Thoát khỏi nỗi khổ vô sinh
Anh Dũng cho biết, anh và chị Thư đều là công nhân tại Công ty Cổ phần Dược Vinphaco, cưới nhau năm 1987. Cả hai anh chị đều khoẻ mạnh nhưng sau 2 năm lấy nhau chị vẫn không có thai nên bắt đầu hành trình chữa trị. Kết quả xét nghiệm con giống của anh bị yếu và chị bị rối loạn nội tiết. Không chỉ chữa trị ở bệnh viện chuyên ngành dưới Hà Nội mà bất kỳ ở đâu, cứ nghe nói có thầy thuốc, bác sĩ nào giỏi là anh chị tìm đến. 8 năm ròng rã bao nhiêu tiền thuốc, bao nhiêu công sức bỏ ra, bao tia hy vọng đều tắt, khiến gia đình rơi vào bế tắc.
"Đúng lúc vợ chồng mình buông xuôi thì có lớp TNDS-PHSK mở tại địa phương (tháng 6/1996). Mình đăng ký tham gia tập luyện, chỉ nghĩ tập để thư giãn nào ngờ sau khóa học thấy khoẻ lên, ăn ngon, ngủ ngon. Mình vận động bà xã cùng tham gia tập và thật bất ngờ, kinh nguyệt của bà từ thất thường trở nên đều và sau 6 tháng tập luyện tự nhiên bị "mất" kinh.
Khi đó cả 2 vợ chồng vẫn chẳng nghĩ đến chuyện có thai và cho rằng "nó" lại thất thường như trước, song vợ luôn mệt mỏi, ốm yếu, khi đi khám thì mới biết đã có thai 3 tháng. Cuối năm 1997, vợ mình sinh con gái và hiện cháu là học sinh giỏi lớp 11. Thật chẳng có niềm vui nào kể xiết sau bao năm vất vả, tốn kém đến khi chẳng mất tiền mua thuốc thì lại có con", anh Dũng cười vui.
|
Cháu Tâm cùng bố mẹ và hướng dẫn viên. |
Thương binh liệt tứ chi sinh con
DS Nguyễn Văn Soạn, Chủ tịch Hội TNDS-PHSK tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, không riêng gì gia đình anh Dũng, ông đã hướng dẫn cho nhiều gia đình vô sinh khác có con. Chẳng hạn, gia đình anh Nguyễn Long Sơn (sinh 1952) và chị Phan Thị Tuyết là hai công nhân cơ khí hàn đóng tàu sông, xí nghiệp đóng tàu Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ. Anh Sơn, chị Tuyết lấy nhau 16 năm, chữa trị nhiều nơi, kể cả thụ tinh trong ống nghiệm cũng không có kết quả. Nhờ kiên trì tập luyện TNDS đến cuối năm 1998 anh chị đã sinh con, hiện cháu Nguyên đang học lớp 10.
Đặc biệt nhất là gia đình anh Nguyễn Văn Hà thương binh bị liệt tứ chi. Theo đó, anh Hà là phi công lái máy bay MIX 23 khi luyện tập bị thương nặng các đốt sống cổ, hai chân và hai tay bị liệt nằm bất động trên xe lăn tại trại thương binh K5, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Anh Hà lấy vợ gần 7 năm không có con. Năm 1997, trại thương binh đã tổ chức mở lớp luyện tập TNDS-PHSK cho thương bệnh binh. Vợ chồng anh Hà và nhiều thương binh nặng cùng tập.
Khi tập xong lớp tâm năng anh Hà có thể tự ngồi dậy, hai tay chống hai nạng, có thể di chuyển và làm những công việc sinh hoạt cá nhân. Đặc biệt, nhờ chăm chỉ tập luyện, đến cuối năm 1998 anh chị đã sinh con trai đầu lòng và sau đó hai năm sinh tiếp cháu trai thứ hai...
"Luyện TNDS-PHSK có 2 yếu tố "tĩnh tâm vô thức" và "luyện thân bất động" liên quan mật thiết với nhau, đều tác động vào hệ thần kinh trung ương, giống như ngồi thiền. Vô sinh liên quan nhiều đến hệ sinh dục và hệ nội tiết. Khi tập luyện các cơ quan này sẽ được điều chỉnh cân bằng và nhờ đó có thai".
TS.BS Đào Bội Hoàn (Chủ tịch Hội đồng Khoa học môn TNDS-PHSK)
Thúy Nga