Gần đây, ngành ngân hàng liên tục đưa vào triển khai và thực thi các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp). Các ngân hàng liên tục đưa ra những thông điệp xanh, bền vững, thân thiện với môi trường… nhưng cũng phải đối phó với thách thức rác thải nhựa không tái chế đến từ thẻ vật lý.
Bài toán đặt ra là làm sao để tăng trưởng thẻ nhưng vẫn giảm thiểu rác thải nhựa, trong đó có nhựa đến từ thẻ ngân hàng - được làm từ nhựa tổng hợp (hay gọi là nhựa PVC) có độ bền cao nhưng khó phân hủy sinh học, có thể thải ra các hạt vi nhựa.
|
Rác thải nhựa không tái chế đến từ thẻ ngân hàng là bài toán cần được giải quyết (Ảnh: Thảo Thu).
|
Theo thống kê của Vụ thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), Việt Nam có tổng số khoảng hơn 145 triệu thẻ vật lý đang lưu hành, gồm 113,07 triệu thẻ nội địa và 32,81 thẻ quốc tế.
Với số lượng thẻ như vậy, liệu thẻ vật lý của ngân hàng có biến mất, hay còn cách nào khác khi vẫn đảm bảo được tăng trưởng thẻ và thực hiện chuẩn ESG? Có nhiều trường hợp được đặt ra.
Không loại bỏ thẻ vật lý, tìm chất liệu phù hợp để dần thay thế
Ngân hàng và các tổ chức thẻ thay vì loại bỏ dần thẻ vật lý, sẽ có phương án thay thế chất liệu bằng các loại vật liệu bền vững như nhựa tái chế hoặc nhựa sinh học.
Ví dụ điển hình triển khai về việc này đó là MasterCard khi gần đây thông báo thúc đẩy nhanh việc loại thẻ nhựa PVC ra khỏi hệ thống thẻ thanh toán vào năm 2028.
Điều này chắc chắn sẽ có tác động đến kế hoạch vẫn tăng trưởng thẻ và áp dụng bền vững cho các ngân hàng tại Việt Nam.
|
Cấu tạo thẻ (Ảnh: Master Card).
|
Khách hàng dần cảm thấy không cần thiết khi sử dụng thẻ vật lý
Lý do cho nhận định chủ quan trên là công nghệ số đang thay đổi từng ngày, góp phần thay đổi thực hiện các giao dịch tài chính khách hàng khi điện thoại thông minh, internet và các ứng dụng di động đã phủ khắp thị trường Việt Nam.
Điều này mở ra cánh cửa cho các phương thức thanh toán không tiếp xúc được các ngân hàng triển khai trên các ứng dụng ngân hàng hay các trung gian thanh toán như ví điện tử, đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ chính là người quyết định hạn chế việc sử dụng thẻ vật lý lại để giao dịch trực tiếp, nghĩa là trong tương lai gần, thẻ vật lý có thể trở nên không cần thiết.
Công nghệ không tiếp xúc ứng dụng ngày càng cao trong lĩnh vực thanh toán
Các ngân hàng và trung gian thanh toán tại Việt Nam đã nhận ra tiềm năng của công nghệ trong việc cung cấp các dịch vụ thanh toán tiện lợi hơn và đã dần chuyển đổi theo hướng này khi sự gia tăng về số lượng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử tại Việt Nam.
Các ứng dụng này không chỉ hỗ trợ giao dịch trực tuyến mà còn cho phép thanh toán trực tiếp tại cửa hàng thông qua công nghệ NFC. Như gần đây nhất, Apple đã có đến 6 ngân hàng cho phép khách hàng của mình liên kết thẻ để thanh toán qua Apple Pay trên điện thoại di động.
Thẻ vật lý có thể biến mất khi có các chủ trương thực hiện "Thanh toán điện tử, thanh toán không tiếp xúc trong kỷ nguyên số"
Điều này sẽ làm cho việc sở hữu thẻ vật lý càng trở nên hạn chế hơn khi thẻ vật lý vẫn có thể tiếp xúc một phần hoặc sử dụng để rút tiền mặt.
Tuy nhiên, những nhận định trên chưa hoàn toàn khẳng định việc loại bỏ thẻ vật lý một sớm một chiều hay có thể không thực hiện được trong một thời gian ngắn. Một số khách hàng có thể vẫn cảm thấy thoải mái hơn khi sử dụng thẻ vật lý.
Do đó, việc chuyển đổi toàn bộ hệ thống giao dịch sang công nghệ số cần thời gian để thực hiện và các ngân hàng hay trung gian thanh toán sẽ cần những bước đi phù hợp cho khách hàng.
Việc thẻ vật lý của các ngân hàng sẽ được phát hành bằng các vật liệu thân thiện với môi trường hoặc cũng có thể sẽ biến mất là một xu hướng tất yếu trong tương lai của ngành ngân hàng tại Việt Nam.
Sự áp dụng công nghệ số và phát triển các phương thức thanh toán không tiếp xúc sẽ mang lại tiện ích và an toàn cho người dùng. Tuy nhiên, sự thay thế hoàn toàn của thẻ vật lý có thể cần một khoảng thời gian để thực hiện hoàn toàn trong cuộc sống hàng ngày.
Theo Lê Duy Diện - Chuyên gia fintech/Dân trí