vượt lên trên những khó khăn và mất mát, chúng ta đang từng bước đạt được những tín hiệu khả quan trong việc phòng chống dịch bệnh để khép lại cuộc chiến với tử thần COVID-19.
Đây không phải là lần đầu tiên, Việt Nam "chiến đấu" với dịch bệnh. Trong quá khứ chúng ta đã từng đối diện và chiến thắng rất nhiều tử thần như bại liệt, sốt rét, SARS… Những thành công và kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh được những thế hệ đi trước dày công xây đắp, chính là một trong những nền móng vững chắc để Việt Nam có đủ niềm tin và sức mạnh chiến thắng với tử thần mang tên COVID -19.
Báo Tri thức & Cuộc sống xin giới thiệu tuyến bài “Top bác sĩ quân y huyền thoại Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh vượt thời đại”. Thiếu tướng, GS. TSKH, Anh hùng LLVT nhân dân, Thầy thuốc nhân dân Bùi Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là một trong số những huyền thoại đó.
Người lính cuối cùng rời khỏi trận địa
Thiếu tướng, GS. TSKH, Anh hùng LLVT nhân dân, TTND. Bùi Đại sinh năm 1924 tại Hà Nam trong một gia đình nhà nho có truyền thống hiếu học.  
Top bac si quan y huyen thoai Viet Nam: “Chuyen gia dap dich” Bui Dai
 Thiếu tướng, GS. TSKH. Bùi Đại (ngoài cùng, bên phải) trong một chuyến công tác tại chiến trường Nam Bộ, năm 1972. Ảnh tư liệu.
Toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946 nổ ra, đang học năm thứ nhất trường Y, chàng trai trẻ Bùi Đại đã cùng nhiều sinh viên “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” với nhiệm vụ là chăm sóc thương binh ở Quân y vụ Thái Nguyên.
Sau đó, ông học tiếp Trường Y kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc. Thời đó, mỗi năm về trường học 3 tháng còn 9 tháng đi thực tế, tham gia các chiến dịch lớn như Tây Bắc, Thượng Lào...
“Đầu năm 1954, lúc tôi đã có bằng bác sĩ rồi, đang là Trưởng ban Điều trị, Phó trưởng phòng Kế hoạch Cục Quân y, Cục trưởng Vũ Văn Cẩn gọi lên giao nhiệm vụ cùng ông đi Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cục trưởng bảo: Người lính quân y chúng ta vào mỗi chiến dịch đều phải là người đi trước về sau. Lần ấy thầy trò bí mật lên sát mặt trận điều tra thực địa để bố trí các trung tâm y tế phục vụ thương binh, bệnh binh khi chiến dịch mở màn. Kết thúc chiến dịch, chúng tôi là người lính cuối cùng rời khỏi trận địa cùng với thương binh”, ông nhớ lại.
"Vua sốt rét"
Hòa bình lập lại trên miền Bắc, BS. Bùi Đại sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh và là một trong những cán bộ quân y đầu tiên của Việt Nam bảo vệ thành công phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) chuyên ngành truyền nhiễm.
Trở về nước, ông vừa giảng dạy vừa thực hiện các chuyến đi B ngắn, B dài để giải quyết cho bộ đội, nhân dân những vấn đề cụ thể về bệnh truyền nhiễm, mà chủ yếu là bệnh sốt rét.
Top bac si quan y huyen thoai Viet Nam: “Chuyen gia dap dich” Bui Dai-Hinh-2
Ông được mệnh danh là vua sốt rét, chuyên gia dập dịch của Việt Nam 
Ông kể, thời đó từ chiến trường miền Nam các đơn vị gửi ra Bộ Quốc phòng những báo cáo đáng lo ngại. Nhiều đơn vị bị bệnh sốt xuất huyết hoành hành. Đặc biệt, Trung đoàn 9 thuộc Sư đoàn 30 sau khi đánh trận Đồng Hến, rút quân ra ngoài củng cố, có tới 75% quân số bị sốt rét. Số bệnh nhân lên đến gần 2.000 người. Cả hai loại thuốc chống sốt rét hồi ấy là quinine và chloroquine đều bị kháng, tỷ lệ tái phát sau điều trị có lúc lên đến 88%.
Trung tá, TS. Bùi Đại lúc đó được lệnh hành quân gấp vào chiến trường bằng đường Trường Sơn để tìm cách khắc phục vấn đề này. Tại đây, lần đầu tiên ông phát hiện hiện tượng ký sinh trùng sốt rét Pfal kháng thuốc.
Nhật ký của Trung tá, TS. BS. Bùi Đại năm 1966 có đoạn: “Năm 1966, quý 1, Trường Sơn, đơn vị thanh niên xung phong đang dính đợt dịch sốt rét rất lớn. Tỷ lệ sốt rét hằng tháng lên 40%; tỷ lệ sốt hằng ngày là 10%, thậm chí có đại đội thanh niên xung phong ốm gần hết... Phải làm sao đây? Làm sao bộ đội chóng khỏi đây ?”.
Câu trả lời là sử dụng phác đồ phối hợp thuốc, kết hợp tổ chức điều trị đột kích hàng loạt cho những đơn vị có tỷ lệ bộ đội tái phát bệnh sốt rét cao; tổ chức tuyên truyền, giáo dục phòng, chống sốt rét và phun thuốc diệt muỗi. Kết quả, số quân nhân và thanh niên xung phong bị sốt rét giảm hẳn, quân số khoẻ tiếp tục chiến đấu, công tác tăng lên.
“Điều đáng kể nhất là qua lần này, tôi đã đề xuất được với Cục Quân y mô hình dập tắt dịch sốt rét nặng tại một đơn vị và những tiêu chuẩn của một vụ dịch nặng có chỉ định dùng biện pháp tổng hợp. Mô hình này đã giúp phục hồi nhanh thể lực bộ đội sau chiến đấu, phục hồi nhanh sức khoẻ của chiến sĩ mới bị sốt rét sơ nhiễm, hạ tỷ lệ tử vong do sốt rét ác tính trong toàn quân từ 30% xuống dưới 10%”, ông cho biết.
“Giáo sư đã sinh ra tôi lần thứ hai”
Không chỉ là “chuyên gia dập dịch” trên các chiến trường, Thiếu tướng, GS.TSKH, TTND Bùi Đại còn phụ trách nhiều đoàn chống các bệnh dịch khác. Một trong số đó phải kể đến đợt dập dịch sốt mò ở Tây Bắc vào năm 1965.
Ông kể ngành truyền nhiễm thường gặp nhiều loại dịch bệnh. Nhưng sốt mò lúc đó chưa được biết tới nhiều. Một số bà con ở vùng cao sông Mã bị một loại dịch chưa từng diễn ra làm hàng loạt người lớn, trẻ em cứ sốt li bì không rõ nguồn gốc. Dân y yêu cầu quân y hỗ trợ.
Ông được cấp trên điều gấp lên Sơn La với nhiệm vụ đẩy lùi dịch sốt không rõ nguyên nhân này. Ông cùng đồng nghiệp bắt đầu từ những nốt loét trên cơ thể người bệnh.
Tìm hiểu kỹ, ông phát hiện vết loét đó là do con ấu trùng mò đốt, chỉ bằng đầu que tăm sau đó do không có thuốc đặc trị nên nó loét to ra. Tìm được nguyên nhân dịch sốt không rõ nguyên nhân ở Sơn La gây hoang mang được đẩy lùi.
Từ kinh nghiệm của lần dập dịch này, Thiếu tướng, GS.TSKH. Bùi Đại ghi chép cẩn thận làm tài liệu dạy sinh viên ngành y sau này. Cách đây ít năm, tại Vũng Tàu, một chuyên gia ngành dầu khí người Nga bị sốt li bì, điều trị không khỏi và tiên lượng xấu. Bỗng có ý kiến: “Mời cụ Bùi Đại vào xem sao?.
Thiếu tướng, GS.TSKH. Bùi Đại vào thăm, ông phát hiện ngay một vết ấu trùng mò cắn trên người bệnh. Chỉ ít ngày sau, bệnh nhân khỏi bệnh, ra viện, đến cảm tạ và nói: “Giáo sư đã sinh ra tôi lần thứ hai”.
Sự nghiệp “dập dịch, diệt sốt” của Thiếu tướng, GS. TSKH. Bùi Đại không chỉ dừng lại ở đó mà còn là những lần xuất ngoại như: Sang Lào đẩy lùi dịch sốt đái đen, qua Trung Quốc chữa dịch viêm màng não rồi về Campuchia chống dịch hạch... Cuộc đời ông thực sự là những chuyến đi chống dịch, diệt dịch và sự nghiệp của ông thực sự đã chứng minh ông chính là khắc tinh của các virus tử thần.
Với những cống hiến quan trọng ấy, Thiếu tướng, GS. TSKH. Bùi Đại được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân (tháng 3-1989), Anh hùng LLVT nhân dân (tháng 12-1989), vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (năm 2000).

Mời độc giả xem video: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới. Nguồn: THDT.



Sơn Hà (TH)