Các nhà khoa học tìm thấy xác sinh vật trông giống chổi cọ bên trong mảnh hổ phách 100 triệu năm tuổi ở thung lũng Hukawng, miền Bắc Myanmar. Có vẻ như vẻ ngoài lởm chởm giống chổi cọ của bọ cánh cứng cổ đại giúp nó ngụy trang trong môi trường nhiều rêu, nấm và địa y.
Các nhà cổ sinh vật cho hay, nằm trong viên hổ phách, đây chính là cụ tổ của bọ cánh cứng hiện đại – bọ cánh cứng Stegastochlidus saraemcheana thuộc nhóm bọ vỏ cây, tồn tại từ kỷ Phấn Trắng (145,5 triệu đến 65,5 triệu năm trước).
Vẻ ngoài của "cụ" bọ vô cùng đặc biệt bởi nó giống y hệt một mảnh vỏ cây. Nhìn từ trên xuống, phần đầu hơi tròn, giống một bụi cỏ phủ đầy gai và hơi tách biệt với cơ thể hình ống. Trên đầu có hai sợi râu phân đoạn.
Trong khi đó, ảnh chụp ngang cho thấy các chân trước và chân giữa ở ngay sau đầu. Các chân sau hơi lùi ra một chút, nằm trước phần bụng hình trụ.
"Cụ" bọ chỉ dài 4,2mm nhưng có tới hơn 100 cấu trúc nhô ra giống gai ở lưng và đầu. Những chiếc gai này giúp nó hòa mình vào môi trường có nhiều rêu, địa y và nấm.
Nhóm nhà khoa học cũng phát hiện một cặp ve ký sinh bám gần miệng của con bọ. Chúng bị mắc kẹt trong hổ phách khi đang kiếm ăn trên cơ thể vật chủ.
Các phần phụ miệng sắc nhọn cho thấy Stegastochlidus saraemcheana là loài ăn thịt. Có thể nó săn những động vật không xương sống khác, nhóm nghiên cứu nhận định. Với cơ thể hẹp, nó có thể dễ dàng chui vào các khe rãnh trong gỗ do những con bọ khác tạo ra, sau đó ăn thịt nhộng và ấu trùng bên trong.
Hóa thạch hổ phách khá phổ biến ở Bắc bán cầu, đặc biệt là Myanmar, nơi người ta đã phát hiện ra đủ loại hóa thạch trong suốt nhiều năm qua. Hổ phách thực chất là nhựa cây hóa thạch, tồn tại nhiều trong các lớp đá và trầm tích trên khắp thế giới. Tuy nhiên, hổ phách lại rất khó được phát hiện tại Australia hay New Zealand.
Hóa thạch hổ phách có giá trị bởi chúng cho ta thấy mô hình 3D của các mẫu vật được bảo quản vô thời hạn. Trong nhiều trường hợp hiếm hoi, những hóa thạch này còn có thể bắt lại được một hành vi cụ thể, ví dụ những con ve đang bò qua lông khủng long, hay một con nhện đang tấn công ong bắp cày.
Trước đó, mẫu vật hóa thạch cho thấy trong một viên đá hổ phách có chứa loài khủng long có mỏ giống chim với nhiều răng nhỏ và nhọn, hốc mắt lớn và vẫn còn một phần lông mịn trên đầu.
Các nhà khoa học đã sử dụng tia X cực mạnh để quét mẫu vật từ miếng mẫu hổ phách để có thể mô phỏng được hình ảnh ba chiều của hộp sọ mà không gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào tới mẫu vật.
Hộp sọ của loài khủng long này chỉ dài 1,5 cm và nặng chưa tới 2,8 gram. Tổng chiều dài cơ thể ước tỉnh chỉ từ 5 - 6 cm, và kích thước thật của nó có thể còn nhỏ hơn cả loài chim ruồi hiện đại.
Các nhà khoa học sẽ tiếp tục lập danh sách nhiều loại động vật tìm thấy trong hổ phách, bởi nhiều trong số chúng có thể là những loài mới, và thậm chí là những nhóm động vật mới nữa.
Theo Nguoiduatin