Bắt đầu bán dưa rau sắn tại Hà Nội cách đây 3 năm khi từ quê xuống Hà Nội lập nghiệp, mới đầu chị Phan Anh (ở Mỹ Đình) chỉ nghĩ bán cho vui.
“Quê tôi ở Ba Vì, vì đất đồi trung du nên đa số mọi người chỉ trồng cây sắn vì dễ sống, xung quanh nhà bao la toàn sắn là sắn. Ngày xưa nhà ai cũng nghèo, thường làm sẵn vại dưa rau sắn để ở góc nhà. Khi nào không có gì ăn thì lấy tạm bát dưa rau sắn cho lên bếp nấu hoặc chạy ra vườn, hái nắm rau sắn rồi vò nục, nấu thành canh ăn cơm mà ngon vô cùng.
Lớn lên, dù điều kiện kinh tế có khá giả hơn nhưng dưa sắn vẫn là món ăn quen thuộc vì hương vị những ngày nghèo khó đã gắn bó suốt bao năm, giờ khó mà quên được”, chị Phan Anh bộc bạch.
Dưa rau sắn được làm từ chồi non của cây sắn đã trở thành “đặc sản” được chị em nội trợ săn lùng.
Vừa cẩn thận đong từng bát dưa rau sắn thơm lừng, chị Phan Anh vừa kể: “Thèm dưa rau sắn ở Hà Nội mà không có ai bán nên tôi nhờ mẹ làm rồi gửi xuống ăn dần. Mẹ gửi nhiều nên tôi đăng bài bán trên chợ online, cho những người xa quê thèm món ăn nhà nghèo giống mình có thể mua nấu ăn ngay. Cứ nghĩ bán cho vui ai ngờ có quá nhiều người muốn ăn và đặt hàng. Suốt 3 năm nay tôi chỉ bán với giá 10.000đ/bát, không thay đổi giá và lúc nào cũng có khoảng 2.000 khách luân phiên mua hàng, mỗi lần từ 10-20 bát”.
Để đủ số lượng rau khách đặt, chị Phan Anh cùng với bố mẹ đi thu mua lại cây sắn ở khu vực xung quanh về cắm quanh vườn, cắm gọn gàng quanh nhà, hàng ngày tưới nước đều đặn để sắn lên chồi non và hái vào muối dưa bán quanh năm.
Từ công việc bán cho vui mà đến nay, bán dưa rau sắn đã trở thành công việc chính hàng ngày với mức thu nhập ổn định.
“Vì chỉ trồng sắn lấy ngọn non để muối dưa, rau cắt liên tục và được tưới đủ nước nên rau nhà tôi có ngọn rất non và mập. Dưa rau sắn hầu như vùng núi nào cũng có nhưng dưa nhà tôi được muối bằng cách làm và công thức riêng nên đã tạo sự khác biệt, ai ăn cũng nhớ và giới thiệu bạn bè cùng mua. Ngoài vị bùi bùi của lá sắn còn có vị giòn giòn, ngọt ngọt xen kẽ vị chua thanh thanh của bát canh chua nên rất đưa cơm”, chị Phan Anh nói.
Cứ hai ngày một lần, dưa rau sắn được chuyển từ quê xuống Hà Nội. Nhận hàng, chị lại cặm cụi chia từng đơn và tự mình đi ship. “Tôi bán lấy số lượng là chính với giá chỉ 10.000đ/bát, 40.000đ/kg, lại miễn phí ship với đơn hàng từ 1kg trở lên nên mọi người đặt nhiều lắm. Khách muốn mua rau phải đặt trước ít nhất một tuần mới có,vì vậy khách mua mỗi lần cả trăm nghìn ăn dần. Thậm chí có chị mua cả trăm bát rồi cất vào hộp, cho vào tủ lạnh ăn dần cả tháng”.
Những thành viên trong gia đình luôn hỗ trợ chị hết mình để trả hàng cho khách với hàng trăm đơn mỗi ngày.
Chỉ nhờ bán “món ăn nhà nghèo” mà chị có thu nhập đều đều mỗi tháng từ 15-20 triệu đồng. Vừa có thể chăm 3 đứa con vừa có thu nhập ổn định với hơn 2.000 khách hàng luân phiên đặt rau.
Tự đi ship hàng nhưng chị chỉ ship trong giờ hành chính, sáng từ 8-11 giờ, chiều từ 13-17 giờ. “Thời gian còn lại tôi viết bài bán hàng, kiểm tra các đơn đã hoàn thành xem còn sót đơn nào thì gọi điện lại cho khách, lên đơn các ngày sau và dành thời gian cho gia đình nhỏ của mình. Để có được thành công như hôm nay, tôi cảm thấy mình cực kỳ may mắn vì có được người chồng luôn thấu hiểu và động viên tôi trong mọi hoàn cảnh. Sau khi đi làm về, dù rất mệt nhưng anh vẫn hỗ trợ tôi nấu cơm, chơi cùng các con khi tôi bận. Bán dưa sắn là công việc và đam mê của tôi, nhưng sẽ không thực hiện được nếu không có sự hỗ trợ hết mình của anh”, chị bộc bạch.
Dưa rau sắn được chính chị đi giao hàng đến từng khách hàng khắp Hà Nội.
“Mùa dịch ai cũng kêu không có việc làm nhưng tôi thì lại bận tối mắt tối mũi vì số lượng đơn gấp đôi bình thường. Nếu như trước đây, trung bình tôi bán 200 bát dưa/ngày thì hiện tại số lượng đơn liên tục gấp đôi, gấp ba, mỗi ngày khoảng 400-500 bát. Tôi phải nhờ mọi người trong nhà hỗ trợ đong hàng, trông con giúp để trả đơn cho khách. Từ đầu tháng 4 trở lại đây, riêng tiền bán dưa rau sắn tôi thu về được 17 triệu đồng”, chị Phan Anh nói.
Xe khách không hoạt động, số lượng đơn mùa dịch lại tăng gấp đôi, để có rau sắn trả hàng, bố mẹ chị phải thuê thêm 3 người nữa đi hái hái rau về muối rồi thuê hẳn taxi chở xuống Hà Nội.
“Bố mẹ tôi cùng mọi người đi hái rau về, nhặt rồi rửa sạch và muối cẩn thận, tiền công tôi cũng trả rất sòng phẳng. Sau khi trừ hết các chi phí tôi cũng ghi chép cẩn thận lỗ lãi từng ngày. Vì khách đợt dịch đông hơn, chi phí vận chuyển cũng cao hơn nhưng tôi bán với số lượng lớn nên thu nhập cũng ổn. Ngoài dưa rau sắn, tôi đăng bán thêm cả chim bồ câu, thịt gà quê để đa dạng nguồn hàng và tiện công ship”, chị chia sẻ thêm.
Rau sắn được hái cẩn thận từng ngọn non mềm, rửa sạch rồi muối dưa.
Không dừng lại ở việc bán dưa rau sắn, chị Phan Anh còn tạo nên giá trị của cây sắn nhờ bắt tay vào làm phôi nấm và cung cấp que sắn cho các viện nghiên cứu, ứng dụng.
Chị cho biết: “Cây sắn ở quê tôi chủ yếu là trồng để lấy củ phục vụ việc chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thu hoạch củ xong thì cây vứt quanh đồi rất phí, vì vậy tôi luôn trăn trở làm sao để cây sắn có giá trị. Trong một lần đi qua huyện Chương Mỹ (Hà Nội), tôi thấy họ phơi rất nhiều que sắn ở dọc đường nên dừng lại hỏi và về nhà tìm hiểu thêm mới biết cây sắn có rất nhiều công dụng trong việc làm phôi nấm để sản xuất nấm sò, mộc nhĩ thay cho thóc Q5".
Từ dưa rau sắn có thể nấu được rất nhiều món, ngon nhất vẫn là canh dưa sắn nấu xương hoặc nấu cá.
Bắt tay vào tìm hiểu cách làm và liên hệ các công ty thu mua, chị Phan Anh đã thuê gần 20 nhân công thu mua cây sắn và làm que sắn cung cấp cho các viện nghiên cứu và các hộ trồng nấm với thu nhập từ 3,5 triệu đồng/người/tháng. “Công việc chính và đam mê hiện tại của tôi là món dưa rau sắn, còn làm que sắn thì tôi cùng bố mẹ quản lý từ xa”, chị nói.
Mỗi món ăn mang một hương vị thân thương của gia đình, của tình yêu quê hương của những người con xa quê khi nhớ về. Từ rau sắn muối chua, người ta có thể xào, nấu canh cá, làm nộm (gỏi), kho cá, trở thành “đặc sản” giữa thủ Đô, mang về thu nhập khủng cho mẹ bỉm sữa giữa mùa dịch Covid-19.
Theo Dân Việt