- Ngoài các yếu tố như do chập điện, không đậy nắp bình xăng hay rò rỉ nhiên liệu... , các chuyên gia còn cho biết nhiều nguyên nhân gây cháy xe bất ngờ khác.
Ông Lê Bạch Chúc, Trung tâm an toàn hóa chất bảo vệ môi trường cho biết, có nhiều yếu tố tăng thêm nguy cơ cháy xe mà chủ xe khó có thể ngờ đến. Ví dụ, tình trạng xe vừa mua xăng nhưng dừng đèn đỏ cũng có thể gây cháy xe. Lý giải vấn đề này, ông Chúc cho rằng yếu tố này thuận lợi cho việc tích tụ xăng, dầu đạt nồng độ trong giới hạn cháy nổ.
|
Rất nhiều vụ cháy xe đã xảy ra trong thời gian qua |
Ngoài ra, không phải bất cứ xe nào có nguy cơ cũng gây cháy xe. Bởi cháy xe phải có sự kết hợp các yếu tố, tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng có. Ví dụ, xe cháy phải có vật liệu cháy ở trạng thái phù hợp như xăng phải tạo hỗ hợp với không khí ở nồng độ nằm trong ngưỡng cháy nổ... Nguồn nhiệt phải đủ mạnh gây bắt cháy. Nguồn nhiệt phải đủ nóng, tức bằng hoặc cao hơn nhiệt độ bắt cháy của chất có thể cháy. Trong ô tô, xe máy đa số các hydrocarbon có nhiệt độ tự bắt cháy trên 200 – 500 độ C... Vì thế điều này giải thích tại sao tỷ lệ số xe bị cháy trên tổng số xe hoạt động không đủ lớn dù rất nhiều xe có tình trạng kỹ thuật chứa đựng nhiều nguy cơ dẫn đến cháy.
Hay trước đây có những trường hợp xe đã tắt máy nhưng vẫn nổ. Nguyên nhân do trị số octan thấp gây nên hiện tượng kích nổ do lốc máy, ống xả quá nóng.
PGS.TS Lê Anh Tuấn, phó viện trưởng Viện động cơ đốt trong, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng đề nhiều lần nhưng không nổ cũng có nguy cơ cao. Môi trường nóng ẩm, kết hợp với chất lượng của rơ le và cuộn đề, một số phương tiện sử dụng động cơ xăng và diesel khó khởi động, nhất là vào mùa đông. Do yếu tố này một số chủ phương tiện đã cố kéo dài thời gian đề và đề nhiều lần. Do tiếp xúc không tốt nên tia lửa điện đã được hình thành tại rơ le đề hoặc dây lửa hay cuộn đề bị quá nóng dẫn đến cháy. Đây cũng là nguyên nhân giải thích cho một số trường hợp cháy xe sau khi đề không nổ nhưng một lúc sau thì xe phát cháy.
Một trong những tình huống đã gặp của PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Viện phó Viện khoa học kỹ thuật hình sự (Bộ Công an) cho thấy, tình trạng xe cũ nhưng đi nhanh sau đó phanh gấp lại cũng là nguyên nhân gây cháy xe. Bởi lúc này các doăng, tiếp điểm xe bị oxy hóa, cùng với đi nhanh làm máy nóng, khí xăng dầu bốc cao tạo nên hỗn hợp dễ gây cháy. “Tôi đã đi thử và đúng là có cháy thật. Điều này cảnh báo cho người đi xe phải cảnh giác”, PGS.TS Mạnh Hùng khuyến cáo.
Bên cạnh các nguyên nhân gây cháy xe ô tô, xe máy không phải do khiếm khuyết kỹ thuật hay do bảo trì kém mà do con người phá xe để lấy bảo hiểm hoặc ăn trộm xe nhưng không tiêu thụ được đành đốt để phi tang xe.
Hiền Dung