Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG), ban lãnh đạo cho biết niên độ 2018 - 2019 cũng là thời điểm mà hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành tôn mạ gặp nhiều thử thách.
Do đó, Hoa Sen đạt doanh thu 28.035 tỷ đồng, chỉ thực hiện 89% kế hoạch năm và giảm 19% so năm trước. Nguyên nhân do sản lượng tiêu thụ giảm 20%, đạt 1,49 triệu tấn.
Lợi nhuận sau thuế đạt 361 tỷ đồng, thực hiện 72% kế hoạch và giảm 12% so năm trước.
Theo đó, Hội đồng quản trị (HĐQT) đã đề ra mức cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 5% cho niên độ 2018-2019, nguồn chi lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến ngày 30/9/2019.
Năm qua, Hoa Sen đã đưa vào hoạt động tất cả các dự án nhà máy sản xuất đã triển khai trước đây, tái cấu trúc hệ thống phân phối chuyển đổi mô hình chi nhánh tỉnh – Cửa hàng.
Tính đến cuối năm, Tập đoàn có có 536 địa điểm phân phối, tăng 28,5% so năm trước. Trong đó, 65 chi nhánh tỉnh và 471 cửa hàng. Tập đoàn cũng thực hiện giảm nhân sự từ 7.062 người xuống 6.637 người, giảm 6% so với đầu niên độ.
|
Hoa Sen đặt mục tiêu tăng trưởng lãi 11% trong niên độ tới. |
Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ cho biết, kể từ khi thành lập đến nay, Hoa Sen luôn ở tư thế mượn tiền "tấn công". Nhờ vậy, quy mô vốn mới tăng từ 30 tỷ đồng lên hơn 4.200 tỷ đồng như hiện nay. Điều này cũng khiến Hoa Sen đối diện nhiều rủi ro trong bối cảnh thị trường chưa hết khó khăn.
Cũng theo người đứng đầu Tập đoàn Hoa Sen, doanh nghiệp của ông bị mất cân đối tới 1.700 tỷ đồng trong niên độ trước là do những chính sách khó lường từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. "Lỗi tất cả tại ông Trump. Nếu không có đánh thuế Hoa Sen thay vì mất cân đối 1.700 tỷ, Hoa Sen sẽ có lãi nghìn tỷ. Hiện, Công ty đâu đó vẫn còn mất cân đối 1.400 tỷ đồng”, ông Vũ thông tin.
Lãnh đạo Hoa Sen đánh giá năm 2020 sẽ tiếp tục có những biến động khó lường. Cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung có thể tiếp tục leo thang và chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng. Do đó, trật tự thương mại trên thế giới tiếp tục đảo lộn, giá nguyên liệu và thị trường tiền tệ sẽ biến động mạnh, khó lường.
Hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn hơn do các biện pháp phòng vệ thương mại, suy giảm nhu cầu tiêu thụ và gia tăng áp lực cạnh tranh từ nguồn cung nội địa tại các thị trường xuất khẩu. Thị trường nội địa tiếp tục cạnh tranh khốc liệt và sàng lọc mạnh.
Theo đó, Hoa Sen lên kế hoạch theo giả định giá thép cán nóng xoay quanh 500 - 520 USD/tấn. Theo đó, sản lượng tiêu thụ dự kiến đạt 1,5 triệu tấn, doanh thu thuần đạt 28.000 tỷ đồng. Tập đoàn sẽ tiếp tục tái cấu trúc và từng bước cải thiện hơn nữa tình hình tài chính. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 400 tỷ đồng, tăng 11% so với niên độ trước.
Đại diện Hoa Sen cũng cho hay, đối với hoạt động quản trị - tái cấu trúc, Công ty sẽ củng cố hiệu quả quản trị, kiểm soát toàn Tập đoàn trên tinh thần tinh gọn bộ máy, tiết giảm chi phí,…
Đối với hoạt động kinh doanh, Hoa Sen đặt mục tiêu cải thiện được lợi nhuận, ổn định tình hình kinh doanh; bằng mọi cách phải tồn tại trước sự sàng lọc của thị trường: Quy hoạch và sắp xếp lại chiến lược kinh doanh theo hướng tập trung vào các dòng sản phẩm có tiềm năng tạo ra biên lợi nhuận tốt vào ổn định như: Tôn cán, Thép dày mạ, Nhựa…
Nghiên cứu, sáng tạo và triển khai các giải pháp tăng trưởng sản lượng, tăng năng lực cạnh tranh đối với các sản phẩm mới như: Ống kẽm nhúng nóng…
Theo thông tin công bố gần đây, Hoa Sen ước kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1 niên độ 2019 – 2020 (từ 1/10/2019 đến 31/12/2019) với doanh thu 6.543 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ do giá thép cán nóng (HRC) giảm làm giá bán giảm.
Mặc dù doanh thu giảm nhưng lợi nhuận sau thuế của Hoa Sen vẫn đạt 170 tỷ đồng, tăng mạnh 180% so với cùng kỳ.
Anh Nhi