Con khỏe mạnh vẫn mang đi khám chữa tự kỷ

Google News

(Kiến Thức) - Thiếu hiểu biết hoặc quan tâm thoái quá, nhiều phụ huynh đưa con đi khám và can thiệp tự kỷ trong khi trẻ không mắc bệnh này. 

Đôn đáo đưa con đi khám vì sợ bị tự kỷ
Điển hình nhất là một trường hợp cháu N.T.T.H (4 tuổi) được bố mẹ đưa đến Trung tâm tư vấn giáo dục trẻ có nhu cầu đặc biệt Ánh Dương (thuộc Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam) để nhờ can thiệp.
Theo như gia đình cháu H., sau khi thấy con có một số biểu hiện giống bệnh tự kỷ, gia đình đã đưa trẻ đi khám ở nhiều bệnh viện, nhưng các cơ sở đều không đưa ra được kết luận cuối cùng là có bị tự kỷ hay không. Quá lo sợ con mình bị mắc bệnh, gia đình đã đưa con đến nhờ sự can thiệp của các cô giáo trực tiếp dạy trẻ tự kỷ. 
 Nhiều bậc phụ huynh đã nhận thức sai và quá vội vàng khi đưa con đi khám tâm lý.
Tuy nhiên, thăm khám qua các biểu hiện, chuyên gia thấy rằng, cháu dường như không tiếp xúc, không giao tiếp được bằng lời nói, chỉ sống thu mình và xa lánh người lạ…
“Sau một thời gian tiếp xúc, tuy không nói chuyện, không giao tiếp nhưng tôi phát hiện ra bạn này rất thông minh và tôi chắc chắn một điều rằng bạn này không hề bị tự kỷ hay bị rối nhiễu tâm trí mà đơn giản bạn ý chỉ bị tật cấu âm, hay còn gọi là tật ngôn ngữ, với đặc điểm là ngọng tất cả các từ. Tuy bị ngọng nhưng nhận thức của bạn rất tốt và thông minh”, bà Nguyễn Thị Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Ánh Dương, người trực tiếp khám điều trị cho bé N. kể.
Theo bà Tú Anh, nguyên nhân dẫn đến gia đình nhầm lẫn bé bị trầm cảm, tự kỷ là do cháu bị ngọng nên khi phát âm hoặc nói ra thì bị các bạn chê cười, chính vì bị chê cười nên dẫn tới xấu hổ. Đến lớp bạn không chơi không nói chuyện với bất kỳ ai trong một thời gian rất dài và từ đó dần dần sẽ mất đi sự giao tiếp.
Một trường hợp tương tự nữa cũng khiến bố mẹ phải dở khóc dở cười khi đưa con đi khám vì lo con bị trầm cảm. Đó là trường hợp bé Đ.H.N (3 tuổi - Hà Nội). Theo bố mẹ cháu N. do cháu ít nói, hay thả thẩn chơi một mình, thiếu nhanh nhẹn, ít tiếp xúc với các bạn cùng trang lứa nên gia đình lo lắng phải đưa đi khám.
Tuy nhiên, khi đi khám bác sĩ cho biết, cháu không hề bị bệnh tật gì. Khai thác tiền sử gia đình thì được biết, bố mẹ mải kiếm tiền mua nhà, ít quan tâm đến con nên xảy ra trường hợp như vậy.
Ví dụ điển hình nhất là việc, buổi sáng bố mẹ thường đưa N. đi nhà trẻ sớm nhất, nhưng chiều là đến đón muộn nhất, thậm chí là cả những ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật bố mẹ cũng gửi bé đi nhà trẻ để dành thời gian đi kiếm tiền. Chính vì vậy, nên trẻ cảm thấy bị cô đơn, thiếu tình cảm và dẫn tới những thay đổi về tâm lý ngay từ khi còn nhỏ. Trong trường hợp này, nếu không có phát hiện kịp thời, trước sau gì cháu cũng sẽ bị bệnh.
Hãy quan tâm và chú ý đến dấu hiệu bất thường
Từ những trường hợp trên, nhiều chuyên gia nhận định, quá trình trẻ bắt đầu tập nói và trong khoảng thời gian đi học mẫu giáo là phụ huynh phải đặc biệt quan tâm. Bởi đây là thời kỳ trẻ phát triển và hoàn thiện dần trí não.
Điển hình nhất là việc, trẻ thường nói và làm theo người lớn, nếu người lớn hay chửi tục trước mặt trẻ tập nói, thì đến lúc người lớn phải ngạc nhiên khi trẻ tự nhiên nói ra những từ ngữ mang tính chất tục bậy.
 Bà Nguyễn Thị Tú Anh đang hướng dẫn trẻ bị tự kỷ. 
Hay nếu người lớn quan tâm đến trẻ, trẻ sẽ sống rất tình cảm và hòa đồng. Ngược lại, nếu phụ huynh mải mê lo kiếm tiền, thường xuyên cãi vã nhau trước mặt trẻ thì sẽ dẫn đến sự “lạnh nhạt” trong cách sống của trẻ. Đó chính là lý do, nhiều ông bố, bà mẹ khi thấy con có những biểu hiện bất thường thì quy ngay cho con là mắc bệnh tự kỷ nọ, trầm cảm kia và vội vàng đưa con đi khám.
Còn bàn về về trường hợp bệnh lý của trẻ, bà Nguyễn Thị Tú Anh, GĐ Trung tâm Ánh Dương cho biết, các bậc phụ huynh khi nhận thấy con có dấu hiệu bất thường, ở mỗi trẻ thì tốt nhất nên tìm đến nhà chuyên môn để nhà chuyên môn tìm ra và định dạng ra đó là do vấn đề về bệnh lý hay tâm lý. Bởi có những trường hợp trẻ chậm chạp nhưng vẫn nằm trong vùng an toàn thì chỉ cần hướng dẫn nhẹ là trẻ sẽ ổn trở lại.
Đối với những bệnh về tâm lý, như bệnh trẻ thường mắc phải nhất là tự kỷ, thì bố mẹ cần phải chú ý đến những biều hiện của trẻ vì dụ như: gọi không phản ứng, gọi tên không quay lại, không giao tiếp mắt, chơi đồ chơi không đúng chức năng hoặc nhón chân…
Tuy nhiên, để khẳng định chắc chắn trẻ bị mắc bệnh tự kỷ thì tất cả các triệu chứng đó phải xảy ra đồng thời cùng một lúc, còn nếu cháu chỉ chậm nói thì không thể kết luận đó là tự kỷ, vì thế bố mẹ cần phải đi khám để có kết luận cuối cùng chứ không nên cho rằng đó là tự kỷ.
Thông thường bệnh xuất hiện sớm từ khi trẻ được 6 tháng, còn hay gặp nhất đó là trẻ được 12 tháng. Cũng có thể có những trường hợp trẻ có những biểu hiện muộn khi đến 3 tuổi mới bị.
Tuy nhiên, nếu trẻ được phát hiện càng sớm, càng ít tuổi thì những biện pháp can thiệp càng có giá trị, còn những trẻ khi đã nhiều tuổi thì quá trình can thiệp sẽ mất thời gian và khó khăn hơn.
Bài 2: Những năng lực tuyệt vời của trẻ tự kỷ
Minh Hoàng