Giải cứu chuối : Người mua lẫn người bán bất lực vì COVID-19

Google News

Biết tin nông dân đang gặp khó trong việc tiêu thụ hàng vạn buồng chuối tây Thái Lan xuất khẩu, một số bạn trẻ đã đứng ra viết bài kêu gọi người dân khắp Hà Nội mua ủng hộ, nhưng kết quả “lực bất tòng tâm” do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

 

Anh Đặng Trần Lịch (ở khu 8 xã Lam Sơn Tam Nông, Phú Thọ) đầu tư hơn 400 triệu trồng chuối tây Thái Lan, vậy mà hơn 4.000 buồng chuối đến kỳ thu hoạch nhưng thương lái không thu mua do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Không còn cách nào khác, anh Lịch đã đăng bài nhờ mọi người “giải cứu” trên mạng xã hội. Sau vài ngày, một số anh em bạn bè dưới Hà Nội cũng đăng bán giúp được khoảng 150 buồng.

Giai cuu chuoi : Nguoi mua lan nguoi ban bat luc vi COVID-19

Hàng loạt bài viết nhằm giải cứu chuối tây Thái Lan được quan tâm.

“Mỗi buồng chuối nặng từ 20-25kg được mọi người ở Hà Nội mua ủng hộ với giá 150-180.000 đồng/buồng, như vậy tính ra giá bán cho khách khoảng 7.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí thì được khoảng 3-4.000 đồng/kg. Vì chi phí thuê thuyền sang sông chở chuối, thuê nhân công chặt, khuôn vác, đóng thùng, xếp lên bờ rồi thuê xe chở xuống Hà Nội cũng tốn khá nhiều”, anh Lịch cho biết.

Theo anh Lịch, chuối sau khi chở bằng xe tải xuống Hà Nội sẽ thuê shipper chở bằng xe máy đến từng nhà cho khách, nhưng vì chuối nặng, cồng kềnh nên shipper ngại vận chuyển, hoặc vận chuyển với giá cao, anh lại không biết đường đi lối lại nên không thể tự ship hàng. “Mỗi buồng chuối tôi phải thuê mất 50-70.000 đồng tiền ship, nhưng người bán hỗ trợ khách nên chỉ thu của khách 20.000 đồng thôi. Hai vợ chồng cứ ngồi bên cạnh xe chuối cả ngày chờ ship đến lấy hàng rồi đi giao cũng vất vả lắm nhưng còn hơn là không ai mua. Dù mệt nhưng bán được hàng nên hai vợ chồng tôi cũng thấy vui”, anh Lịch nói.

Những năm trước, chuối tây được dùng cho xuất khẩu, thương lái đến tận bờ thu mua với giá 10-12.000 đồng/kg mà không có đủ để bán vì năm thì ngập trắng, chết hết chuối, năm thì bãi bồi bị lở, 2/3 bãi chuối trôi theo dòng nước nên sản lượng thấp.

Giai cuu chuoi : Nguoi mua lan nguoi ban bat luc vi COVID-19-Hinh-2

Hoa chuối, lá chuối cũng phải vứt đi vì không có ai mua.

“Năm nay trồng dễ, sản lượng cao thì lại không có ai mua. Riêng hoa chuối, mọi năm còn bán được 3-4.000 đồng/chiếc, năm nay toàn bộ vứt đi, lá chuối cũng vứt chất đầy bãi, giá như liên kết được với siêu thị, nhà hàng bao tiêu cho người dân trồng chuối tiêu thụ hoa, lá và quả chuối thì nông dân chúng tôi đỡ lâm vào cảnh khó khăn như thế này. Hiện tại, chỉ cần bán 3-4.000 đồng/kg chuối tại bờ để gỡ gạc lại chút vốn liếng mà cũng khó”, anh Lịch thở dài.

Chị Mai (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, anh Lịch là người cùng quê với chị nên khi biết hoàn cảnh khó khăn trong việc tiêu thụ chuối chị đã đăng bài lên mạng xã hội nhờ bạn bè ủng hộ.

“Sau vài ngày viết bài kêu gọi, tôi và một số anh chị cùng quê sống tại Hà Nội gom được khoảng 1 tấn chuối. Hôm thứ 7 tuần trước, vợ chồng anh Lịch chuyển chuối xuống và giao cho khách nhưng tôi thấy anh chị vất vả quá. Nhìn hình ảnh anh chị ngồi bên đống chuối mà lòng buồn rười rượi, không biết khi nào mới “giải cứu” xong mấy nghìn buồng. Khách mua lẻ thì có hạn vì tôi không chuyên bán hàng, mà vận chuyển từng đơn lẻ khắp Hà Nội thì phí vận chuyển quá cao. Không biết làm cách nào để đưa chuối vào siêu thị, cửa hàng hoa quả hoặc các chợ chung cư thì mới nhanh tiêu thụ hết”, chị Mai nói.

Theo chị Mai, còn rất nhiều người muốn mua chuối ủng hộ nhưng không có điểm tập kết, giá trị hàng thấp mà phí vận chuyển, thuê ship tận nhà lại cao nên thật sự “lực bất tòng tâm”.

“Mấy người bạn tôi bàn nhờ một số người chuyên bán hoa quả online ở các chung cư trên địa bàn Hà Nội rao bán chuối giúp, anh Lịch sẽ thuê người chặt và vận chuyển đến tận chân chung cư cho mọi người bán với giá 6.000 đồng/kg nhưng cũng không ăn thua. Đa số mọi người chỉ mua 1-2 nải, người bán hộ lại phải cắt từng buồng rồi ship từng hộ nên họ cũng ngại. Mặc dù siêu thị vẫn bán chuối tây với giá 10.000 đồng/kg, nhưng chuối chỉ là hàng hoa, ăn vặt, không phải thức ăn hàng ngày nên nhu cầu mọi người cũng không nhiều. Thật sự giờ không biết làm cách nào để giúp nữa”, chị Mai phân tích.

 
Theo Khánh An/Dân Việt