Trong số 90 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước như chưa nộp tiền sử dụng đất, tiền nộp chậm lên đến hơn 4.000 tỷ đồng mà UBND TP Hà Nội vừa cho biết mới đây, có chủ đầu tư là những doanh nghiệp bất động sản khá nổi tiếng.
Nổi bật như: Công ty cổ phần Bitexco, Công ty cổ phần BIC Việt Nam, Công ty cổ phần thương mại và xây dựng Á Châu, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Công ty cổ phần Lilama, Công ty cổ phần Tập đoàn Bắc Hà, Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn…
Ngoài ra, Công ty cổ phần xây dựng công trình đô thị Hà Nội, Công ty cổ phần may Lê Trực, Tổng Công ty Viglacera, Công ty cổ phần bất động sản Dầu khí... cũng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính.
|
Nhiều "ông lớn" bất động sản chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước như chưa nộp tiền sử dụng đất, tiền nộp chậm vừa bị Hà Nội gọi tên. (Ảnh minh họa). |
Trong đó, Bitexco được biết đến khi là chủ đầu tư hàng loạt dự án bất động sản nổi tiếng như: Tòa tháp tài chính Bitexco (quận 1, TP.HCM), khách sạn JW Marriott Hà Nội, khu phức hợp The Manor Hà Nội hay The Manor Central Park (Hà Nội)...
Tính đến cuối năm 2019, tổng quy mô tài sản của Bitexco là 43.436 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước chủ yếu do các khoản phải thu ngắn và dài hạn “phình to” so với đầu năm. Phần lớn tài sản của Bitexco được tài trợ từ nguồn vốn nợ trong khi vốn chủ sở hữu chỉ nhích nhẹ lên 6.481 tỷ đồng.
Tổng nợ phải tăng hơn 20.000 tỷ đồng ở cuối năm 2019, so với đầu năm lên mức gần 36.955 tỷ đồng, chiếm tới 85% tổng tài sản. Trong khi, nợ vay tài chính giảm nhẹ xuống 4.160 tỷ đồng và có xu hướng chuyển dịch từ nợ dài hạn sang ngắn hạn.
Năm 2019, chi phí tài chính đã được tiết giảm so với năm trước tuy nhiên vẫn chiếm tới hơn 40% trên doanh thu gần 1.100 tỷ đồng của Bitexco. Sau khi trừ giá vốn và chi phí hoạt động, Tập đoàn này thu về gần 216 tỷ đồng lãi ròng, khả quan hơn số lỗ gần 344 tỷ đồng trong năm 2018.
|
The Manor Hà Nội được đầu tư bởi Tập đoàn Bitexco. |
Dù kinh doanh được cải thiện tuy nhiên dòng tiền của Bitexco bắt đầu có dấu hiệu gặp vấn đề với khoản phải thu tăng đột biến. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đã giảm mạnh từ hơn 6.000 tỷ đồng xuống còn vỏn vẹn 321 tỷ đồng kéo theo lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm hơn 123 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, mức lợi nhuận của Tập đoàn khá khiêm tốn 216 tỷ đồng.
Đối với Công ty cổ phần Lilama, kết thúc quý 4/2020, Lilama ghi nhận lỗ sau thuế 2,86 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 5,76 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ ghi nhận 3,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát là âm 6,26 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2020, doanh thu thuần của Lilama đạt 6.103 tỷ đồng, giảm 13,3% so với năm 2019. Trong đó, cả chi phí giá vốn hàng bán, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm khá mạnh nên lợi nhuận sau thuế đạt 20,3 tỷ đồng, trong khi năm 2019 lỗ 86,2 tỷ đồng và năm 2018 lỗ gần 190 tỷ đồng.
Với kết quả đạt được, Lilama đã hoàn thành vượt chỉ tiêu doanh thu thuần 100% và đạt 84,6% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tính đến cuối tháng 12/2020, tổng tài sản của Lilama giảm 542 tỷ đồng, từ 8.175 tỷ đồng ghi nhận từ đầu năm xuống 7.615 tỷ đồng.
Năm 2020, Binh đoàn 12 - Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn, đã đạt doanh thu 3.373 tỷ đồng, vượt 0,4% so với kế hoạch; lợi nhuận đạt 20,279 tỷ đồng, vượt 1,4% so với kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước đạt 47,7 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 8.539.862 đồng/người/tháng.
Tổng Công ty Viglacera, năm 2020, ghi nhận doanh thu đạt 9.413 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 665,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 7,2% và 12,4% so với thực hiện trong năm 2019. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 23,9% lên 24,6%.
Năm 2020, Viglacera đề ra kế hoạch doanh thu hợp nhất 8.300 tỷ đồng, lãi trước thuế hợp nhất đạt 750 tỷ đồng. Như vậy, năm 2020 với lợi nhuận trước thuế đạt 840,4 tỷ đồng, doanh nghiệp hoàn thành 112,1% kế hoạch lợi nhuận.
Tính tới thời điểm ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Viglacera tăng 8,6% so với đầu năm lên 21.51,9 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là bất động sản đầu tư là 5.484,4 tỷ đồng, chiếm 25,5% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn là 3.851,6 tỷ đồng, chiếm 17,9% tổng tài sản; tài sản cố định là 3.802,1 tỷ đồng, chiếm 17,7% tổng tài sản; tồn kho là 3.601 tỷ đồng, chiếm 16,7% tổng tài sản; tiền và các khoản tương đương tiền là 2.023,7 tỷ đồng, chiếm 9,4% tổng tài sản.
Riêng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, tại "Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021" của Tổng Công ty, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV cho biết, năm 2020, sản lượng chỉ đạt 6.828,6 tỷ đồng, bằng 79% so với cùng kỳ. Doanh thu đạt 6.565,1 tỷ đồng, bằng 78,3% so với cùng kỳ.
Các chỉ tiêu về vận tải hành khách sụt giảm sâu và không đạt kế hoạch đề ra. Số lượng hành khách đi tàu chỉ bằng 47,5% cùng kỳ, doanh thu vận tải hành khách giảm 51,7% cùng kỳ. Các Công ty cổ phần vận tải đường sắt đã phải giảm, bãi bỏ nhiều mác tàu khách Thống Nhất và địa phương.
Theo đó, Công ty mẹ ghi nhận tổng doanh thu là 1.713 tỷ đồng, đạt 81,6% so với kế hoạch và bằng 66,6% so với cùng kỳ, dự kiến lỗ hơn 1.324 tỷ đồng. Các Công ty vận tải, doanh thu trực tiếp từ vận tải thực hiện được 2.909,8 tỷ đồng, bằng 68,2% so với cùng kỳ và bằng 97,6% kế hoạch do các công ty xây dựng. Thu nhập bình quân 8,27 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ…
Khánh Hoài (tổng hợp)