Ngày 7 và 8/11, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân – Đồng Trưởng Làng Thách thức và sáng tạo xã hội thuộc Techfest 2021 đã phối hợp với các đơn vị đồng chủ trì của Làng gồm Viện nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững - United Way Việt Nam, Tổ chức United Way Worldwide, Hội nữ trí thức Việt Nam, Mạng lưới Phụ nữ Lãnh đạo toàn cầu và các đối tác đồng hành (Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh – Đại học Thái Nguyên, Hệ sinh thái nông nghiệp bền vững Mevi) tổ chức vòng bán kết Cuộc thi tìm kiếm các doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động xã hội và sáng tạo xã hội cho khu vực miền Bắc và khu vực miền Nam với chủ đề “SOCIAL INNOVATOR OF THE FUTURE”.
|
Vòng bán kết Cuộc thi tìm kiếm các doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động xã hội và sáng tạo xã hội. |
Đây cũng là hoạt động trong khuôn khổ nhiệm vụ thuộc Đề án 844 do Trường Đại học Kinh tế quốc dân là cơ quan chủ trì. Cuộc thi được sự hỗ trợ tài chính từ Đề án 844 về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 và Chương trình Shinhan Square Bridge.
Chính thức phát động từ ngày 1/10/2021, sau hơn một tháng, cuộc thi đã thu hút đông đảo sự tham gia của các doanh nghiệp và các nhóm khởi nghiệp. 48 doanh nghiệp lọt vào vòng bán kết của cả hai khu vực đã đem đến cho Cuộc thi nhiều giải pháp sáng tạo để giải quyết các vấn đề xã hội gồm các giải pháp tạo sinh kế bền vững cho phụ nữ nông thôn, miền núi và cao nguyên từ việc khai thác các nông sản bản địa như dự án phát triển cây nưa tự nhiên thành hàng hoá vùng dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang; xây dựng vườn rừng, kết hợp công nghệ lên men trong chế biến, giúp tái tạo rừng và tạo sinh kế bền vững cho bà con dân tộc Thổ tại Hóa Quỳ, Như Xuân, Thanh Hóa; dự án sản xuất và kinh doanh các sản phẩm chế biến từ gừng bản địa Mộc Châu, Sơn La; dự án gia tăng giá trị cho mật ong bạc hà tỉnh Hà Giang; dự án tạo ra sản phẩm có lợi cho sức khỏe cộng đồng như bài thuốc đông y chữa sụp mí mắt không cần phẫu thuật; dự án tạo ra sản phẩm từ Bột Magang nhằm nâng cao thu nhập, tạo thêm việc làm cho người dân, thanh niên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi Quảng Ngãi; dự án khai thác các tài nguyên du lịch địa phương…đến các dự án có hàm lượng công nghệ, giải quyết các vấn đề phát triển bền vững về kinh tế, xã hội môi trường, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn như dự án phát triển ngành sợi chuối Việt Nam bằng công nghệ Abaca; dự án Green Doctor – Bác sỹ cây trồng; các dự án với những giải pháp sáng tạo để giải quyết các đồ đã qua sử dụng; máy lọc không khí từ tảo….
Đáng chú ý, nhiều dự án có triển vọng đi sâu hơn vào các vòng trong của Techfest và tham dự các cuộc thi quốc tế như các dự án có hàm lượng công nghệ và sáng tạo cao, giúp giải quyết các vấn đề gắn với sức khỏe con người hay môi trường như dự án sản xuất ống hút sinh thái từ gạo, nước dừa lên men, từ bã mía, bã cafe… thay thế ống nhựa; dự án sản xuất màng bọc từ nước thay thế túi nilon; dự án sản xuất máy làm sạch không khí; dự án với phần mềm dành cho người yêu thể thao….
PGS.TS. Đỗ Hương Lan – Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và sáng tạo xã hội Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Chủ nhiệm nhiệm vụ đồng thời là Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi cho biết: “Tín hiệu rất mừng là sáng tạo xã hội năm nay thu hút được sự quan tâm và tham gia của các doanh nghiệp và nhóm khởi nghiệp vượt trội về số lượng so với các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, Fintech, logistic. Các dự án tham gia cuộc thi lần này cũng có sự thay đổi về chất so với các năm trước và đã giải quyết những vấn đề rất cấp thiết của cuộc sống. Cuộc thi cho thấy khởi nghiệp sáng tạo xã hội ngày càng thu hút sự chú ý của các nhà khởi nghiệp trẻ và các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cùng với sự bất định của thế giới mà chúng ta đang sống, sẽ có nhiều thách thức xã hội đặt ra đòi hỏi phải có các ý tưởng cũng như giải pháp sáng tạo để giải quyết một cách căn bản và hệ thống”.
Cùng chung nhận định, Bà Nguyễn Phương Linh – Trưởng Làng Thách thức và Sáng tạo xã hội, Thành viên Ban Giám khảo cũng cho rằng cuộc thi đã thu hút được các sáng kiến đa dạng từ giáo dục, sức khoẻ, môi trường, nông nghiệp - sinh kế - việc làm, v.v. Rất nhiều startups nhấn mạnh đến các mục tiêu phát triển bền vững, đều chứng tỏ xu hướng startups rất quan tâm tới vấn đề kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, vẫn đảm bảo trách nhiệm giải quyết các thách thức xã hội.
Ông Khổng Phan Đức – Chủ tịch Công ty quản lý Quỹ Vietin Bank đánh giá tốt triển vọng của nhiều dự án khởi nghiệp về khả năng gọi vốn. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý các doanh nghiệp cần quan tâm hơn về mô hình kinh doanh với yếu tố lõi, chiến lược marketing cũng như kỹ năng pitching trước nhà đầu tư.
Hy vọng rằng những hoạt động mà Trường Đại học Kinh tế quốc dân trong khuôn khổ Làng Thách thức và sáng tạo xã hội thuộc Techfest Quốc gia 2021 triển khai năm nay dưới sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ Shinhan Bank và Đề án 844 sẽ tạo ra những thay đổi về chất cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo xã hội ở nước ta.
Hiểu Lam