Theo số liệu của Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) cho thấy, tháng 5/2023, Việt Nam đón gần 916,3 nghìn lượt khách quốc tế, giảm 6,9% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, toàn ngành du lịch đón gần 4,6 triệu lượt khách quốc tế, đạt 57,5% kế hoạch năm.
Trong khi đó, tại báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023 do Tổng cục Thống kê vừa công bố cho biết, trong tổng số gần 4,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 5 tháng đầu năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt hơn 4 triệu lượt người, chiếm 88% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 12,6 lần cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, khách nhập cảnh bằng đường bộ đạt 503,2 nghìn lượt người, chiếm 10,9% và gấp 11,3 lần; lượng khách đến bằng đường biển đạt 50,9 nghìn lượt người, chiếm 1,1% và gấp 535,5 lần so với năm trước.
|
Tính chung 5 tháng đầu năm, toàn ngành du lịch đón gần 4,6 triệu lượt khách quốc tế, đạt 57,5% kế hoạch năm. (Ảnh: Internet). |
Về thị trường nội địa, trong tháng 5/2023, ngành du lịch phục vụ 12,5 triệu lượt khách nội địa (trong đó có 8,3 triệu lượt khách có lưu trú). Tổng số khách nội địa trong 5 tháng đạt 50,5 triệu lượt. Lượng khách nội địa đang tăng do đã bước vào mùa cao điểm du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 267,2 nghìn tỷ đồng.
Cũng theo Trung tâm Thông tin du lịch, dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google, lượng tìm kiếm về lưu trú du lịch Việt Nam đang tăng nhanh, xếp thứ 11 trên thế giới (trong nhóm có mức tăng từ 10 – 25%), cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ về nhu cầu du lịch Việt Nam. Cơ quan này cũng cho biết, chỉ có Việt Nam và Philippines là quốc gia ở Đông Nam Á nằm trong nhóm đầu thế giới, còn các quốc gia khác trong khu vực xếp sau khá xa như: Thái Lan (24), Singapore (33), Indonesia (44), Malaysia (45). Các thị trường nước ngoài tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam gồm có: Mỹ, Nhật, Úc, Singapore, Ấn Độ, Thái Lan, Pháp, Đức, Anh, Hàn Quốc.
Đáng chú ý, trong số các thị trường hàng đầu, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của du lịch Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023 với 1,3 triệu lượt khách. Trung Quốc là thị trường gửi khách lớn thứ 2 tới Việt Nam, đạt 399 nghìn lượt khách. Ở vị trí thứ 3 là Mỹ với 307 nghìn lượt khách.
Trong tốp 10 thị trường hàng đầu, Đông Bắc Á có 4 thị trường: Hàn Quốc (1.318 nghìn lượt), Trung Quốc (399 nghìn lượt), Đài Loan (252 nghìn lượt), Nhật Bản (204 nghìn lượt). Tương tự, Đông Nam Á có 3 thị trường: Thái Lan (236 nghìn lượt); Malaysia (192 nghìn lượt); Campuchia (167 nghìn lượt). Úc và Ấn Độ xếp ở vị trí thứ 9, 10 (158 nghìn lượt và 141 nghìn lượt). Ở châu Âu, Anh (113,8 nghìn lượt), Pháp (95,8 nghìn lượt) và Đức (89,2 nghìn lượt) là các thị trường gửi khách lớn nhất. Thị trường Nga đạt 54 nghìn lượt sau 5 tháng đầu năm.
Trong đó, thị trường Trung Quốc có mức tăng trưởng tốt nhất trong các thị trường trọng điểm, đạt 146 nghìn lượt trong tháng 5, tăng 31,1% so với tháng 4 (tương đương 34,8 nghìn lượt khách). Các thị trường có lượng khách tăng so với tháng 4/2023 là: Indonesia (tăng 64%), Trung Quốc (tăng 31%), Malaysia (tăng 21%), Nhật (tăng 2%). Một số thị trường có lượng khách giảm so với tháng 4/2023 là: Hàn Quốc (-4,6%), Mỹ (-21,9%), Thái Lan (-32,5%), Campuchia (-20,4%), Đức (-41%), Anh (-33,5%), Úc (-20,6%).
Theo đánh giá của Trung tâm Thông tin du lịch, nhìn chung, Việt Nam đang trong mùa thấp điểm của du lịch quốc tế nên dễ hiểu khi tổng lượng khách quốc tế giảm so với tháng trước. Tuy nhiên, đáng chú ý, thị trường Trung Quốc tiếp tục có sự phục hồi tích cực.
Về tốc độ tăng trưởng đạt tăng 31% so với tháng trước, về quy mô thị trường, Trung Quốc đã vươn lên ở vị trí thứ hai. Đây là tín hiệu tích cực ban đầu, tạo cơ sở cho khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn nữa trong những tháng cuối năm. Với 4,6 triệu lượt khách quốc tế trong 5 tháng đầu năm, đạt 57,5% mục tiêu kế hoạch năm 2023, ngành du lịch có khả năng sẽ đạt và vượt mục tiêu 8 triệu khách quốc tế trong năm nay.
Ngày 18/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Nghị quyết đề ra nhiều nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới theo phương châm "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện"...
Liên Hà Thái