Tình trạng đông cầm máu thường xuất hiện ở phụ nữ có thai, đặc biệt là khi thai ở 3 tháng cuối. Trong một nghiên cứu mới nhất, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, tình trạng này còn có thể kéo dài ít nhất 12 tuần sau khi sinh.
Cuộc khảo sát được tiến hành trên 1,6 triệu phụ nữ đã sinh con ở bệnh viện California (Mỹ) từ năm 2005 đến 2010. Trong số đó thì có tới hơn 1000 phụ nữ bị đông máu và diễn ra tình trạng đông cầm máu, thậm chí có người còn bị đột quỵ, đau tim hoặc huyết khối trong tĩnh mạch tăng cao.
Các nhà khoa học còn chứng minh rằng nguy cơ hình thành các cục máu đông cao đến đỉnh điểm trong khoảng thời gian sinh nở. Ở thời điểm này, rủi ro gặp phải hiện tượng đông máu cao hơn gấp 11 lần so với bình thường. Sau khi sinh từ 6 đến 12 tuần, tỷ lệ này vẫn tăng cao và nguy cơ hình thành máu đông vẫn rất cao ở phụ nữ. Tình trạng này chỉ giảm dần đi từ tuần thứ 13 đến tuần thứ 18 sau khi sinh.
Triệu chứng của hiện tượng máu đông ở phụ nữ có thai có thể phát hiện ra như: đau ngực, khó thở, sưng hoặc đột ngột bị đau ở một chân. Bác sỹ Hooman Kamel, trợ lý giáo sư về thần kinh tại Weill Cornell Medical College (New York) cho biết: “Mặc dù đây chỉ là những hiện tượng rất hiếm, nhưng nó rất có thể sẽ gây ra hậu quả khôn lường nếu bạn không phát hiện sớm. Điều này cần sự tinh ý và chuyên môn cao từ các bác sỹ”.
Giải thích cho hiện tượng đông máu ở phụ nữ có thai, ông Hooman Kamel cho biết: “Các cục máu đông thường phát triển trong suốt thai kỳ và khi sinh nở ở phụ nữ là do sự gia tăng của hormone estrogen và sự thay đổi trong tĩnh mạch phụ nữ. Sau khi sinh xong, các hormone chưa thể bình thường ngay lập tức nên hiện tượng này sẽ còn diễn ra, nhưng dần giảm đi trong các tháng sau đó”.
Chính vì vậy, phụ nữ mang thai cần đi khám thai theo đúng lịch của bác sỹ để bảo vệ mình và đứa con của mình.
Diệu Linh