Thăm quan vườn ngải cứu đang đến độ chuẩn bị cho thu hoạch của bà Lê Thị Ngọc, thôn Sơn Thuỷ, xã Tân Phúc (huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa).
Bà Lê Thị Ngọc phấn khởi cho biết: “Mặc dù vụ đông này vườn không được năng suất như các vụ hè, nhưng so với trồng rau màu hoặc sắn như trước đây thì thu nhập từ cây ngải cứu cũng cao hơn nhiều.
Trong khi đó chi phí trồng rau ngải cứu bỏ ra lại thấp, công lao động để chăm sóc và thu hoạch cũng ít hơn so với các loại cây trồng trước kia”.
Theo bà Lê Thị Ngọc, nông dân trồng rau ngải cứu ở thôn Sơn Thủy, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh, (tỉnh Thanh Hóa), với những ưu điểm vượt trội so với những loại cây trồng bản địa trước đây, như chi phí thấp, dễ trồng, dễ chăm sóc, cây ngải cứu cho hiệu quả kinh tế cao.
Thêm vào đó, một ưu điểm khác của rau ngải cứu là trồng 1 lần cho thu hoạch nhiều năm...
Được biết, từ cuối năm 2021, dưới sự vận động của chính quyền địa phương, gia đình bà Ngọc mạnh dạn chuyển đổi 1,5 sào đất vườn đang canh tác sắn sang trồng cây ngải cứu.
Dưới sự tập huấn, hướng dẫn trồng và chăm sóc của cán bộ chuyên môn, cây ngải cứu lại tương đối hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất này, vì thế vườn cây phát triển khá tốt, mỗi năm cho thu hoạch từ 2-3 lứa, mỗi lứa từ 1,2 đến 1,5 tấn cây thành phẩm.
Toàn bộ sản phẩm sau khi thu hoạch được bao tiêu đầu ra từ công ty cổ phẩn Đông Nam dược miền trung với giá thành tương đối cao và ổn định.
Là một loại cây trồng bản địa, ngải cứu được đánh giá là loại cây trồng tương đối phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của các vùng đất ở Lang Chánh, ngải cứu được trồng trên vùng đất này ít bị sâu bệnh hại, có thể sinh trưởng quanh năm.
Tuỳ vào mục đích sử dụng, mỗi năm Ngải cứu có thể cho thu hoạch từ 3 – 4 lứa để chiết xuất tinh dầu, hoặc từ 4-5 lứa để thu hoạch lá ngải.
Ông Sùng A Chu – Kỹ thuật viên Công ty Cổ phần Đông Nam dược miền Trung cho biết: “Trong tinh dầu ngải cứu được chiết xuất ra có 18 hoạt chất điều chế dược liệu, trong đó có cả tinh chất Eucalyptol có trong tinh dầu tràm, khuynh diệp có tác dụng hỗ trợ xông hơi giải cảm, Zingiberene (tinh dầu gừng) có tính nóng làm co giãn mạch, giúp máu lưu thông tốt hơn.
Đây là những hoạt chất chỉ có riêng trong những cây ngải cứu được trồng trên đất rừng Lang Chánh”.
Với những ưu điểm vượt trội so với những loại cây trồng bản địa trước đây, như chi phí thấp, dễ trồng, dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao, trồng 1 lần cho thu hoạch nhiều năm... cây ngải cứu đang trở thành 1 trong những cây trồng giúp người dân vùng núi Lang Chánh có thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Theo Lê Thiết/Đài TT-TH