“Rạn san hô vũ trụ” của Hubble
Kính thiên văn vũ trụ Hubble, một trong những công cụ khoa học quan trọng nhất, đã công bố hình ảnh tuyệt đẹp của một thiên hà xa xôi, đánh dấu 30 năm hoạt động của Hubble trong không gian này.
Trong bức ảnh với tên gọi “Rạn san hô vũ trụ”, tinh vân màu đỏ khổng lồ (NGC 2014) và “hàng xóm” màu xanh lam (NGC 2020) nằm trong đám mây Magellan lớn, một thiên hà vệ tinh của dải Ngân Hà nằm cách Trái đất khoảng 163.000 năm ánh sáng.
Trung tâm của NGC 2014 là một loạt các ngôi sao sáng, mỗi ngôi sao này nặng hơn Mặt trời từ 10-20 lần.
Bức ảnh được đặt tên là “rạn san hô vũ trụ” bởi các nhà thiên văn học cho rằng các tinh vân giống như một thế giới dưới đáy biển.
Cận cảnh Mặt trời
Đầu năm nay, kính viễn vọng Mặt trời Daniel K. Inouye Solar Telescope (DKIST) - chiếc kính viễn vọng Mặt trời lớn và hiện đại nhất đặt tại Hawaii đã chụp được một bức ảnh chưa từng có với sự chi tiết đến mức đáng kinh ngạc về bề mặt của Mặt trời.
Hình ảnh cho thấy cái nhìn cận cảnh về bề mặt của Mặt trời với các cấu trúc plasma có sức nóng hàng ngàn độ tạo thành những họa tiết không có quy luật nhưng đẹp “mê hoặc”. Mỗi cấu trúc plasma này giống như những tế bào có kích thước gần bằng tiểu bang Texas của Mỹ.
Các nhà khoa học muốn sử dụng hình ảnh này để tìm hiểu về tác động của Mặt trời trong không gian và đặc biệt là giúp dự đoán tốt hơn quy luật của các cơn bão Mặt trời cũng như như tác động của nó lên Trái đất.
Những vụ phun trào khổng lồ của các hạt tích điện này có thể làm hỏng các vệ tinh quay quanh Trái đất, gây hại cho các phi hành gia và thậm chí phá hủy các lưới điện.
Bay qua sao Mộc
Trong suốt 4 năm trên quỹ đạo của mình, tàu vũ trụ Juno của NASA đã liên tục gửi về những hình ảnh từ Sao Mộc - hành tinh lớn nhất Hệ Mặt trời.
Sao Mộc quay nhanh hơn bất kỳ hành tinh lân cận nào, hoàn thành một vòng chỉ mất khoảng 10 giờ.
Sự quay vòng nhanh chóng dẫn đến việc tạo ra các luồng phản lực mạnh, tách các đám mây của Sao Mộc thành vùng sáng và vành đai tối bao quanh nó.
Những cơn gió lớn trên Sao Mộc có khi đạt vận tốc 384 mph khiến Sao Mộc nổi tiếng với những cơn bão mạnh mẽ.
Bề mặt sao Hỏa với độ phân giải 1,8 tỷ pixel
Bức ảnh bề mặt sao Hỏa với độ phân giải cao nhất từ trước tới nay (1,8 tỷ megapixel) được ghép bởi hơn 1.000 ảnh chụp từ robot tự hành Curiosity.
NASA cho biết, toàn bộ những hình ảnh nhỏ lẻ đều được chụp lại bằng ống kính tele của cụm máy ảnh siêu hiện đại Mast Camera gắn trên robot thám hiểm trong khoảng thời gian từ giữa trưa cho đến 2 giờ chiều (theo giờ trên sao Hỏa). Điều này nhằm đảm bảo điều kiện ánh sáng phù hợp, cho ra những bức ảnh với chất lượng tối ưu nhất.
Bản đồ 1,8 tỷ ngôi sao trong dải Ngân Hà
Đài quan sát Gaia của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) công bố bản đồ chi tiết của dải Ngân Hà, thể hiện vị trí của khoảng 1,812 tỷ ngôi sao với độ chính xác lớn nhất từ trước tới nay.
Gaia được phóng lên không gian tháng 12/2013. Đài quan sát trị giá 1 tỷ USD này di chuyển cách Trái Đất khoảng 1,5 triệu km, nơi lực hấp dẫn giữa hành tinh xanh và Mặt Trời cân bằng và tầm nhìn không bị cản trở. Gaia có thể đo lường 100.000 ngôi sao mỗi phút, hay 850 triệu vật thể mỗi ngày và có thể rà quét toàn bộ bầu trời khoảng hai tháng một lần.
Theo Vietnamnet