Lùm xùm dự án KĐT Đại Phong Thái Nguyên: TP Phổ Yên nói gì?

Google News

Lãnh đạo UBND TP Phổ Yên (Thái Nguyên) cho biết, đã giao thanh tra xác minh sự việc lùm xùm tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng Khu đô thị Đại Phong.

Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến thông tin dự án khu đô thị Đại Phong (phường Ba Hàng, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) do liên danh Công ty TNHH xây dựng và thương mại Tấn Đức - Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng Tấn Đức JSC làm chủ đầu tư bị người dân phản ánh có hiện tượng không minh bạch trong quá trình giải phóng mặt bằng.
Liên quan đến sự việc, ngày 23/11/2022, PV Báo Tri thức và Cuộc sống đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Trần Xuân Trường - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Phổ Yên cùng lãnh đạo Trung tâm phát triển quỹ đất TP Phổ Yên.
Lum xum du an KDT Dai Phong Thai Nguyen: TP Pho Yen noi gi?
Dự án khu đô thị Đại Phong  nằm tại phường Ba Hàng, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. 
Giá đền bù sát thị trường?
Tại buổi làm việc, ông Trần Xuân Trường khẳng định, dự án khu đô thị (KĐT) Đại Phong thuộc diện dự án phát triển kinh tế địa phương, thực hiện đúng quy định và là loại dự án nhà nước giải phóng mặt bằng sau đó giao mặt bằng cho doanh nghiệp đầu tư.
“Về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm của chính quyền Phổ Yên lãnh đạo, chỉ đạo, ký hợp đồng trực tiếp là Trung tâm phát triển quỹ đất bồi thường theo quy định của nhà nước”, ông Trường thông tin.
Lum xum du an KDT Dai Phong Thai Nguyen: TP Pho Yen noi gi?-Hinh-2
  Vị trí ngôi nhà của gia đình bà Triệu Thị Phương (khoanh đỏ). 
Theo ông Trường, dự án KĐT Đại Phong có nhiều hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng, riêng hộ gia đình bà Triệu Thị Phương (tổ 6, phường Ba Hàng, TP Phổ Yên), chính quyền đã tổ chức đối thoại. Nhưng sau đó gia đình bà Phương đã kiện ra Tòa và Tòa tỉnh đã xử, có bản án.
Đồng thời, ông Trường cũng cho biết gia đình bà Phương có diện tích đất thuộc diện giải phóng mặt bằng phục vụ 2 dự án gồm: Dự án KĐT Đại Phong và dự án đường từ Đền thờ liệt sĩ Phổ Yên đi đường sắt Hà Thái. Tuy nhiên, không thuộc diện được bố trí tái định cư.
Trả lời thông tin phản ánh về giá đền bù giải phóng mặt bằng chưa sát với thị trường khiến người dân chịu thiệt thòi, ông Trần Xuân Trường khẳng định: “Giá đền bù xác định tại thời điểm đó là sát giá thị trường. Cái này có giá quy định của nhà nước”.
Lum xum du an KDT Dai Phong Thai Nguyen: TP Pho Yen noi gi?-Hinh-3
 Ông Phạm Văn Được và vợ là bà Triệu Thị Phương hoàn toàn nhất trí, ủng hộ thực hiện dự án KĐT Đại Phong nhưng ông bà cho rằng, việc bồi thường cho người dân số tiền 115 triệu đồng/sào là rất thấp.
Về ý kiến người dân thuộc diện thu hồi có nhu cầu mua đất tại dự án KĐT Đại Phong để tiếp tục sinh sống, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Phổ Yên cho rằng: “Việc này người dân phải tự thỏa thuận với doanh nghiệp, chính quyền không thể can thiệp”.
“Gia đình (bà Phương - PV) cũng có kiến nghị muốn mua đất tại dự án sau khi giải phóng mặt bằng nhưng đấy là việc thỏa thuận của người dân với doanh nghiệp, chính quyền không thể can thiệp. Nếu gia đình thuộc diện được tái định cư thì chính quyền sẽ bố trí tái định cư ở một nơi tốt hơn nơi cũ, nhưng gia đình không thuộc diện này”, ông Trần Xuân Trường khẳng định.
Xác minh thông tin… “mượn sổ hộ khẩu để nhận thêm tiền”
Liên quan đến thông tin phản ánh có hiện tượng một số hộ dân được hướng dẫn đi mượn sổ hộ khẩu để nhận thêm tiền hỗ trợ? Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Phổ Yên cho biết: “Thành phố đang giao cơ quan chức năng xác minh làm rõ, khoảng cuối tháng 11 sẽ có kết luận”.
Về thông tin chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng Tấn Đức JSC (gọi tắt là Công ty Tấn Đức JSC) từng vướng ồn ào nhưng vẫn trúng thầu làm chủ đầu tư dự án KĐT Đại Phong.
Ông Trần Xuân Trường cho biết, thời điểm đó Văn phòng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Thái Nguyên làm rõ thông tin liên quan, sau đó tỉnh Thái Nguyên giao TP Phổ Yên xác minh trả lời.
“Chắc chắn Thành phố đã có báo cáo rồi, nhưng chúng tôi sẽ tìm kiểm tra lại để cung cấp thông tin với báo chí”, ông Trường nói.
Lum xum du an KDT Dai Phong Thai Nguyen: TP Pho Yen noi gi?-Hinh-4
 Dự án khu đô thị Đại Phong do liên danh Công ty TNHH xây dựng và thương mại Tấn Đức - Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng Tấn Đức JSC làm chủ đầu tư. Hai doanh nghiệp này có cùng địa chỉ trụ sở.
Cần đảm bảo lợi ích của người dân
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nhiều đại biểu Quốc hội đã có ý kiến đề nghị quan tâm đảm bảo quyền lợi cho người dân có đất thuộc diện bị thu hồi.
Các đại biểu đề nghị làm rõ tiêu chí xác định việc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; đồng thời cần xác định giá trị đền bù đầy đủ các thiệt hại của người dân thuộc diện tái định cư, trong đó phải tính đến những thiệt hại vô hình để giúp người dân ổn định, yên tâm sinh sống tại nơi ở mới.
Đặc biệt, cần lưu ý tránh lạm dụng thu hồi đất tràn lan, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Theo đó, các đại biểu đề nghị giảm đến mức tối đa trong việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; làm rõ tiêu chí, điều kiện, nội hàm thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đồng thời, quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về điều kiện, trình tự, thủ tục thu hồi đất đối với dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở.
Có ý kiến cho rằng thực hiện dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại là hoạt động kinh tế đơn thuần, không phục vụ lợi ích công cộng mà chủ yếu phục vụ cho lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản nên quy định cho chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất để đảm bảo công bằng với lĩnh vực khác.
Đại biểu Tô Văn Tám cho biết, người dân có thể chấp nhận hy sinh quyền lợi hoặc chịu thiệt về quyền lợi, nếu việc thu hồi đất đó cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế cho lợi ích của cộng đồng, lợi ích của nhà nước, nhưng sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc một nhóm người, nhưng lại áp giá đền bù thấp, mang tính áp đặt hay tạo kẽ hở cho sự trục lợi, lợi ích nhóm.
Lưu ý việc sửa đổi Luật Đất đai lần này cần phải giải quyết được vấn đề này, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, điểm quan trọng để giải quyết vấn đề là làm rõ nội hàm của việc thu hồi đất cho phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Cần nhìn nhận rằng, lợi ích quốc gia thu được từ việc thu hồi đất mang tính lợi nhuận cho nhà nước, còn lợi ích công cộng thì mang tính xã hội và không mang tính lợi nhuận.
Đại biểu Tô Văn Tám làm rõ, luật hiện hành và dự thảo Luật đều sử dụng phương pháp liệt kê để xác định các trường hợp thu hồi. Tuy nhiên, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hay mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thường không cố định và vận động theo hướng phát triển và rất rộng.
Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cẩn quan tâm thêm đến việc phương pháp liệt kê có bao quát hết và dự liệu hết các trường hợp các dự án sẽ phát sinh trong quá trình phát triển hay không?
Mặt khác, khi tiến hành thu hồi đất tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, nhiều nguy cơ lạm quyền, gây bức xúc trong nhân dân.
Theo đại biểu Tô Văn Tám, những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, những dự án phát triển kinh tế - xã hội mang tính chiến lược, quy định sự phát triển một vùng, một khu vực, một tỉnh hoặc của cả nước hoặc các công trình công cộng thì thu hồi, còn các dự án phát triển kinh tế đơn thuần thương mại theo quy hoạch, mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư thì thương lượng với người dân để mua lại hoặc thỏa thuận cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Trong quá trình thương lượng đó có sự tham gia của chính quyền, với tư cách là chủ thể quản lý đất đai trên địa bàn.
*Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin.
Đoàn Khang