Tại hội thảo “Triển vọng thị trường bất động sản sau dịch Covid-19” do Báo Tiền phong tổ chức ngày 29/10, ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết thị trường bất động sản đang dần hồi phục.
Trước tác động của dịch Covid-19, cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp giúp thị trường tuy có suy giảm, không rơi vào trạng thái “trầm lắng”, “đóng băng” toàn diện.
Chờ đợi dấu ấn từ những tháng cuối năm
Ông Hà Quang Hưng cho biết 6 tháng đầu năm, nguồn cung thị trường có 180 dự án với 55.576 căn (tăng 23%) so với cùng kỳ năm 2020. Về lượng giao dịch, có 55.335 giao dịch thành công (tăng 29%) so với cùng kỳ năm 2020.
Đặc biệt, trong các tháng cuối quý I, thị trường có hiện tượng sốt giá cục bộ ở một số phân khúc và một số địa phương nhưng đã được kiểm soát kịp thời.
“Sang đến quý III, khi nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, TP.HCM thực hiện cách ly, giãn cách triệt để, nghiêm ngặt thì hầu hết ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng, thiệt hại lớn. Thị trường bất động sản trong quý III càng gặp nhiều khó khăn hơn so với quý II”, đại diện Bộ Xây dựng nói.
|
Theo đại diện Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu phục hồi. Ảnh: Quốc Nam. |
Thống kê cho thấy tổng nguồn cung BĐS nhà ở cả nước chỉ đạt khoảng 60-70%. Nếu tính cục bộ một số địa phương, nguồn cung còn thấp hơn nhiều do hoạt động đi lại, giao dịch, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân tại một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội không thể thực hiện được.
Đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, đến nay trên cả nước có 37 dự án với 18.872 căn được cấp phép, bằng khoảng 69% so với quý II; 701 dự án với 244.936 căn đang triển khai xây dựng, bằng khoảng 70% so với quý II.
Có 50 dự án với 7.444 căn hoàn thành. Lượng giao dịch trên thị trường cũng giảm chỉ bằng khoảng 35-40% so với quý II, tỷ lệ hấp thu chỉ đạt 40- 50% lượng chào bán trên thị trường, một số khu vực thị trường có hiện tượng "đóng băng tạm thời".
Với thị trường căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ quý III, tổng lượng giao dịch cũng giảm rất mạnh với 10.400 giao dịch thành công so với con số trên 18.300 giao dịch trong quý II.
Trước thực trạng trên, Bộ Xây dựng đã đề xuất 2 gói tín dụng với tổng số tiền 65.000 tỷ đồng vào chương trình phục hồi sau dịch Covid-19. Gói tín dụng thứ nhất 15.000 tỷ đồng theo phương thức cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách Xã hội và các ngân hàng thương mại để thực hiện phát triển nhà ở xã hội; gói tín dụng thứ hai 50.000 tỷ đồng theo cơ chế đặc thù để phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023.
Giá đất sẽ tăng mạnh vào năm 2022?
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển R&D DKRA Vietnam, cho rằng trong quý IV, giao dịch trên thị trường khó có thể tăng mạnh mà vẫn ổn định như quý III. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, áp lực tăng giá sẽ rất lớn bởi các lý do chính đã bắt đầu xuất hiện từ quý I/2021 (lạm phát, chi phí vật liệu xây dựng tăng, chi phí đầu vào tăng).
“Đặc biệt, từ quý II/2022, khi kinh tế phát triển mạnh trở lại, Việt Nam hoàn thành mục tiêu tiêm chủng toàn dân cho cả trẻ em, thì bất động sản sẽ càng có đà tăng giá”, vị chuyên gia đưa ra dự báo.
Nói về xu hướng thị trường trong quý IV, ông Nguyễn Hoàng nhận định nguồn cung mới và sức mua về cơ bản sẽ tích cực hơn quý III. Nguồn cung mới và sức mua trong phân khúc căn hộ có thể tăng nhẹ.
Nguyên nhân do người mua bị ảnh hưởng về thu nhập, một số khác cũng đang thận trọng quan sát. Ngoài ra, thị trường thứ cấp chưa tích cực và việc này cũng tác động đến sức mua của thị trường sơ cấp.
|
Chuyên gia dự báo sang năm 2022, nhiều nhà đầu tư sẽ chốt chứng khoán và chuyển dòng tiền vào bất động sản. Ảnh: Chí Hùng. |
“Điểm sáng của quý IV vẫn dựa vào những người có tiềm lực tài chính lựa chọn bất động sản là kênh hàng đầu để đầu tư lâu dài và đa dạng hoá/bảo toàn giá trị tài sản”, đại diện DKRA Vietnam nói.
Theo ông Hoàng, đất nền các tỉnh giáp ranh vẫn là dòng sản phẩm được ưu tiên hàng đầu. Phân khúc căn hộ, đặc biệt căn hộ tầm trung sẽ luôn được những người có kế hoạch mua nhà tìm kiếm và lựa chọn, tuy nhiên, nguồn cung mới có thể tiếp tục hạn chế.
Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa có nhiều dấu hiệu tích cực do các hoạt động du lịch vẫn chưa thể phục hồi mạnh cho đến hết năm 2021, ngoại trừ một vài địa phương có kế hoạch áp dụng hộ chiếu xanh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi, dự báo giai đoạn từ 1/10 đến 17/1/2022 sẽ là thời điểm tăng trưởng trở lại của giá đất, khoảng 5-10%; giai đoạn 2 từ 18/1/2022 đến 15/2/2022; giai đoạn nghỉ ngơi sẽ rơi vào Tết Nguyên Đán.
Từ 16/2/2022 đến 31/3/2022 sẽ là giai đoạn tăng trưởng dự đoán khoảng 10-15% khi nhiều khách hàng sẽ chốt chứng khoán và có thể đổ vào bất động sản. Nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ dừng lại nhưng nhà đầu tư lâu năm sẽ tích cực săn hàng.
Giai đoạn cuối cùng khoảng 120 ngày, có tâm thế giằng co và dự báo nhích nhẹ khoảng 5%. “Đây là giai đoạn quyết định sự ấm lên của thị trường là bao nhiêu. Sự giằng co lệch về bên nào thì sự tăng trưởng sẽ nhiều hay ít”, Tổng giám đốc Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi nhận định.
Theo Văn Hưng/Zing