Điều gì khiến cổ phiếu này tăng không tưởng 300% dù thị trường giảm sâu?

Google News

Với mức lợi nhuận lên đến 300%, thanh khoản mỗi phiên giao dịch lên đến vài chục nghìn cổ phiếu, nhưng liệu sự tăng trưởng của mã cổ phiếu EME của Công ty CP Điện Cơ đến từ kết quả kinh doanh hay còn yếu tố nào khác?

Tháng 5, tháng VN-Index tiếp tục giảm mạnh và xóa sạch mọi thành quả đạt được. Theo đó, VN-Index đã tạo đáy ở vùng 931,75 điểm, giảm 11,3% trong tháng 5 và giảm 22,6% từ mức đỉnh đạt được trong ngày 9/4.
Sắc đỏ từ VN-Index cũng lan tỏa ra hai sàn còn lại. Cụ thể, chốt phiên 31/5, sàn HNX đóng cửa ở mức điểm 114,91, tương đương giảm 4,4% trong tháng 5. Trong khi đó, sàn UpCom chốt phiên giao dịch cuối tháng đạt 52,76 điểm, giảm tổng cộng 5,6%.
Tất nhiên, thị trường dù giảm đến đâu chăng nữa, vẫn tồn tại các cổ phiếu sinh lời tốt cho nhà đầu tư. Song vậy, mã cổ phiếu đứng đầu mức tăng trưởng trong tháng 5 này lại vượt trội quá mức so với tất cả các cổ phiếu tăng điểm trên 3 sàn.
 
Đó là mã cổ phiếu EME của Công ty CP Điện Cơ. Trong riêng tháng này, EME tăng 296,55%, đạt mức giá 52.741 đồng/cổ phiếu.
EME mới niêm yết trên sàn UpCom được khoảng 1 năm. Trong ngày giao dịch đầu tiên, 17/7/2017, mã này đi ngang ở mức giá tham chiếu và không có bất cứ cổ phiếu nào được giao dịch.
Ở nhiều phiên giao dịch sau đó, EME đã xuất hiện các phiên giao dịch với biên độ rất lớn, tăng giảm hàng chục phần trăm, thậm chí có nhiều phiên tăng trần/giảm sàn của mã này xen kẽ nhau. Song vậy, thanh khoản EME trong nhiều phiên vẫn ở mức khá èo uột khi chỉ có từ vài nghìn đến vài chục nghìn cổ phiếu.
Tuy vậy, đà tăng trưởng của mã này đáng chú ý lại chỉ tập trung trong 9 phiên giao dịch tăng trần liên tục từ phiên 11/5/2018 – 23/5/2018.
Tăng trưởng mạnh như vậy, EME có gì đặc biệt?
Trang chủ của EME chỉ mới công bố BCTC năm 2017 đã kiểm toán. Cụ thể, doanh thu thuần EME đạt hơn 119,3 tỷ đồng, giảm hơn 15,2%. Tuy vậy, giá vốn hàng bán tăng quá mạnh đến hơn 49% khiến lợi nhuận gộp doanh nghiệp này bất ngờ ghi nhận lỗ hơn 5,3 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái lợi nhuận gộp lãi hơn 20 tỷ đồng.
Giá vốn tăng mạnh do giá vốn từ hoạt động xây lắp tăng quá mạnh, vượt doanh thu mảng này. Cùng với đó, giá vốn mảng bán thành phẩm tăng mạnh cũng khiến mảng này ghi nhận doanh thu không đáng kể.
Đây là nguyên nhân khiến lợi nhuận thuần EME lỗ nặng gần 17 tỷ đồng. Phải nhờ đến lợi nhuận từ hoạt động khác, cụ thể là Lãi thanh lý tài sản cố định gần 77 tỷ đồng, EME mới lãi hơn 35,6 tỷ đồng, mức lãi khủng so với năm 2016 chỉ đạt gần 1,8 tỷ đồng.
Tạm tính theo mức giá trong phiên 31/5 EMC đạt 52.741 đồng/cổ phiếu. P/e mã này rơi vào khoảng 5,9 lần, thì EPS của EME phải đạt 8.939 đồng/cổ phiếu.
Với gần 3,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, mức lợi nhuận EME cần đạt phải là hơn 33,8 tỷ đồng. Con số này dường như không tưởng khi nhìn KQKD của EME qua các năm tài chính.
Dieu gi khien ma co phieu nay tang khong tuong 300% trong boi canh thi truong giam sau? hinh anh 2
BCTC EME qua các năm (đơn vị: tỷ đồng)
Doanh thu 2017 thấp nhưng phụ thuộc vào cổ đông lớn
Cụ thể, BCTC cho thấy doanh nghiệp phát sinh doanh thu bên liên quan gần 60,6 tỷ đồng. Đó là doanh thu ghi nhận từ Các chi nhánh thuộc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM TNHH hơn 53,3 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Điện lực TP.HCM gần 1,6 tỷ đồng, Công ty TNHH Ô tô Kim Thanh hơn 5,6 tỷ đồng.
Tính ra, gần một nửa doanh thu của EME trong năm 2017 có liên quan đến một cổ đông lớn là Tổng Công ty Điện lực TP.HCM.
Nếu soi vào cơ cấu cổ đông EME, có thể thấy Tổng Công ty Điện lực TP.HCM là cổ đông lớn nhất khi nắm đến 28,3% vốn điều lệ EME, tương đương 1,1 triệu cổ phiếu.
Được biết, tiền thân của EME là Xí nghiệp Điện Cơ thuộc Tổng Công ty Điện Lực TP.HCM– Doanh nghiệp thành viên Tổng Công ty Điện lực Việt Nam.
Đó là chưa kể đến Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Điện lực TP.HCM (mã HTE) cũng có cổ đông lớn là Tổng Công ty Điện lực TP.HCM khi nắm 7 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 32,7%. Ông Phạm Ngọc Thạch – Chủ tịch HĐQT EME, cũng là Chủ tịch HĐQT HTE.
Việc giá vốn hàng bán trong năm 2017 đột nhiên tăng mạnh liệu có phải do giao dịch giữa EME với cổ đông lớn nhất?
Điều đáng nói, BCTC các năm trước đó cũng cho thấy giao dịch doanh thu ghi nhận từ cổ đông lớn này của EME.
Lãnh đạo liên tục bán ra cổ phiếu
Trong tháng 5, các cổ đông lớn và cổ đông nội bộ EME liên tục đăng ký bán ra hoặc thông báo đã bán ra thành công cổ phiếu này.
Cụ thể, Công ty CP Siêu Thanh đã thoái toàn bộ 258.900 cổ phiếu nắm giữ tại EME vào ngày 8/5/2018. Phiên giao dịch này ghi nhận không có cổ phiếu nào khớp lệnh, nhưng ghi nhận có 261.720 cổ phiếu được trao tay với tổng giá trị hơn 4,55 tỷ đồng, tương đương một cổ phiếu có thị giá 17.400 đồng/cổ phiếu, cao hơn mức giá thị trường lúc đó (15.200 đồng/cổ phiếu) gần 14,5%.
Cổ đông lớn khác là Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Điện lực TP.HCM – Công ty của Chủ tịch HĐQT, đã đăng ký bán ra 500.000 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 13,23% từ ngày 8/6/2018 đến ngày 6/7/2018.
Cùng với đó, một loạt các cổ đông nội bộ EME đã bán sạch cổ phiếu này. Cụ thể, Trưởng ban Kiểm soát EME, ông Vũ Huy Chiến, đã bán ra toàn bộ 1.000 cổ phiếu nắm giữ; Phó Giám đốc Trần Đình Khôi và em trai là Trần Văn Công đã thoái toàn bộ 4.034 và 4.400 cổ phiếu nắm giữ.
Với KQKD 2017 có những chuyển động bất ngờ, các lãnh đạo và cổ đông lớn liên tục bán ra cổ phiếu, EME đang chuẩn bị cho cuộc ‘lột xác’ đón đầu các cổ đông lớn mới?
Theo Nhà Đầu Tư